- Ngay giữa lúc tăng trưởng cao hơn cả mục tiêu và lạm phát thấp không thể ngờ, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo tránh lạc quan sớm. Thậm chí, có dự báo cho rằng, nếu tăng trưởng kinh tế chỉ loanh quanh 6-6,25% thì kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào giảm phát.

Xác suất giảm phát lớn

Tại hội thảo nhìn lại diễn biến thị trường và giá cả 6 tháng đầu năm do Viện Kinh tế - tài chính tổ chức mới đây, có nhiều luồng ý kiến trái chiều về câu chuyện lạm phát thấp.

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính, cho rằng, các chỉ số CPI tháng 6 vừa công bố là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2001 đến nay, tức là tới 14 năm. Nền kinh tế hiện đang ở tương đối gần mức lạm phát 0%, nhưng đồng thời, lại rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%.

Với 5 kịch bản về tương quan giữa tăng trưởng GDP và lạm phát do Viện này vừa nghiên cứu, ông Độ bày tỏ, nguy cơ nền kinh tế Việt Nam rơi vào giảm phát quay trở lại lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao.

{keywords} 

Ông cho biết, giai đoạn 3 năm tới, 2015-2018, nếu tỷ giá điều chỉnh bình quân 2% mỗi năm, GDP bình quân nếu chỉ tăng 6%, lạm phát bình quân của Việt Nam sẽ ở con số âm 0,93%.

Nếu GDP bình quân giai đoạn này ở mức 6,25%, lạm phát chỉ nhích lên 0,37%. Nhưng nếu GDP tăng 6,5%, lạm phát sẽ tăng cao hơn 1%, dừng ở con số 1,68%.

Ở hai kịch bản tiếp theo, GDP đạt từ 6,75% trở lên thì lạm phát là 2,99%. Tăng cao hơn nữ, GDP bình quân 3 năm tới đạt 7% thì lạm phát bình quân sẽ chỉ tăng cao nhất là 4,3%.

"Để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần phải cao hơn 6,5%. Nếu GDP chỉ ở mức 6-6,25%, xác suất nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát là rất lớn", ông Độ đánh giá.

Theo ông, đó có lẽ cũng là lý do chính mà Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải là từ 6,5-7%.

Nhìn nhận về lạm phát thấp hiện nay, ông Độ khẳng định, đó là động thái từ phía tổng cầu yếu hơn tổng cung.

Theo ông Độ, tháng 12/2014, khi lạm phát chỉ còn 1,84% so với cùng kỳ năm trước, vấn đề này đã được đặt ra và người ta giải thích rằng, nguyên nhân chính là do giá dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, giải thích này đến nay không còn thuyết phục. Mặt bằng giá xăng dầu trên thế giới và trong nước giữa tháng 6 năm nay đã ở mức ngang với thời điểm giữa tháng 12/2014.

Nếu tính trung bình 6 tháng qua, tác động của giá xăng dầu đến CPI là không lớn. Trong khi đó, CPI còn chịu tác động của tăng giá điện, tỷ giá, và giá dịch vụ y tế. Trong đó, tỷ giá tăng 2% đã đẩy CPI tăng thêm 0,6%, giá điện tăng 8,42% đẩy CPI tăng thêm 0,22%.

"Các yếu tố chi phí đẩy này đã có tác động kéo lạm phát gia tăng nên việc lạm phát thấp hiện nay chỉ có thể là do tổng cầu", ông Độ nói.

Giá vẫn cao

Thế nhưng, trái ngược với nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, TS Trần Kim Chung, lại có cái nhìn lạc quan hơn.

Ông chia sẻ: "Cách đây 10 năm, năm 2005, cũng ở hội trường này, chúng ta còn tranh cãi lạm phát là 23% hay 17-18%, nhưng cuối cùng, khi Tổng cục Thống kê thay đổi cách tính thì lạm phát giảm từ 23% xuống 16,8%. Còn ở thời điểm này, dường như, chúng ta có thể yên tâm không phải đối mặt với lạm phát.

{keywords} 

Trong bối cảnh mọi thứ không đổi mà nền kinh tế vẫn tăng trưởng hơn 6,28%, lạm phát thấp kỷ lục, là chỉ số rất tốt. GDP trên 6% và lạm phát dưới 2% thì không có vấn đề gì hết", ông Chung đánh giá.

Thậm chí, TS Chung tin rằng, kể cả khi không cần tác động nhiều từ chính sách vĩ mô, tình hình kinh tế vẫn giữ được đà như hiện nay GDP có thể tăng 6,5-7% là có thể. Nền kinh tế đã thoát đáy và khởi đầu một chu kỳ tăng trưởng mới.

Theo ông Chung, vấn đề còn lại là làm sao, nền kinh tế tiêu hoá được luồng vốn đầu tư tới đây có thể tăng mạnh sau khi hàng loạt thủ tục phiền hà trong kinh doanh được tháo gỡ kể từ 1/7. Làm sao để doanh nghiệp đầu tư làm ăn tốt, vì có đầu tư mới tạo ra tăng trưởng.

Trước đó, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá của Tổng cục Thống kê, đã khẳng định, lạm phát thấp không phải do tổng cầu yếu, mà do người dân đã biết tiết kiệm chi tiêu, thông minh hơn trong tiêu dùng. Cùng đó, lạm phát thấp là do nhiều mặt hàng giảm giá theo xu hướng giá thế giới và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp của các bộ ngành, nên đã dẫn đến sự ổn định giá ở nhiều mặt hàng.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng cho rằng, chưa đặt vấn đề giảm phát ở đây.

Tuy nhiên, đồng tình với các nghiên cứu của TS. Nguyễn Đức Độ, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cũng nói: "CPI thấp nhưng vẫn không thể yên tâm được."

"Giá cả vẫn còn cao quá. CPI thấp chẳng qua là do giá cao rồi, không lên được nữa nên tốc độ giá mới đứng lại", ông Phú bình luận.

"Giá cao nên vào chợ thì vắng hoe, siêu thị cũng không đông, hàng hoá bán chậm. Nguyên nhân ở đây còn có trách nhiệm ở khâu bán lẻ, phân phối. Các khâu trung gian này thường đẩy giá lên tới 3-4 lần", ông Phú nói và nhấn mạnh, đừng lạc quan sớm khi CPI thấp.

Chủ trì cuộc hội thảo này, ông Độ cho rằng, để xử lý câu chuyện lạm phát thì cần tìm mọi giải pháp đẩy tăng trưởng cao hơn 6,5%. Điều kiện tiên quyết là ngân hàng sẽ cần phải giảm lãi suất cho vay ít nhất từ 1-1,5 điểm phần trăm trong năm nay, như mục tiêu Chính phủ đã quyết.

Phạm Huyền