“Môi trường cạnh tranh tại Việt Nam chưa thực sự bình đẳng nên nhiều doanh nghiệp cảm thấy không nhất thiết phải ứng dụng, đầu tư cho công nghệ vẫn có thể thắng được các đối thủ khác”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI) nêu lên nghịch lý kinh doanh này để phần nào lý giải cho việc chưa đầu tư nhiều cho công nghệ của DN Việt thời gian qua.

Đầu tư quan hệ hơn công nghệ

Nói thêm về điều này, tại hội thảo mới đây về xây dựng đẳng cấp quốc tế cho sản phẩm Việt, ông Lộc cho rằng, "ở Việt Nam, kinh doanh vẫn dựa trên quan hệ nhiều. Các hoạt động đầu cơ ngắn hạn mang lại lợi ích nhanh hơn nên DN cảm thấy chẳng cần phải sử dụng công nghệ để tăng thị phần hay chiến thắng đối thủ".

Đó có lẽ là nguyên nhân sâu xa khiến cho phần đa các doanh nghiệp không hoặc chưa quan tâm đến giá trị, đến công nghệ trong hoạt động của mình.

{keywords}
Môi trường chưa tạo điều kiện cho DN đầu tư công nghệ.

Thực tế này đã trở thành vấn đề nóng khi các tập đoàn nước ngoài lớn đến Việt Nam không thể tìm được đối tác bản địa, kể cả một DN cung cấp ốc vít. Cụ thể, Samsung đưa ra một danh sách 170 linh kiện mà hãng này cần để doanh nghiệp Việt tham khảo, nhưng không một doanh nghiệp nào đáp ứng được, dù chỉ là những linh kiện rất đơn giản như vỏ, tai nghe... Trước đó, Canon than đi khắp Việt Nam cũng không tìm được con ốc vít.

Khá nhiều chuyên gia đã lên tiếng, quan ngại về năng lực sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp trong nước, khi ngay đến một con ốc vít cũng không thể sản xuất được theo chuẩn quốc tế. Vậy thì những mục tiêu tham vọng của Chính phủ như đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp mạnh vào năm 2020 phải chăng là quá khó để hoàn thành?

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ đồng tình rằng, một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến mức độ ứng dụng, tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp Việt còn thấp là vì họ thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và cả tiềm lực tài chính. Nguyên nhân sâu xa hơn là nền kinh tế mới chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tận dụng tài nguyên, nhân công giá rẻ... Sự bao cấp của Nhà nước với một số doanh nghiệp khiến họ lơ là đầu tư cho công nghệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia hy vọng, cách tiếp cận mới của Chính phủ sẽ là coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ, mà quan trọng nhất là đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học - công nghệ: Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học phát triển công nghệ, hoặc mua/hỗ trợ doanh nghiệp mua công nghệ từ các Viện nghiên cứu, trường đại học. Thậm chí, Nhà nước sẽ có cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai một số dự án công nghệ trọng điểm, ưu tiên phát triển các sản phẩm có khả năng cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như viễn thông, truyền thông, CNTT, dược...

Chừng nào doanh nghiệp, Nhà nước còn chưa ý thức triệt để rằng "đầu tư công nghệ hay là thất bại" thì chừng đó, việc ứng dụng công nghệ sẽ chưa có được cú hích cần thiết, ông Thanh khuyến nghị.

Ốc vít không cứu nổi nền công nghệ

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng cũng không nên quá bi quan và tự ti như thế. Ông Vũ Tiến Lộc nói rằng các doanh nghiệp không có khả năng cung cấp những nguyên phụ liệu đơn giản như vậy thì cũng chưa hẳn là đúng. "Chắc chắn là chúng ta làm được ốc vít. Nhưng giá trị, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam ở đâu trong đó thì khó ai trả lời được".

{keywords}
Đã đến lúc thay đổi tư duy để phát triển bền vững.

Thực tế, đã đến lúc DN tự cảm thấy phải thay đổi nếu muốn phát triển bền vững. Trong mấy ngày qua, Quốc hội liên tục thảo luận về chủ đề tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các doanh nghiệp và trách nhiệm. Trong bức tranh đó, tất cả các doanh nghiệp đều phải nghĩ đến công nghệ như là động lực chính để cạnh tranh được trên thị trường, vị đại diện VCCI nhấn mạnh. Quản trị, chất lượng, sản phẩm, giá... chỉ có thể cạnh tranh bằng những yếu tố đó trong một cơ chế thị trường đúng nghĩa mà thôi.

"Viettel là một ví dụ điển hình trong lĩnh vực công nghệ cao. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá tập đoàn này là một "hiện tượng của sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt Nam", không chỉ phát triển mạnh về viễn thông mà còn cả sản xuất phần cứng, thiết bị", ông Lộc cho biết.

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Bkav, chia sẻ rằng, sản xuất phụ trợ cũng tốt, nhưng không thể thay đổi được nền kinh tế. Một cái sạc chỉ lãi được 10.000 đồng, trong khi một chiếc điện thoại iPhone lại giúp Apple lãi 10 triệu đồng. Chính công nghệ gốc, với doanh nghiệp tự làm các khâu thiết kế, phát triển... mới thực sự mang lại giá trị cao.

Tất nhiên, khoảng cách giữa DN trong nước với các tập đoàn quốc tế về khả năng sáng tạo, năng lực cạnh tranh vẫn còn rất lớn. Hơn nữa, như trên đã đề cập, môi trường vĩ mô chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, tạo ra giá trị cao cho sản phẩm của mình. Nhưng con đường mà một số DN công nghệ hàng đầu đang đi được cho là đúng hướng.

Ông Lộc nói thêm: "Sản phẩm, thương hiệu chính là đại sứ quốc gia quan trọng nhất, giúp thế giới biết đến mình nhất. Những doanh nghiệp đang đầu tư mạnh cho R&D đã nhận ra điều đó".

Trọng Cầm