- Tình trạng nhà vệ sinh công cộng tại một số điểm du lịch vừa thiếu, vừa nhếch nhác khiến nhiều du khách quốc tế phải bịt mũi, nín thở khi có nhu cầu. Ngoài giao thông, nỗi ám ảnh của không ít du khách khi đến Việt Nam là... toilet.

Xập xệ, nhếch nhác

Số liệu báo cáo về thực trạng hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch của 33 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, ngay cả những trung tâm du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM,... nhà vệ sinh công cộng vừa thiếu vừa xập xệ và... bẩn.

Tại Hà Nội, mặc dù là trung tâm du lịch lớn của cả nước, nhưng số lượng toilet công cộng còn ít và chưa vệ sinh. Quanh hồ Hoàn Kiếm chỉ có 2 điểm được dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách. Song, ngay cả khu vệ sinh mới xây ở đầu phố Lý Thái Tổ cũng không đảm bảo, chưa kể các thiết bị bên trong đã xuống cấp và không sử dụng được chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào phục vụ.

Ở nhiều khu vực tham quan, khách du lịch luôn phải nín thở khi bước vào các toilet khai nồng nặc, tối và ẩm thấp, buồng vệ sinh được che chắn tạm bợ, không có bồn vệ sinh. Mặc dù một số nơi nhà vệ sinh công cộng có người thu tiền nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, việc dọn dẹp vẫn mang tính chất qua loa, chưa đảm bảo tiêu chí sạch sẽ, chủ yếu là phục vụ cho khách nội địa, khách du lịch nước ngoài vẫn ngại sử dụng. Nhiều nơi, các thiết bị như chậu nước rửa tay, vòi nước,... luôn rơi vào tình trạng hỏng hóc, ống thoát nước thải thì rò rỉ mà không được sửa chữa kịp thời.

{keywords} 

Nhiều điểm du lịch ở các tỉnh, thành khác cũng bị chê vì nhà vệ sinh dơ bẩn. Thế mới có chuyện, có khách du lịch sau khi “thăm” toilet xong đã đòi về khách sạn ngay vì chẳng còn tâm trí đâu mà ăn uống, thưởng ngoạn cảnh đẹp nữa.

Tại TP.HCM, nhiều khách sạn, trung tâm thương mại phải gánh thêm nhiệm vụ bất đắc dĩ trở thành nơi để du khách đi vệ sinh. Đơn cử như khách sạn Rex, từ nhiều năm qua, các công ty du lịch đưa khách tham quan khắp nơi trong thành phố, nhưng thường chọn điểm đến trước mặt khách sạn Rex để khách tập trung chụp hình rồi... đi vệ sinh cho tiện. Bởi nhà vệ sinh ở đây không những đẹp, sạch, lịch sự mà còn nằm ngay vị trí thuận lợi, từ đây khách có thể tham quan các điểm ở xung quanh và mua sắm.

Một cán bộ Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết nhà vệ sinh tại chợ Bến Thành từng bị du khách phản ứng. Nhiều du khách đã viết thư đề nghị sửa gấp. Sau đó, tại chợ đã xây một khu toilet dành cho khách Tây, một khu dành cho tiểu thương. “Nhưng phải thừa nhận rằng vẫn chưa đảm bảo tiêu chí sạch sẽ! Tôi thấy sau khi khách dùng toilet, người dọn vệ sinh đứng ở ngoài rồi hắt nước vào trong. Sàn lênh láng nước, mùi thum thủm” - vị cán bộ trên ngán ngẩm.

Trong khi đó, tại các nước láng giềng như Campuchia, Singapore, Thái Lan... vấn đề xây dựng nhà vệ sinh để phục vụ du khách được đặc biệt quan tâm. Ở bất kỳ đâu, từ điểm du lịch, khu vui chơi đến siêu thị, cửa hàng, trạm xăng... cũng thấy có nhà vệ sinh sạch, đẹp, rộng rãi, thoáng, có cả lối đi và cabin dành riêng cho người khuyết tật. Sự tinh tươm được giữ ngay cả khi điểm đến vào mùa du lịch, đông khách.

Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia là một ví dụ. Các nhà vệ sinh công cộng của Malaysia đã trở thành một chủ đề nóng bỏng khi các khách du lịch than phiền rằng chúng thường bẩn và thiếu những vật dụng cơ bản như xà phòng và giấy. Phó Thủ tướng Malaysia Najib Razak đưa ra khái niệm “văn hóa nhà vệ sinh quốc gia” khi đi kiểm tra một nhà vệ sinh ở bên đường tại một vành đai mua sắm ở Kuala Lumpur và kêu gọi người dân nước này học người Nhật trong việc giữ gìn các toilet sạch sẽ. Cụ thể, các toilet ở Nhật được lắp điều hòa nhiệt độ có bộ phận tự làm sạch bệ xí, rửa và làm khô bồn cầu sau mỗi lần sử dụng. Toàn bộ nhà vệ sinh sẽ được làm sạch theo cách tương tự, sau 5 lượt dùng.

{keywords} 

Nâng cấp du lịch từ... nhà vệ sinh

Thiếu nhà vệ sinh công cộng dành cho du khách tại nhiều thành phố du lịch là một “vấn nạn”. Trong cuộc họp kích cầu du lịch, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam rất quyết tâm với vấn đề cải thiện nhà vệ sinh tại các điểm du lịch. Ngành du lịch Việt Nam sẽ giải quyết rốt ráo vấn đề nhà vệ sinh với khẩu hiệu “Nơi nào có du lịch - Nơi đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”.

Tuy nhiên, sau hai năm nhìn lại, thực trạng vừa thiếu, vừa “yếu” của những nơi giải quyết nhu cầu “không thể đừng” tại các điểm du lịch vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Lãnh đạo ngành du lịch thừa nhận, thực trạng thiếu nhà vệ sinh tại nhiều tỉnh thành đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ, hình ảnh của du lịch Việt Nam. Do vậy, nhiệm vụ hàng đầu của ngành du lịch trong thời gian tới là xây dựng nhà vệ sinh công cộng đảm bảo phục vụ du khách. “Nhà vệ sinh cần có đầy đủ tại các điểm du lịch, không thể để hình ảnh du lịch Việt Nam xấu đi trong con mắt du khách chỉ vì thiếu nhà vệ sinh”, ông bày tỏ.

Năm 2012, Tổng cục Du lịch có quyết định quy định tạm thời về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch. Quyết định cũng quy định rõ các tiêu chuẩn đối với nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch phải đáp ứng điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; ngoài ra còn có các tiêu chí khác như có biển báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh, vị trí thuận lợi, đầy đủ trang thiết bị tiện nghi, thông thoáng, sạch sẽ... Các nhà vệ sinh này sẽ hoạt động 24/24h.

Theo kế hoạch của Bộ VH-TT&DL, đến hết năm 2012, mỗi địa phương có ít nhất 50% điểm du lịch có WC đạt chuẩn và đạt 100% vào năm 2014.

D.Anh