- Hàng tấn châu chấu ướp lạnh từ Thanh Hóa, Nghệ An được chuyển đi thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La,... mỗi ngày. Nghề kinh doanh châu chấu giờ lan ra nhiều tỉnh thành phía Bắc, tạo nên một mạng lưới cung cấp và buôn bán nhộn nhịp.

Hái ra tiền nhờ “quạt chấu”

Nghề bắt châu châu xuất phát từ Lê Thanh (Mỹ Đức, Hà Nội). Ở đây, cứ chiều tối mùa gặt lúa, thanh niên khỏe mạnh lại vác vợt, lưới đi khắp các cánh đồng để bắt châu chấu. Hết cánh đồng này đến những cánh đồng khác, con đường tìm và bắt châu chấu theo đó ngày càng xa. Có khi, đi đến vài ngày. Mỗi lần như thế, họ bắt được hàng tạ châu chấu.

Người dân xã Lê Thanh thường hay gọi công việc này là “quạt chấu”.

Theo những người dân sống ở đây, ban đầu họ đi “quạt” chỉ quanh vùng Hà Tây cũ. Bắt hết, họ mở rộng phạm vi ra các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa,... Càng làm, họ lại tìm ra các phương pháp bắt châu chấu hiệu quả và đỡ tốn sức hơn.

{keywords}

{keywords}

Châu chấu được ướp lạnh được đựng trong thùng xốp.

Cô Liên ở Lê Thanh cho biết, khắp các tỉnh phía Bắc, nơi nào có châu chấu, người Lê Thanh tìm đến. Người dân bản địa thấy lạ, họ cũng rủ nhau đi bắt. Không những vậy, người dân Lê Thanh dạy cho họ cánh bắt sao cho hiệu quả, đỡ tốn sức, được bao nhiêu rồi mua lại. Từ đó, nguồn cung châu chấu tăng lên rất nhiều mà dân Lê Thanh không phải vất vả đi bắt nhiều như trước nữa.

Công việc tuy vất vả nhưng lại có thu nhập cao. Một người đi “quạt” bình thường được 50-80 kg mới chở về, bán cho người Lê Thanh. Mỗi ký châu chấu giá từ 40.000-60.000 đồng. Có gia đình 3 bố con đi bắt, thu nhập mỗi một tối được hơn 1 triệu đồng.

“10 năm trước chỉ có người dân Lê Thanh mới biết bắt chấu, giờ các tỉnh đâu cũng biết, đó là do người Lê Thanh dạy họ”, cô Liên chia sẻ.

Anh Năng ở Lê Thanh cho hay đã từng vào tận Nghệ An nhập hàng và được chứng kiến nhiều phương pháp bắt châu chấu rất hiệu quả. Đó là do chính họ đã nghĩ ra và sáng tạo hơn cách làm của người Lê Thanh.

“Sau khi lúa đã gặt, họ buộc ngang thanh sắt hoặc thanh gỗ dài vào yên xe máy, hai bên thanh gỗ buộc hai túi lưới, cứ thế họ phi xe chạy khắp cánh đồng. Đi đến đâu, châu chấu sợ bay loạn thì bị lưới hai bên xe đón lõng. Với phương pháp đó, chỉ vài giờ đồng hồ bắt được cả tạ châu chấu”, anh Năng chia sẻ.

“Con đường” châu chấu

Đến vụ châu chấu, hầu như người dân Lê Thanh cùng nhau đi “quạt”. Thấy vùng nào có nhiều, họ đều rỉ tai nhau để cùng đi bắt. Đến khi ngoài đồng không còn châu chấu, lúc này công việc của người dân trở lại bình thường, chỉ còn vài hộ gia đình trong xã Lê Thanh tiếp tục buôn loại côn trùng này.

Thực tế, xã Lê Thanh chỉ có vài hộ gia đình thu gom, sơ chế châu chấu rồi mang đi ra các chợ đầu mối bán. Hết vụ, họ phải thu gom từ các tỉnh.

{keywords}

Châu chấu được vận chuyển từ Nghệ An, Thanh Hóa ra ngoài Bắc

Anh Huấn (Lê Thanh, Mỹ Đức), người đã có gần 20 năm làm nghề mua bán châu chấu, tiết lộ, vợ chồng anh đã từng đi khắp các tỉnh miền Bắc thu gom châu chấu. Thậm chí, nơi có nguồn cung dồi dào, anh chị đánh cả chuyến xe tải đến gom hàng. Như ở Nghệ An, vợ chồng anh đã chở hàng tấn hàng về.

Sau này, anh đặt các tuyến xe khách từ Nam ra Bắc vận chuyển hàng ra, còn gia đình tập trung sơ chế và bán cho các chợ đầu mối. Mỗi ngày, anh bán ra hàng tạ châu chấu đã qua sơ chế.

“Do hàng được huy động từ nhiều đầu mối, thời gian tập kết không trùng nhau nên ngày nào hai vợ chồng cũng phải đi vài chuyến xe máy từ Lê Thanh ra cầu Đồng Văn (Hà Nam) để nhận hàng. Hiện mỗi ngày chúng tôi nhận khoảng 2 tạ hàng, vào mùa gặt từ tháng 4-5, 9-10 âm lịch có thể nhận đến cả tấn/ngày”, anh Huấn chia sẻ.

Hơn 2 năm trở lại đây, các tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Sơn La, Lạng Sơn,... cũng có nhu cầu thu gom châu chấu. Từ Nghệ An, Thanh Hóa, các tuyến xe khách gần như quen thuộc với công việc vận chuyển mặt hàng quen thuộc này. Hàng chục thùng châu chấu ướp lạnh được chất đầy cốp xe, chở đi khắp các tỉnh phía Bắc.

Chị Hoa (vợ anh Huấn) nói thêm, lượng châu chấu từ Nghệ An, Thanh Hóa cung cấp cho thị trường phía Bắc trung bình lên đến 5 tấn/ngày, nếu vào mùa vụ con số này có thể gấp đôi. Trong đó, riêng xã Lê Thanh, với 5 hộ kinh doanh châu chấu đã “ngốn” hết hơn 1 tấn, còn lại hàng đi các tỉnh khác.

Hơn 2 năm trở lại đây, anh Lê Hữu Bách - lái xe lâu năm tuyến đường Bắc - Nam, nhận chở hàng châu chấu từ miền Trung ra Bắc. “Dân lái xe khách đường dài thường hay nói vui, đây là con đường châu chấu”, anh Bách cười bảo.

Tuấn Linh