Ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về công tác chuyển đổi số. Buổi làm việc diễn ra tại Hà Nội, được EVN kết nối trực tuyến tới hơn 200 điểm cầu tại các đơn vị thành viên của mình trên toàn quốc.

 {keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Mở đầu cuộc làm việc, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN phát biểu: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng và triển khai đề án Nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất kinh doanh của EVN; Thành lập Ban chỉ đạo 4.0 có thành phần là người đứng đầu các đơn vị thành viên.

Hiện nay, các đơn vị của EVN đang triển khai 30 nhiệm vụ gồm các dự án/đề tài do Ban Chỉ đạo 4.0 giao về  ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh dịch vụ khách hàng và quản trị. Đồng thời, đang từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số theo định hướng được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ông Dương Quang Thành cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra mục tiêu hoàn thành công tác “Chuyển đổi số doanh nghiệp” vào năm 2025.

{keywords}
EVN rút ngắn lộ trình, hoàn thành chuyển đổi số vào 2022

Báo cáo cụ thể, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, mục tiêu của EVN là ứng dụng triệt để, toàn diện sức mạnh của công nghệ số và công nghệ thông tin, đặc biệt là các công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 như: IoT, BigData, AI, Blockchain, Cloud,..., tiếp tục đẩy mạnh chuyển đối số trên mọi lĩnh vực từ hoạt động quản trị doanh nghiệp, kinh doanh & dịch vụ khách, cải thiện kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, xây dựng Tập đoàn trở thành doanh nghiệp số.

Chia sẻ tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động đề xuất tổ chức buổi làm việc, thảo luận về chuyên đề chuyển đổi số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, EVN có rất nhiều cơ hội trong chuyển đổi số, với ưu thế là Tập đoàn mạnh, có tiềm lực tài chính, có hạ tầng quy mô, sở hữu nhiều nguồn dữ liệu và dễ dàng kết nối với các đối tác.

{keywords}
Nếu công cuộc chuyển đổi số thành công, EVN hoàn toàn có thể phát triển ra nước ngoài. 

“Qua trao đổi, làm việc với Tập đoàn, tôi thấy được khát khao của EVN. EVN hãy là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, với mục tiêu không phải 2025, mà là sớm hơn, vào năm 2022. Tôi có niềm tin vào điều này” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Nhấn mạnh việc EVN phải đặt ra mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số vào 2022, thay vì năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định điều này được ông “đúc kết từ kinh nghiệm thực tế trong cả cuộc đời”, và chỉ có đặt ra mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, EVN mới có thể thành công.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc chuyển đổi số thành công phụ thuộc vào sự dẫn dắt của người đứng đầu Tập đoàn. Bởi lẽ, chuyển đổi số cần có khát khao, có sự lắng nghe thì chắc chắn thành công. Trong đó, người đứng đầu phải đặt ra các mục tiêu cao cho các đơn vị thực hiện, đồng thời huy động được sức mạnh sáng tạo ở các đơn vị bên ngoài EVN.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: EVN chuyển đổi số thành công sẽ tạo cảm hứng cho tất cả các doanh nghiệp khác, các lĩnh vực khác chuyển đổi số. Ngành điện hiệu quả thì cũng góp phần tạo ra sự tăng trưởng GDP đất nước. Trong chuyển đổi số, có một điều rất quan trọng là phải tạo được sự chuyển đổi số ngành. 

Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng với 50.000 doanh nghiệp trong ngành sẵn sàng song hành cùng EVN trong chuyển đổi số.

“Tôi mong muốn EVN hãy là ngành tiên phong để 2022 chuyển đổi số thành công. Nếu công cuộc chuyển đổi số thành công, EVN hoàn toàn có thể phát triển ra nước ngoài. Việt Nam không thể thành một nước phát triển nếu như các doanh nghiệp không vươn ra được thị trường nước ngoài. Việt Nam cũng không thể phát triển được nếu không có các sản phẩm make in Viet Nam”, ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi, chia sẻ, trả lời các câu hỏi về chuyển đổi số của lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các tổng công ty của EVN. Các thành viên đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã góp ý, định hướng về chương trình chuyển đối số của EVN.

Hà Duy

Vì sao phải "Make in Vietnam" thay vì "Made in Vietnam"?

Vì sao phải "Make in Vietnam" thay vì "Made in Vietnam"?

"Make in Vietnam" là một cách chơi chữ so với cụm từ “Made in Viet Nam” nhằm nhấn mạnh vào sự chủ động sáng tạo, thiết kế các sản phẩm công nghệ cao của người Việt.