Techcombank giữ vị trí quán quân tăng trưởng vốn chủ sở hữu ngân hàng trong ba  năm gần đây. Ngân hàng liên tục tăng vốn chủ sở hữu nhằm tạo nền tảng mạnh mẽ cho sự phát triển trong hiện tại và tương lai.

Quán quân gọi vốn “khủng”

Từ năm 2015 đến nay, vốn chủ sở hữu của ngân hàng này đã tăng gấp 3 lần. So với một số ngân hàng quốc doanh lớn, vốn chủ sở hữu của Techcombank xấp xỉ ngang bằng trong khi  tổng tài sản của Techcombank chỉ bằng khoảng 1/3. Nếu so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác, vốn chủ sở hữu của Techcombank đang tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong khi tổng tài sản sở hữu chỉ ngang ngửa.

{keywords}
 

Theo báo cáo tài chính của Techcombank, 6 tháng đầu năm 2018, ngân hàng này đạt 5.196 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế chưa kiểm toán, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE-%) và Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA-%) của ngân hàng lần lượt đạt 24,32% và 3,16%. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó, việc tập trung vào xây dựng các mối quan hệ hợp tác liên kết để đa dạng hóa nguồn thu đã giúp ngân hàng đạt được tỉ lệ thu nhập ngoài lãi chiếm 41,7% tổng thu nhập.

Mới đây Techcombank cũng vừa hoàn thành thủ tục tăng vốn điều lệ lên mức trên 1 tỷ USD từ nguồn vốn chủ sở hữu gồm lợi nhuận sau thuế, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và nguồn vốn thặng dư. Với kế hoạch này, mức vốn điều lệ mới của Techcombank đạt 34.965 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ đông hiện hữu của Techcombank đã nhận được thêm cổ phiếu với tỷ lệ 1:2 (mỗi cổ phiếu hiện tại nhận thêm 2 cổ phiếu mới).

“Mục tiêu của đợt tăng vốn này một phần là để chia sẻ lợi ích với cổ đông qua việc chia lợi nhuận giữ lại, đồng thời cũng sẽ chuyển đổi nguồn vốn chủ sở hữu đang sẵn có của ngân hàng thành vốn có thể sử dụng được cho việc đầu tư cơ sở vật chất hoặc cho vay tín dụng... nâng hạn mức tín dụng tối đa của Techcombank đối với các khách hàng”- đại diện Techcombank nói.

Cổ đông được lợi gì?

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, lợi nhuận ngân hàng cao là cơ hội để ngân hàng giữ lại phần lợi nhuận của mình cho mục đích tăng vốn chủ sở hữu. “Việc giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức ít đi tất yếu sẽ không làm hài lòng các cổ đông. Tuy vậy, cổ đông phải hiểu rằng, ngân hàng tăng vốn lên cũng chính là sức khỏe của họ được tăng lên, cổ đông được hưởng giá trị gia tăng mà cổ phiếu của họ mang lại. Nên mặc dù các cổ đông có thể sẽ nhận ít tiền mặt hơn, nhưng tài sản của họ sẽ tăng lên do việc các ngân hàng có thể tăng vốn chủ sở hữu thông qua việc giữ lại lợi nhuận”.

Cũng theo ông Hiếu, vấn đề tăng vốn thực sự trọng yếu. Và bản thân mỗi ngân hàng đều phải nhìn nhận tăng vốn là chuyện sống còn của ngân hàng.Thực tế, nhiều năm qua, không ít ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn bằng nhiều cách như tích lũy lợi nhuận, kêu gọi cổ đông hiện hữu đóng góp cổ phần mà không pha loãng tỷ lệ cổ phần. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng thực hiện được cách thức này. Những ngân hàng lớn có lợi nhuận cao, cổ đông hiện hữu sẵn sàng hưởng ứng. Còn ngân hàng tiềm lực tài chính hạn chế, cổ đông không mấy mặn mà.

Các chuyên gia cho biết, việc tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu không chỉ giúp các ngân hàng thương mại ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực tài chính quốc tế như Basel II, đáp ứng các quy định an toàn vốn của NHNN mà quan trọng hơn còn giúp các nhà băng có thêm điều kiện mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, từ đó nâng cao giá trị và quyền lợi của cổ đông.

Vốn là nguồn lực mạnh của ngân hàng

Techcombank liên tục tăng vốn chủ sở hữu bằng cách “chắt chiu” lợi nhuận giữ lại của ngân hàng trong nhiều năm. Chiến lược này đã tỏ ra hiệu quả khi Techcombank liên tục có mặt trong Top các ngân hàng đạt lợi nhuận tăng gấp đôi trong 2 năm liên tiếp vừa qua. Theo Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh, trong nửa đầu năm 2018, vốn tiếp tục là một nguồn lực mạnh của ngân hàng, nhờ sự tăng trưởng từ lợi nhuận giữ lại và việc tăng vốn gần đây.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Tổng Giám đốc Techcombank nói thêm, có hai điều quan trọng nhất đối với một ngân hàng để nói về chất lượng hoạt động là vốn chủ sở hữu và chi phí cho vay thấp hay cao.Cũng giống như đi buôn phải có vốn, một ngân hàng muốn hoạt động được cần phải có vốn để cho khách hàng vay. Còn chi phí đi vay phải càng thấp, thì lợi nhuận thu về mới cao và có lợi.Lãnh đạo Techcombank nhấn mạnh, khả năng sinh lời của Techcombank trong 2-3 năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững.

Theo báo cáo tài chính của Techcombank, 6 tháng đầu năm 2018, ngân hàng này đạt 5.196 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế chưa kiểm toán, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE-%) và Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA-%) của ngân hàng lần lượt đạt 24,32% và 3,16%. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó, việc tập trung vào xây dựng các mối quan hệ hợp tác liên kết để đa dạng hóa nguồn thu đã giúp ngân hàng đạt được tỉ lệ thu nhập ngoài lãi chiếm 41,7% tổng thu nhập.

Doãn Phong