Hàng triệu người nông dân Việt Nam đã biết sử dụng internet để quyết định nuôi con gì, trồng cây gì theo nhu cầu thị trường, thậm chí tự mình bán nông sản qua mạng xã hội.

Bán nông sản qua facebook, zalo

Chỉ 2- 3 năm trước đây, ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, người nông dân mới chỉ “tiếp cận” internet để tìm kiếm thông tin về kỹ thuật canh tác, nuôi trồng… Đến nay, không ít người nông dân đã biết tận dụng mạng xã hội, sử dụng mạng 3G/4G để mở thêm đầu ra cho các sản phẩm nông sản.

Trước đây, người dân huyện biên giới Mường Khương (Lào Cai) không ít khó khăn, đời sống người dân gắn liền với trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi… Tuy nhiên, từ khi mạng 4G “phủ sóng”, cuộc đời người nông dân đã thay đổi.

Mạng internet nhanh chóng trở thành công cụ giúp người dân  học hỏi kiến thức, trồng ra những trái quýt ngọt, mọng nước, đảm bảo tiêu chuẩn VietGap và được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ vậy, người nông dân còn tự lập Zalo, Facebook để bán hàng trên mạng và quảng bá về vườn quýt của mình.

Nhờ các chương trình định hướng, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật khuyến nông và sự phủ sóng của mạng Internet, nhiều nông dân ở Mường Khương trồng thành công cây quýt và chủ động tìm được đầu ra cho sản phẩm, đồng thời mở ra thêm hướng đi phát triển du lịch.

Tại Hà Nội cũng đã và đang triển khai nhiều hoạt động đưa nông sản lên "chợ điện tử" để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Những chợ thương mại điện tử này giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân có điều kiện tham gia phân phối sản phẩm nông sản an toàn cho cộng đồng qua hình thức bán hàng trực tuyến. Đây cũng là kênh thông tin giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình trên hệ thống chợ thương mại điện tử một cách dễ dàng, thuận lợi, chi phí thấp hoặc miễn phí...

{keywords}
 

Thêm cơ hội cho người nông dân tiếp cận internet

Trên thực tế, mạng internet đã và đang trở thành công cụ đắc lực của người nông dân, đây cũng là bước đi quan trọng trong mục tiêu về nền nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Bởi, tiếp cận mạng internet, người nông dân tiếp cận kho kiến thức khổng lồ về canh tác, trồng trọt, biết đến những khái niệm như thâm canh theo hướng sinh học, chế phẩm vi sinh... Người nông dân cũng dần thay đổi thói quen “trông trời, trông đất, trông mưa”, làm nông nghiệp theo cách truyền thống hoặc truyền miệng kinh nghiệm…

Không chỉ vậy, sự phát triển của các ứng dụng di động, mạng xã hội… cũng mở thêm đầu ra hiệu quả cho nông sản Việt. Người nông dân chủ động hơn trong nắm bắt nhu cầu thị trường, giá cả, tránh việc mù mờ thông tin, bị thương lái ép giá. Những thương hiệu nông sản Việt cũng từ đây được “chắp cánh”: cam Cao Phong, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên…

Theo Hội Nông dân Việt Nam, tỷ lệ nông dân sử dụng điện thoại di động và máy tính hiện khá cao, sóng di động đã phủ 100% lãnh thổ, kết nối Internet đã đến các xã thôn nên Việt Nam có lợi thế trong việc khuyến khích nông dân sử dụng Internet phát triển kinh tế nông thôn.

Từ đó, giữa năm 2017 một dự án hỗ trợ 30.000 nông dân tiếp cận Internet đã được khởi động. Dự án này sẽ hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cơ bản cho hơn 30.000 nông dân ở 9 tỉnh của Việt Nam trong 3 năm gồm Lai Châu, Bắc Giang, Nam Định, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Tháp, Tiền Giang và Bạc Liêu.

Với dự án trên, tại nhiều địa phương, các hội viên nông dân đã được tập huấn nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet, làm quen với những thao tác cơ bản như hiểu sơ bộ về máy tính, soạn văn bản, lưu trữ và quản lý thông tin. Phần quan trọng là giới thiệu về internet, kết nối và tìm kiếm thông tin trên internet cũng như các công cụ hữu hiệu của Google.

Diệu An - Mai Hương