Mất niềm tin vào cuộc sống, kỹ sư Vũ Hồng Khánh bỏ bê công việc, đắp chiếu công ty, tập trung xây dựng ngôi mộ triệu đô cho mình.

Chỉ có trong tay những chiếc máy sản xuất vành xe đạp inox tự động, mà ông Vũ Hồng Khánh nhanh chóng vươn lên thành một tỉ phú hàng đầu của đất cảng thời bấy giờ. Hàng triệu đôi vành xe đạp ngày đêm tuôn ra khỏi chiếc máy, đã mang lại cho ông lợi nhuận không biết bao nhiêu tỉ đồng.

Việc sản xuất dù nhanh chóng, song vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường, nên ông đã chuyển giao công nghệ cho rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Hiện tại, khắp cả nước vẫn sử dụng chiếc máy sản xuất vành xe đạp tự động do ông sáng chế ra. Tuy nhiên, có một điều khó tin là hầu hết những chiếc máy trong xưởng của ông đều… đắp chiếu từ nhiều năm trước.

Ông Khánh lật đật dẫn tôi xuống khu xưởng rộng cả ngàn mét vuông dưới chân cầu Niệm. Những chiếc máy sản xuất vành xe đạp đang nằm im lìm, bụi phủ trắng xóa.

Theo ông Khánh, ông đã dừng sản xuất vành xe đạp từ năm 2003, khi ông thấy bất công với cuộc đời. Không còn niềm tin, không còn chí khí, ông tụt hứng luôn việc sáng chế và cũng chẳng còn khát khao làm giàu. Thứ ông tìm kiếm từ đó đến nay là sự công bằng, chứ không phải tiền bạc.

{keywords}

Ông Khánh bên một dây chuyền tự động sản xuất vành xe đạp inox đã đắp chiếu từ năm 2003

Ông Khánh kéo ra một bao giấy tờ, toàn là đơn thư kiện cáo. Ông sắm nguyên một cái máy photocopy để phục vụ cho việc kiện cáo của mình.

Theo như các loại đơn từ, thì năm 2003, chính quyền TP. Hải Phòng đã ra quyết định thu hồi mảnh đất của ông Khánh, mà trên mảnh đất ấy, doanh nghiệp Khánh Hòa đang hoạt động, để giao cho một công ty tư nhân chia lô, xây nhà bán.

Mảnh đất này xưa kia là đất hoang, đất bãi, ông Khánh mua bằng tiền công sáng chế chiếc máy sản xuất mắm. Thế nhưng, thời điểm đó, mảnh đất đã biến thành vàng khi thành phố mở rộng, nằm trúng mặt đường Tô Hiệu, một con đường đẹp nhất nhì thành phố cảng.

Lý do chính quyền thu hồi là vì không chấp nhận một cơ sở sản xuất ồn ào ở giữa thành phố. Tuy nhiên, thu hồi đất, song quá trình thủ tục loằng ngoằng, rốt cục lại, ông Khánh cũng chả được đền bù miếng đất nào khác.

Vụ án của ông đã được xử rất nhiều lần, lên cả Tòa án Tối cao, song đến giờ vẫn chưa ngã ngũ.

{keywords}

Chiếc máy hàn tự động, hoạt động như robot, bằng khí hydro, do ông Khánh sáng chế

Ông Khánh tâm sự: “Thú thực với cậu, miếng đất mấy trăm mét mặt đường Tô Hiệu đó to thật, nhưng chẳng thấm gì với tài sản của tớ khi đó. Lẽ ra vứt luôn nó đi để làm việc có ích khác, nhưng tớ không thể làm được gì, khi rơi vào hoàn cảnh như vậy. Mất niềm tin vào cuộc sống, tớ mất luôn cả cảm hứng sáng tạo, làm giàu. Tớ thương mình thì ít, thương công nhân thì nhiều. Hàng trăm công nhân lương rất cao đã đột ngột mất việc vì nhà máy bị dẹp bỏ”.

Từ ngày bị mất đất, rồi dính vào chuyện kiện cáo vòng quanh, ông Khánh bỏ bễ tất cả. Bao nhiêu hào quang đã bỏ lại sau lưng. Những chiếc huy chương vàng nằm im lìm trong tủ, trong một căn phòng nhỏ ở một cái xưởng đóng cửa.

