Năm 2011, qua môi giới của một đại lý bán xe tại quận Bình Tân, TP HCM, gia đình tôi mua một chiếc xe hơi đời mới. Lúc mới xem hàng, nhân viên kinh doanh của đại lý nhiệt tình hướng dẫn mua trả góp trong 5 năm, trả trước 30% và mức lãi suất không quá 15%/năm.

Tuy nhiên, ngay sau khi đặt cọc, gia đình tôi đã thấy thất vọng. Nhân viên không làm thủ tục cho gia đình tôi vay tại ngân hàng mà tôi lĩnh lương qua tài khoản như đã hứa, mà lại là một công ty cho thuê tài chính ở Hà Nội, có văn phòng tại TP HCM. Đến lúc làm thủ tục ký vay 380 triệu đồng, gia đình tôi mới “té ngửa” khi biết mức lãi suất lên đến 21%/năm. Tôi phản ứng thì bên cho vay nói ba tháng sau sẽ hạ.

Họ đưa gia đình tôi vào thế buộc phải ký vì tiền cọc đã đặt rồi... Thế nhưng, lãi suất 21%/năm sau ba tháng không những không hạ, mà còn liên tục tăng, đến đầu năm 2013 thành... 24,8%/năm.

{keywords}

Điều gây ức chế khác cho gia đình tôi là theo hợp đồng, công ty giữ giấy đăng ký xe ô tô, ba tháng cấp giấy lưu hành cho gia đình tôi một lần. Gần ba năm liền, gia đình tôi chưa một lần đóng tiền trả vay trễ hẹn, nhưng bên cho vay vẫn đưa thông tin vào giấy lưu hành dọa gia đình tôi với nội dung: “Hết thời gian lưu hành trên, đề nghị cơ quan pháp luật thực hiện việc giữ xe và thông báo cho cơ quan chúng tôi”. Quá ức chế, nên sau gần ba năm, gia đình tôi đã gom tiền trả đủ. Không riêng gia đình tôi, nhiều bạn bè tôi cũng lâm vào cảnh tương tự. 

Chưa kể, các công ty này có nhiều chiêu thức “bẫy” khách như: Mời khách lên ký công chứng vào những “giờ cao điểm” như 11h hay 16h, trong khi bản hợp đồng chính thức gần 10 trang giấy A4, cỡ chữ nhỏ li ti, không quên nhắn khách hàng đọc kỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khách hàng thường không nhiều thời gian, phần khác tin tưởng vào công ty, nên đặt bút ký luôn, chỉ đến khi về nhà mới “tá hỏa” với những ràng buộc mà phần bất lợi thuộc về khách hàng.

Tôi viết bài này mong quý anh, chị và các bạn phải hết sức cảnh giác khi vay tiêu dùng, hoặc mua nhà, xe trả góp.

(Theo GTVT)