Trong kế hoạch 2018 của Traphaco, giới đầu tư tập trung chú ý vào 2 mục tiêu được đánh giá là rất tham vọng: đăng ký tiêu chuẩn GMP-EU tại Nhà máy Dược Việt Nam; tạo đột phá tại thị trường miền Nam.

Công nghệ đạt chuẩn cao nhất ngành dược

Vào tháng 5/2017, nhà máy tân dược của Traphaco tại Hưng Yên đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép đạt chuẩn WHO-GMP, nhà máy đã chính thức vận hành thương mại từ tháng 11/2017.

Nhưng đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên của nhà máy mới. Trong năm 2018, Traphaco sẽ triển khai việc đăng ký chứng nhận EU-GMP cho nhà máy. Cơ quan thẩm định và cấp phép là hội đồng chuyên gia của một quốc gia thuộc nhóm EU-GMP. Riêng việc thẩm định kéo dài 3 - 6 tháng và thông thường cả quá trình đăng ký lên tới 18 tháng nếu mọi việc suôn sẻ.

{keywords}
Dây chuyền siết nắp thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi 

Theo ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco, 3 yếu tố có vai trò quan trọng đặc biệt tới chất lượng thuốc gồm nguyên liệu, máy móc và con người vận hành sản xuất. Ưu tiên hàng đầu cho chất lượng thuốc và hiệu quả điều trị, đặc biệt đặt mục tiêu  dược phẩm đạt chuẩn sản xuất quốc tế (các tiêu chuẩn này đều yêu cầu nghiêm ngặt về nguyên liệu đầu vào), Traphaco đã mạnh dạn đầu tư, thậm chí chấp nhận khấu hao cao, giai đoạn đầu chịu chi phí lớn tại nhà máy tân dược.

{keywords}

“Nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU đòi hỏi chi phí đầu tư lớn cả về hạ tầng, máy móc, quy trình và đội ngũ nhân sự, đòi hỏi tính tuân thủ cao xuyên suốt quá trình thẩm định cho đến giai đoạn vận hành về sau. Chúng tôi hiểu rõ và nhìn nhận rằng, đầu tư cho công nghệ là bước đi tất yếu”, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco chia sẻ.

Hiện chỉ có 3-4 doanh nghiệp dược của Việt Nam có nhà máy đạt chuẩn EU-GMP. Khi vượt qua được quy trình đánh giá cấp phép nghiêm ngặt này, Traphaco sẽ lọt vào top doanh nghiệp có công nghệ dẫn đầu ngành dược Việt Nam.

Bên cạnh việc khẳng định dược phẩm được sản xuất từ nhà máy Traphaco có chất lượng đạt chuẩn châu Âu, tương đương với các tập đoàn hàng đầu thế giới, đây còn là tấm vé thông hành để Traphaco tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường đấu thầu thuốc (hệ điều trị) bên cạnh kênh Nhà thuốc.

Sở hữu một nhà máy được đầu tư bài bản và có công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới như vậy, tham vọng của Traphaco trong lĩnh vực tân dược là rất lớn, với mục tiêu đặt ra là có danh mục sản phẩm thuốc điều trị, đặc trị các nhóm bệnh phức tạp, hướng đến đáp ứng nhu cầu thuốc chất lượng cao của người dân trong nước, mà hiện nay thường phụ thuộc vào thuốc ngoại nhập. Năm 2018, Traphaco đặt mục tiêu sẽ có thêm 8 sản phẩm mới.

Để thực hiện được mục tiêu mở rộng tệp sản phẩm, ông Trần Túc Mã cho biết, công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ được Traphaco đầu tư mạnh mẽ, bên cạnh đó, Công ty cũng tính toán việc mua công thức được bảo hộ của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới hoặc sản xuất thuốc generic.

Hóa giải thách thức thị trường mới

Bên cạnh mảng đông dược đang dẫn đầu tại Việt Nam, chuyển hướng sang tân dược, tập trung vào những sản phẩm chất lượng cao, được giới đầu tư nhìn nhận là bước chuyển kịp thời, nước cờ khôn ngoan của Traphaco.

Nước cờ này đã được tính toán rất kỹ để chỉ có một kết quả duy nhất là thành công. Có ba yếu tố đảm bảo: Thứ nhất, chất lượng tân dược do Traphaco sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng giá thành lại cạnh tranh, phù hợp với thu nhập của người Việt. Công nghệ mới được áp dụng tại nhà máy cho năng suất rất cao, giảm nhiều chi phí không cần thiết. Đơn cử, năng suất của nhà máy mới cao gấp 3 lần so với nhà máy công nghệ cũ có quy mô tương đương, với số nhân công thấp hơn, chỉ bằng một nửa.

Thứ hai, thuốc sản xuất ra có hệ thống phân phối rộng lớn mà Traphaco đã xây dựng thành công trên toàn quốc với gần 27.000 nhà thuốc. Ở hệ thống phân phối này, Traphaco đã thành công trong việc áp dụng phần mềm quản trị bán hàng, hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp, cho phép Công ty nhanh chóng nắm bắt chính xác nhu cầu của khách hàng, định vị các sản phẩm bán chạy để từ đó điều chỉnh sản xuất phù hợp.

{keywords}
 Traphaco tổ chức lớp đào tạo trình dược viên về phần mềm bán hàng

Thứ  ba là thương hiệu Traphaco đã được nhận biết rộng rãi và hiện đứng đầu trong Top 10 Công ty dược Việt Nam uy tín (liên tục 2 năm 2016, 2017 theo đánh giá của Vietnam Report).

Ngoài kênh Nhà thuốc, Traphaco hoàn toàn có điều kiện tham gia các gói thầu thuốc chất lượng cao ở kênh điều trị và tính đến bài toán xuất khẩu.

Đây cũng là điểm thuận lợi để Traphaco chinh phục và tạo đột phá tại thị trường miền Nam. Năm 2017, Traphaco đã không đạt mục tiêu đặt ra tại thị trường này với doanh thu đạt 371 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt 92% kế hoạch. Tuy vậy, phân tích kỹ hơn số liệu có thể thấy tiềm năng của thị trường và triển vọng các sản phẩm của Traphaco tại đây là rất lớn. Chẳng hạn, doanh thu kênh Nhà thuốc tăng 13% so với cùng kỳ, đặc biệt doanh thu mảng sản phẩm sức khỏe xanh (Tottri, Cebraton, Methorphan…) tăng tới 38% so với cùng kỳ.

Năm 2018, kế hoạch kinh doanh mà Traphaco đặt ra rất thách thức với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 2.400 và 300 tỷ đồng, tăng trưởng 20% và 25% so với năm trước, cao gấp hơn 2 lần mức tăng trung bình của ngành dược. “Hiện thực hóa các mục tiêu theo chiến lược” là thông điệp năm được ông Trần Túc Mã lựa chọn. Rất nhiều việc phải làm, nhiều thách thức phải vượt qua, song bản lĩnh và nội lực đã được chứng minh ở mỗi người Traphaco sẽ là nền tảng dẫn dắt con tàu Traphaco có thêm sức mạnh, tiếp tục thẳng hướng.

Lệ Thanh