Thậm chí, những bức tượng mà các họa sĩ hàng đầu hâm mộ tạc ông, cũng nằm lay lắt dưới nền đất. Chỉ khi nào cần đến giấy tờ, gửi đơn thư, ông mới mở căn phòng ra.

Ông Vũ Hồng Khánh dẫn tôi đến một hợp tác xã bên quận Kiến An. Tại HTX này, có một chiếc máy chế tạo vành inox tự động đang sản xuất cầm chừng để đáp ứng nhu cầu thị trường quanh vùng.

{keywords}

Hầu hết các sản của ông Khánh đều đạt huy chương vàng khi tham gia các cuộc thi sáng chế, hội chợ

Tôi đã không khỏi giật mình về sự sáng tạo siêu việt của người đàn ông này từ mười mấy năm trước. Đầu vào của chiếc máy phức tạp là một cuộn inox sáng loáng, sau khi cuộn inox chạy qua hệ thống máy, thì biến thành từng chiếc vành xe đạp hoàn thiện.

Nhìn những tia lửa điện đỏ chói trong làn nước làm lạnh đột ngột mới thấy người đàn ông này thật tài hoa. Ông đã biến công nghệ hàn dưới đáy biển của các bộ óc vĩ đại, thành công nghệ hàn trong nước để sản xuất những chiếc vành xe đạp. Công nhân chỉ việc đóng gói những chiếc vành thành lô, để các đại lý đến lấy.

Tưởng rằng, sau những cú sốc lớn như thế, ông Vũ Hồng Khánh đã xa rời con đường sáng tạo, vui vẻ với việc sáng tác khu mồ mả trị giá triệu đô của mình.

Tính ông chẳng giống ai, luôn sáng tạo, khác người, vì thế mà công trình mồ mả ông làm sẵn cho vợ chồng ông cũng đầy sự sáng tạo. Trung tâm phần mộ nằm dưới một hồ nước. Khi nào chôn, con cái sẽ hút cạn nước, nhấc nắp mộ bằng đá, đặt quan tài xuống. Đặt quan tài xong, chỉ việc đặt nắp mộ xuống, thì ngàn năm sau nước cũng không lọt xuống được. Kỹ thuật mài đá và khi xếp vào khít đến nỗi nước không ngấm qua kẽ là sự sáng tạo của ông. Vợ chồng ông sẽ nằm dưới hầm mộ dưới đáy hồ để được mát mẻ!

{keywords}

Ông Khánh bên khu trung tâm phần mộ mà ông tự xây dựng cho mình

Từ công trình mộ, ông nghĩ ra đủ trò, như làm vườn treo Babilon bằng đá, rồi những tượng đá, những đầu rồng chuyển động bằng cơ khí… nhằm biến khu mồ mả rộng 9.000 mét vuông thành công viên đá, để lại giá trị vĩnh hằng.

Thế nhưng, một ngày, người ta lại chẳng thấy những tác phẩm đá trong khu lăng mộ đâu nữa. Hóa ra, ông gọi bạn bè, những người yêu thích đá đến mang về chơi. Ông tặng hết! Ông nhận ra rằng, thứ ông đam mê thực sự không phải những tác phẩm đá câm lặng, mà là những thứ máy móc chuyển động thông minh, đem lại giá trị vật chất, cải tạo đời sống xã hội.

Nhiều bộ óc vĩ đại làm thay đổi cả nhân loại cũng đâu có được sung sướng như ông. Có người trả giá bằng cái chết trên giàn hỏa thiêu, hoặc bị thủ tiêu bởi những thế lực mà phát minh của họ ảnh hưởng đến lợi ích nhóm.

Thế là, đêm đêm, bên chiếc võng đu, bên chiếc bàn đá giữa khu mộ, ông lại tiếp tục vẽ vời, tiếp tục sáng tạo. Hàng loạt máy móc, hàng loạt sáng chế tuyệt vời, khó ngờ của ông đã ra đời từ khu mộ triệu đô ấy.

Những chiếc máy cơ khí tự động liên tiếp ra đời, hoạt động trơn tru, mà nói thực, khi chứng kiến, tôi tin rằng, tổng hợp nhiều bộ óc nổi tiếng ở các cơ sở khoa học hàng đầu nước ta, nơi ngốn ngàn tỷ hàng năm, cũng không làm ra được.

(Theo VTC News)