Phụ nữ hiện chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đang là tiềm lực khởi nghiệp rất lớn. Song, vẫn còn không ít những rào cản đang ngáng trở, khiến cho nhiều cơ hội để phụ nữ khởi nghiệp gặp khó.

Nhiều cản trở phụ nữ khởi nghiệp

Theo số liệu thống kê của Việt Nam, tính đến năm 2016, Việt Nam có trên 500.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 100.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ (khoảng 20%); còn theo kết quả khảo sát Chỉ số phát triển nữ doanh nhân do Mastercard công bố tháng 3/2017, Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp do doanh nhân nữ lãnh đạo là 31,45%. Báo cáo của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) cũng cho thấy, doanh nhân nữ Việt Nam đứng thứ hai về tỷ lệ tham gia thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á.

Riêng về vấn đề khởi nghiệp, các chuyên gia cho biết, khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam, trong đó, phụ nữ hiện chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực và đang là tiềm lực khởi nghiệp rất lớn.

Tuy nhiên, theo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, số doanh nghiệp do nữ làm chủ chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, với đặc tính giới, phụ nữ cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh. Những định kiến tồn tại lâu đời liên quan đến gia đình và con cái khiến phụ nữ có ít cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, cơ hội được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi…

{keywords}

Theo kết quả một nghiên cứu mới nhất được Facebook công bố ngày 20/9/2017, phụ nữ Việt Nam, trong vấn đề khởi nhiệp và kinh doanh, vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản. Có đến 34% phụ nữ được hỏi cho biết thiếu tiếp cận tài chính và 32% chưa cảm thấy sẵn sàng để khởi nghiệp.

Báo cáo cho hay, tính đến cuối năm 2021, chỉ cần một nửa trong số họ tìm được cơ hội để bắt đầu kinh doanh từ hôm nay, hiệu quả sẽ không chỉ dừng lại ở việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra 1,1 triệu doanh nghiệp mới và 3,9 triệu việc làm.

Bà Clair Deevy, Trưởng bộ phận Sáng kiến phát triển kinh tế, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook, nhấn mạnh, nếu không tháo gỡ được rào cản mà phụ nữ phải đối mặt khi khởi nghiệp, chúng ta đang bỏ lỡ một cơ hội tiềm năng về phát triển kinh tế.

Cần những chính sách hỗ trợ cụ thể

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa ra mục tiêu tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt từ 35% trở lên trong tổng số hơn 1 triệu DN của cả nước, tỷ lệ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50%, tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100% vào năm 2020.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 35% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, cần những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp nữ.

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch CLB nữ doanh nhân Hà Nội, để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ vốn tài chính và vốn phi tài chính. Vốn phi tài chính ở đây chính là năng lực nội tại, năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp nữ phát triển, quản trị hiệu quả để phá vỡ rào cản mà không phải trông chờ hỗ trợ từ bên ngoài.

“Chính nguồn vốn này sẽ làm thay đổi văn hóa ứng xử trong gia đình để người chồng ủng hộ người vợ hơn trong việc khởi nghiệp, kinh doanh, để người phụ nữ không phải đánh đổi gia đình lấy sự nghiệp”, bà Thu Thanh nhấn mạnh.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì cho rằng, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương và bản thân sự nỗ lực của cán bộ hội các cấp để hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của phụ nữ. Ðồng thời, cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mới thành lập, xây dựng và phát triển các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới xúc tiến thương mại.

Còn một yếu tố rất quan trọng để phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh thành công chính là bản thân người phụ nữ phải vượt lên chính mình, vượt lên những rào cản xã hội để bắt tay khởi nghiệp.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Mục tiêu của Đề án là nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện Mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Theo mục tiêu đề án, phấn đấu đến năm 2025, 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

D.Minh (tổng hợp)