- Rất nhiều đơn vị du lịch phản ánh, các đoàn du khách đến từ Nga, Ukraine và các nước thuộc khối CIS (Liên Xô cũ)… đến Nha Trang du lịch không thể thuê được phòng khách sạn nếu không đi “đúng tuyến”. Tình trạng này đã được các DN phản ánh lên Bộ Công thương và Cục Quản lý Cạnh tranh đã vào cuộc điều tra…

Theo phản ánh của nhiều đơn vị lữ hành, hiện tại họ đang gặp rất nhiều khó khăn khi đưa khách du lịch vào Nha Trang bởi các cơ sở lưu trú ở đây từ chối bố trí phòng nghỉ cho khách. Chủ các khách sạn giải thích, do họ đã ký hợp đồng đặt phòng với Công ty TNHH SX TM DV XNK Ánh Dương (Cty Ánh Dương).

Qua tìm hiểu, có khoảng 40 khách sạn tại Nha Trang đã ký hợp đồng với Cty Ánh Dương. Chủ một số đơn vị ký kết hợp tác với Cty Ánh Dương phản ánh, điều khoản mà Cty Ánh Dương quy định trong các hợp đồng là bên A (khách sạn): “chỉ có quyền xác nhận các booking cho du khách Nga, Ukraine và các nước trong khối CIS” do bên B (Cty Ánh Dương) đưa đến.

Bên cạnh đó, các khách sạn này cũng không được phép giới thiệu, không bán, và không cho phép những người khác và các đại lý du lịch vào giới thiệu và bán “Optional tour”, việc bán các tour này phải do các hướng dẫn viên của Cty Ánh Dương – Pegas đảm nhiệm.

{keywords} 

Chính vì thế nên đã xảy ra nghịch lý, thừa khách sạn nhưng khách lại không thuê được phong. Đại diện nhiều đơn vị lữ hành phản ánh: “Mặc dù hệ thống khách sạn tại Nha Trang chưa sử dụng hết công suất, còn thừa rất nhiều phòng nhưng các khách sạn cũng không thể nhận đơn đặt phòng từ chúng tôi, điều đó gây ra sự lãng phí ghê gớm, gây tác động xấu đến hình ảnh du lịch của Khánh Hòa”.

Theo luật sư Nguyễn Thành Vinh, Phó tổng giám đốc Cty luật SMIC, với điều khoản “trói buộc” nói trên, Cty Ánh Dương đã đặt các doanh nghiệp khách sạn khu vực Nha Trang vào trạng thái phải chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng (cung cấp phòng cho công ty Ánh Dương), buộc các doanh nghiệp khách sạn phải chấp nhận các điều kiện hạn chế phân phối hàng hoá và dịch vụ của mình. Cụ thể là các khách sạn dù có nhiều phòng chưa được khai thác vẫn không được phép cung cấp phòng cho các công ty du lịch khác có khách từ Nga và khối CIS đến Khánh Hoà.

Theo ông Vinh, hành vi của công ty Ánh Dương đã trực tiếp ngăn cản, kìm hãm, không cho các doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển thị trường. .

Đại diện một cơ sở lưu trú cho biết, cho đến hết năm 2015, hiệu lực hợp đồng ký kết với Cty Ánh Dương mới hết. Trong khi đó, không phải lúc nào phía Ánh Dương cũng có khách đưa đến khách sạn nên tỷ lệ phòng chưa khai thác rất nhiều. “Có thời điểm, phòng trống tại khách sạn của chúng tôi lên đến 70%, rất lãng phí, nhưng chúng tôi không thể phá vỡ cam kết đã ký”, chủ một cơ sở lưu trú nói.

Theo luật sư Vinh, hành vi này nhằm lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để ký hợp đồng cung cấp phòng với các doanh nghiệp khách sạn với nội dung thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Theo Điều 13 Luật Cạnh tranh, thì các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm bao gồm “hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng” (khoản 3). Trong khi đó, khoản 5 của Điều 13 cũng quy định rõ là cấm “áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng”.

Liên quan đến việc này, ngày 5/5//2014 vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) Bạch Văn Mừng đã ký Quyết định số 23/QĐ-QLCT, tiến hành điều tra việc cạnh tranh liên quan đến hành vi thống lĩnh thị trường mà Cty Ánh Dương thực hiện.

Hưng Sang