- Trái ngược với hình ảnh những KĐT bỏ hoang rộng bạt ngàn và ở vị trí mặt tiền, không ít làng nghề trồng hoa cây cảnh ngàn tuổi hiếm hoi chỉ sót lại một phần rất nhỏ, co cụm bên những bờ tường rào ngăn cách với dự án.

Trục đường Lê Trọng Tấn kéo dài, chạy một mạch qua rất nhiều khu đô thị (KĐT) mới từ Thiên đường Bảo Sơn đến điểm giao ngã tư Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương để ra đường vành đai 3, đường 70, bến xe Yên Nghĩa...

Thời điểm hiện tại, các dự án này phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc chủ đầu tư quây tường rào chỉ giới, và bên trong, đương nhiên đều “án binh bất động”.

Trục đường này cũng đi qua địa danh La Phù - La Cả, cái tên nhắc đến sẽ gợi nhớ về một “thương hiệu” thời chưa xa: đào La Cả. 

Trong các làng nghề trồng hoa cây cảnh của đất ngàn năm văn hiến, La Phù - La Cả và cây đào La Cả có lẽ chỉ nổi tiếng sau cây đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, bưởi Phú Diễn...

{keywords}
ĐTM đã phá nát hệ thống tưới tiêu trước đây của những vùng nông nghiệp phường ven đô Dương Nội.

{keywords}
Lối vào khu ruộng trồng đào hiếm hoi còn lại của thương hiệu đào ngàn năm tuổi La Phù - La Cả...

{keywords}

Tuy nhiên, trước cơn lốc đô thị hóa, đào La Phù - La Cả cũng phải nhường đất cho dự án. Người yêu nghề, nhớ cây đều cố gắng duy trì nghề cũ trên những khoảnh đất ít ỏi, hiếm hoi còn lại.

Đường ra bãi đất trồng đào La Dương phải “băng qua” lối vào KĐT dang dở của Geleximco. Chủ đầu tư quây tường rào xung quanh, cao trên hai mét, nhưng vẫn chừa một ô toen hoẻn chừng hơn một mét chiều rộng, như một vuông cửa sổ trong bức tranh vẽ ngôi nhà của học sinh mẫu giáo.

Đó là lối ra - vào hàng ngày của không ít những nông dân làng La Dương ngày xưa hiếm hoi còn lại.

Vì đất nông nghiệp còn rất ít, dự án vào đã phá vỡ hết hệ thống tưới tiêu, thủy lợi truyền thống vốn đã được hình thành từ trước đấy, các hộ cá thể hầu như đều sản xuất tự phát. Và đương nhiên, hệ thống tưới tiêu vì thế cũng biến đổi theo hướng mới: con mương nhỏ tý “không đầu không đuôi”,  không có đầu nước vào - ra, chỉ còn lại một khúc; ranh giới của các ô khoảnh xưa cũ, bây gườ giống như con đường chuột chạy nhỏ tí len giữa những ruộng đào, hệt như những con đường mòn nhọc nhằn trên vùng núi chục năm về trước...

Bây giờ, không ai gọi là “vườn đào”, “vùng đào” nữa. Người ta chỉ gọi là... ruộng đào.

Ruộng đào của ông N.V.H (tổ Quyết Tiến, phường Dương Nội) gồm hai luống, tổng số hơn 100 gốc, được trồng trên khoảnh đất chưa đầy ba thước (tính theo sào Bắc Bộ). Đây là năm đầu tiên ông tự mày mò trồng đào, và cũng không có đủ diện tích để phát triển theo quy mô lớn, nên tất cả ông đều phải làm thủ công, nhỏ lẻ. 

{keywords}

{keywords}

{keywords}
Từ những ruộng đào này, những khu nhà cao tầng gần tới mức tưởng như nằm trong vòng tay với.
{keywords}

{keywords}
Khu trồng đào còn lại của đào La Phù - La Cả.

Mới qua ngày Rằm của tháng 11, còn một tháng mới đến Tết, ruộng đào của ông mới ở giai đoạn chuốt lá, để bao nhiêu sức nhựa của cây đào sẽ dồn hết thành các nụ, các hoa...

Vì là mới, vì làm manh mún, vì không thể làm quy mô lớn hơn do... đất hẹp, 200 gốc đào của ông H, Tết Nguyên đán này sẽ được cắt để bán cành, giữ lại gốc để ươm tiếp mùa sau.

Để có nước tưới, những nông dân hiện đại này đào một hố nhỏ ở ngay đầu ruộng, làm chỗ tích nước để tưới cho cây... Có lẽ, đây cũng là chỗ duy nhất để... tiêu nước, khi trời mưa bão.

“Cánh đồng La Phù” rộng hơn nhiều so với “bãi trồng cây” của La Dương, rộng vài ha, nhưng ở tít tắp khu vực nghĩa địa cổ xưa của làng. Xung quanh cánh đồng này là những dự án KĐT, đa phấn đều có bảng tên này nọ, nhưng hầu hết đều... quây tôn giữ đất.

Các chủ vườn ở đây cho hay: họ cứ cầm chừng đến đâu hay đó. Khi nào có dự án “nhảy” vào, đào sẽ lại phải nhổ đi để “nhường đất”. Vì thế, nhà nào cũng vừa làm vừa nghe ngóng, không dám đầu tư quy mô, đầu tư lớn vào vườn.

Từ vườn đào La Cả, nhìn trái - phải, trước - sau, nếu không là những khu nhà cao tầng có cảm giác gần tới mức, giơ tay là chạm được, thì cũng là những cần cẩu thép, như những cánh tay khổng lồ, không biết nói, đứng im lặng dưới trời đông giá rét, từ rất lâu rồi, vì không có việc để làm.

Một hình ảnh không kém phần ngộ nghĩnh khác, là ngay dưới chân bờ tường tôn có ghi tên “Tập đoàn Nam Cường”, hơn chục gốc đào còi cọc, lẻ loi, trơ trụi đứng co ro bên cạnh. Người trồng cây tiếc đất, nhưng không biết rằng, trồng ở vị trí đó chỉ thêm tội cái cây, vì nó đâu có đủ nắng, gió, không khí, nguồn nước... để mà trổ hoa gọi mùa xuân về đúng tiết?

Thái Bình