Không bị cơ quan chức năng kiểm soát, có thể ẩn danh và gần như không bị giới hạn… mạng internet đang là nơi thuận tiện cho các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Dễ như mua rau
"Cần bán hai cặp ngà voi châu Phi, mỗi cặp có chiều dài 1,6m và sáu sừng tê giác. Giá bán ngà voi là 35.000 USD/cặp, sừng tê giác là 10.000 USD/cái, liên lạc qua email…"; "Cần bán một sừng tê giác thật, bao kiểm tra, cực kỳ hiếm dài 7cm, chiều rộng gần 2cm, bề dày 1cm. Bán với giá 120 triệu đồng. Ai mua liên hệ 093…"; "Mình có một số khá nhiều nanh cọp, móng cọp, nanh heo rừng, ngà voi và lông đuôi voi cần bán.

Mình bao hàng thật 100%, các bạn có thể nhờ thợ giám định thoải mái"… Những tin rao bán động vật hoang dã như thế có thể tìm thấy dễ dàng trên một số trang web mua bán, rao vặt trực tuyến. Không chỉ sừng tê giác, ngà voi mà khi gõ nhu cầu cần mua một số động vật hoang dã khác vào Google như: cu li, hổ, gấu, rùa núi vàng, khướu bạc má... chúng tôi cũng dễ dàng tìm được những trang web đăng tin bán những loài vật này từ một con cho đến "bao nhiêu cũng có".
{keywords}


Liên lạc vào số máy của người bán tên Tâm, đang ở TP.HCM, vừa có lời rao bán sừng tê giác ngày 10.4 trên trang web R. với giá 120 triệu đồng, chúng tôi được Tâm giới thiệu đây là sừng tê giác từ châu Phi chuyển về, ban đầu anh ta mua định cho người nhà dùng nhưng vì cần tiền kinh doanh nên bán giá rẻ. "Nếu chị muốn mua thật sự thì có thể thương lượng. Em bán có tặng kèm bàn mài…", Tâm nói.

Một người bán tên Cường đăng tin trên trang web G. bán gấu con, hổ con cho biết nguồn hàng do trang trại ông ở Thanh Hoá cung cấp, giá bán tuỳ vào trọng lượng, có thể giao hàng và nhận tiền trực tiếp tại nhà người mua ở TP.HCM.

Đang thành trào lưu


Theo khảo sát của hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, internet đang là phương thức phổ biến để buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam. Trong số 108 loài động vật hoang dã xuất hiện trong buôn bán trực tuyến ở 33 trang mạng (diễn đàn, trang web rao vặt, quảng cáo, web cá nhân, công ty, mạng xã hội…) trong tháng 7 và 8.2012, có 24% là loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ; 24% được công ước quốc tế CITES bảo vệ; 17,6% số loài bị đe doạ trên toàn cầu, tiêu biểu như hổ, voi, rùa núi vàng, rùa đầu to, rùa đất spengle, cự đà, khướu bạc má, cu li...

Số lượng loài của Việt Nam bị buôn bán nhiều hơn (68%) so với các loài ngoại nhập (32%). Mục đích buôn bán phần lớn là làm cảnh (84%), kế đến là thực phẩm (9%), làm đồ dùng, trang trí, làm thuốc…

{keywords}

 TS Scott Roberton, giám đốc hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết việc lợi dụng internet nhằm buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam đã diễn ra trong thời gian dài mà chưa được nhà chức trách ưu tiên quan tâm, trong khi trên thế giới đây là khu vực bị giám sát chặt chẽ.

Năm 2013, tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) phát hành một báo cáo cuộc điều tra về ngà voi buôn bán trực tuyến ở chín nước châu Âu cho thấy hàng trăm mặt hàng ngà voi trị giá ít nhất 1.450.000 euro đã được giao dịch chỉ trong hai tuần.

"Buôn bán động vật hoang dã trên mạng đang trở thành trào lưu và phương thức này sẽ gia tăng trong 5 - 10 năm tới nếu Việt Nam không có các biện pháp quản lý và kiểm soát kịp thời!", TS Scott Roberton nhận định.

(Theo SGTT)