DNNN vẫn cứ xin ưu đãi từ Chính phủ, mặc cho những tiếng than về nỗi đau nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng tụt hậu ngày càng nhiều. 

Nỗi đau tụt hậu: Ai gieo, ai gánh?

Oằn lưng trả nợ: 100.000 tỷ đồng/năm

Đầu tháng 9/2013, Vinacomin đã xin Chính phủ bảo lãnh thêm cho các khoản vay thương mại của dự án alumin Nhân Cơ.  Đồng thời, Tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ giải quyết cho vay vốn ưu đãi, giảm phí môi trường, miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào…

Khi khó khăn, các Tập đoàn kinh tế Nhà nước vẫn thường cầu cứu Chính phủ như Vinacomin. Hiện nay, chuyện trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” đã và đang xảy ra nhiều ở các dự án do DNNN đầu tư.

Ngay sau sự việc này, nhân chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế mùa thu,  Ủy ban Kinh tế QH đãcho rằng, một phần nguyên nhân do nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt các khoản tín dụng tập trung thái quá vào một nhóm tập đoàn kinh tế. Trước đó mấy ngày, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng chính thức nhận định: nền kinh tế Việt Nam Việt Nam đang tụt hậu và có khoảng cách ngày càng xa với các nước. Và hôm qua,

{keywords}

Một con số của Bộ Tài chính cho hay, trong 2 năm 2011-2012, mỗi năm Việt Nam trả nợ hơn 100.000 tỷ đồng, gồm cả nợ gốc và nợ lãi, bằng hơn 50% chi đầu tư phát triển mỗi năm từ ngân sách Nhà nước. Sáu tháng đầu năm nay, thâm hụt ngân sách của Việt Nam trầm trọng hơn, lên tới 6,1% GDP.

Quan sát của TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, chúng ta luôn chi nhiều hơn thu, trong khi, tổng thu so với các nước không hề thấp. Hiện nay, tổng thu của Việt Nam đang ở mức 25,5% GDP, cao hơn 1,2 lần Trung Quốc và Thái Lan, 1,5 lần Ân Độ, Indonesia, Philippines và 1,7 lần của Campuchia.

Việt Nam còn là nước thu thuế, phí rất cao nếu không nói là cao nhất khu vực. “Hiện, gánh nặng thuế phí đã tương đương 28-29% GDP”, GS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng trường Đại  học kinh tế quốc dân cho biết.

Loay hoay cách gỡ

Trong khi các Tập đoàn Kinh tế vẫn đang có tâm lý trông chờ vào bàn tay nâng đỡ của Nhà nước thì tại Diễn đàn kinh tế mùa thu, nóng ran những ý kiến trái chiều nhau về việc ai gieo, ai gánh khi kinh tế tụt hậu, phải làm sao sớm xóa được nỗi đau này?

TS.Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia rất bức bối: “đã có lúc chúng ta để nền kinh tế thiếu máu, khi cơ thể thiếu máu thì sẽ sống ra sao? Nền kinh tế thiếu máu đầu tiên là thiếu tiền, DN thiếu vốn đầu tư. Muốn chống lạm phát, ổn định vĩ mô, đầu tiên, vẫn phải để DN sản xuất được, sống được và phát triển được. Nếu DN không phát triển được thì làm gì còn tăng trưởng?”

{keywords}

TS Lý nói tiếp: “Một điểm cần nhắc lại nữa là chúng ta cắt giảm đầu tư công hàng loạt cũng làm cho kinh tế thêm kiệt quệ. Tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc đầu tư công là đúng, là chuyển nguồn lực từ nơi không hiệu quả, kém hiệu quả sang lĩnh vực hiệu quả hơn. Nhưng muốn tái cấu trúc hiệu quả phải có bước đi tuần tự. Khi chưa tìm được lĩnh vực nào hiệu quả để dồn đầu tư thì đã cắt đầu tư công rồi”.

Tuy nhiên, TS.Trần Du Lịch cho rằng, “Bây giờ mà nóng ruột, là nới lỏng sẽ rất nguy hiểm!”

Vị chuyên gia này lo ngại: “Các lĩnh vực kinh tế đang tắc nghẽn, DN giải thể nhiều, tổng cầu suy giảm nhưng đây là cái giá phải chấp nhận để ổn định lại kinh tế vĩ mô. Giờ mà làm ngược lại, tăng tổng cầu như tăng cung tiền, tăng chi tiêu nhà nước, chi tiêu nhân dân, xuất nhập khẩu,… thì xóa bỏ toàn bộ những ổn định chúng ta đạt được. Tăng đầu tư công là tăng lãng phí, tăng tín dụng là tăng lạm phát”.

TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận: “Kinh tế của chúng ta đã bị hạ cánh cứng, nhẽ ra chúng ta giảm sốc từ từ, sẽ giảm sốc cho doanh nghiệp. Kinh tế sốc quá, doanh nghiệp lại đang suy kiệt nặng, thì giải pháp đưa ra phải hài hòa cả hai mục tiêu”.

Ông thừa nhận: “Chúng ta đang trong tình trạng làm đến đâu ăn đến đấy chứ chưa có sự tích lũy, ảnh hưởng đến đầu tư công trong thời gian tới!”

“Điều hành chính sách gần đây có nhiều ý kiến quan điểm gần như là mâu thuẫn nhau.Việc cần dựng được là tổng vốn đầu tư, chính sách tài khóa, tiền tệ cân đối được bao nhiêu chứ không nên đùn đẩy trách nhiệm!” TS Vũ Viết Ngoạn nói.

Theo vị chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cần duy trì đầu tư tổng vốn đầu tư xã hội ở mức hợp lý và cần thiết để đảm bảo cho các doanh nghiệp có điều kiện tiêu thụ hàng hóa. Nếu quá tập trung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, mà coi nhẹ duy trì đầu tư xã hội thì lâu dài sẽ mất cân đối kinh tế vĩ mô. Nếu tăng trưởng không hợp lý thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục suy kiệt, mất nguồn thu ngân sách”.

Một cách bình tĩnh, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương như thể dàn hòa: “Đừng trông chờ, đừng loay hoay tìm sự đồng thuận mà cần hướng tới một tiếng nói chung gắn với chí ý quyết liệt của người có trách nhiệm. Khi có tiếng nói chung, có ý chí của những cá nhân dám giải trình, dám chịu trách nhiệm, dám chiến đấu thì sẽ tạo được sự đồng thuận”.

Song song với những ý kiến tâm huyết “giải cứu” nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi mặc cảm “tụt hậu”, thì liệu những lời cầu cứu của hàng loạt Tập đoàn kinh tế Nhà nước như Vinacomin, Vinalines, Vinashin, HUD có được chấp nhận?

Phạm Huyền