- Với tổng vốn đầu tư lên tới 1.412,2 tỷ đồng trong 11 năm, tỉnh Lai Châu vừa công bố đạt 100% số xã phường được cấp điện lưới quốc gia. EVN cho biết sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong chương trình cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo.

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, một trong những nhiệm vụ chính trị lớn nhất của ngành điện là phải đảm bảo cấp lưới điện quốc gia tới các vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Sau nhiều năm triển khai chương trình điện khí hoá nông thôn, tính đến nay, 100% số huyện 99,6% số phường và 98,08% số hộ dân nông thôn đã có điện.

Do vậy, việc một tỉnh miền núi còn khó khăn về kinh tế, địa hình đi lại phức tạp thì việc cấp điện đến được 100% xã đòi hỏi sự nỗ lực lớn. Trong khi 10 năm trước, tỉnh này mới chỉ có 37,3% xã có điện.

Ông Lộc cũng cho biết, trong tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.412 tỷ đồng thì địa phương chỉ đóng góp 218 tỷ, còn lại hơn 1.200 tỷ là do ngành điện đầu tư, với nguồn tài trợ ODA của các tổ chức như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á...

{keywords}

Không thể tính chuyện hiệu quả đầu tư hay lãi lỗ với chương trình cấp điện cho miền núi, hải đảo.

Theo tính toán, để kéo được lưới điện quốc gia tới các hộ dân ở miền núi, tổng chi phí ước tính đến cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, với nề nếp sinh hoạt của bà con dân tộc miền núi, nhu cầu tiêu dùng điện rất ít.

Ông Giang Nam, bí thư xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn ở tỉnh này cho hay, kể từ khi có điện, trung bình mỗi tháng một hộ khá chỉ dùng khoảng 20-25 nghìn đồng, thậm chí có hộ chỉ dùng hết 5 nghìn tiền điện/tháng. Mỗi năm, toàn tỉnh này chỉ tiêu thụ khoảng 120-130 triệu kWh.

Do vậy, không thể tính chuyện hiệu quả đầu tư hay lãi lỗ với chương trình cấp điện cho miền núi, hải đảo. Việc cấp điện lưới quốc gia tới các địa bàn này nhằm mục tiêu nâng cao đời sống văn hoá, mở mang phát triển kinh tế xã hội cho bà con.

Theo lộ trình, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 của Bộ Công Thương, tổng kinh phí đưa điện vào vùng nông thôn và khu vực chưa có điện xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ODA chiếm 85% vốn đầu tư, chủ đầu tư tự cân đối 15%.

Ngân hàng Thế giới đã tính toán, khi thực hiện đầu tư Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam, EVN sẽ lỗ 50 triệu USD.

Phạm Huyền