Một số mẫu xe như Honda Vision hay Yamaha Nozza... đã bị các đại lý “thổi giá” đến chóng mặt, còn người tiêu dùng phải móc hầu bao chi trả cho khá nhiều chi phí cực kỳ vô lý.

TIN BÀI KHÁC

Loạn giá

Tâm điểm của thị trường xe máy thời gian gần đây là việc hàng loạt doanh nghiệp tung ra thị trường nhiều mẫu xe máy tay ga thời trang, giá bình dân, trong đó đáng chú ý là mẫu xe Vision của Honda và Nozza của Yamaha Việt Nam hồi đầu tháng 9.

Ngày 7/9, Honda Việt Nam ra mắt mẫu xe Vision với giá công bố bán lẻ đề xuất 28,5 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi mẫu xe này về đến các đại lý, giá bán xe bị đẩy lên từng tuần: từ 30,5 triệu đồng, rồi đến 33,5 triệu đồng và hiện ở quanh mức 34 triệu đồng. Thậm chí ở các cửa hàng nhỏ lẻ, giá bán lên đến 36,5 triệu đồng, tăng từ 5-8 triệu đồng/xe so với giá công bố của nhà sản xuất. Theo lý giải của nhân viên nhiều đại lý Honda trên địa bàn Hà Nội, việc tăng giá này là do nguồn cung không đáp ứng cầu.

Tương tự, thương hiệu Yamaha lâu nay cũng được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn vì ít "loạn" giá hơn. Tuy nhiên, kể từ khi ra mắt mẫu xe Nozza, tình trạng "làm giá" đối với dòng xe này cũng xuất hiện. Nhà sản xuất tuyên bố sẽ bán mẫu xe này với giá khuyến mãi là 31,9 triệu đồng, giảm 2 triệu đồng so với mức giá ban đầu là 33,9 triệu đồng. Thế nhưng, ở hầu hết các đại lý của Yamaha chỉ có “thổi giá” chứ làm gì có “khuyến mãi”. Không những xe Yahama Nozza không được bán với giá ưu đãi của nhà sản xuất mà còn bị các đại lý đua nhau "thổi giá" với lý do không có hàng để bán. Nếu có xe bán, thì giá bán cũng ở mức từ 35,5 đến 37 triệu đồng, thậm chí có nơi còn cao hơn...

Một số nhân viên bán hàng của Honda và Yamaha cho biết, muốn mua Vision hay Nozza vào thời điểm hiện nay là rất khó do số lượng xe có hạn, nên giá tăng là điều khó tránh khỏi. Khách hàng muốn mua xe phải đặt trước, thời gian giao xe từ 2 tuần đến 1 tháng. Ngoài ra, có sự chênh lệch về giá giữa các màu là do người tiêu dùng có xu hướng chọn những màu như trắng, đen, đỏ nhiều hơn nên làm cho giá của những mẫu xe có màu này cao hơn những xe cùng loại nhưng khác màu.

Cũng về vấn đề “đội giá” của một số mẫu xe ăn khách trước đây của Honda như Lead, Airblade, nhà sản xuất lý giải họ chỉ đưa ra mức giá bán lẻ đề xuất, còn giá bán trên thực tế phụ thuộc vào thị trường. Nhà sản xuất không có quyền can thiệp vào giá bán xe tại các đại lý ủy nhiệm, do quan hệ giữa nhà sản xuất và đại lý ủy nhiệm là quan hệ giữa những đối tác kinh doanh độc lập và nhà sản xuất chỉ bán hàng cho các đại lý ủy nhiệm chứ không bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại nhà máy hoặc thông qua website.

Bao giờ có "thuốc đặc trị"?

Anh Nguyễn Đức Dũng ở phố Bạch Mai, người đang có nhu cầu mua xe, tỏ ra bức xúc: “Ngay từ khi xe Vision được công bố giá, tôi ấp ủ và dồn tiền để mua xe tặng vợ, dù biết giá của mẫu xe này có thể sẽ tăng. Thế nhưng, khi điện thoại đến một số đại lý để tham khảo giá, hầu hết nhân viên đều đề nghị đến tận nơi mới báo giá cụ thể. Tuy nhiên, khi đến tận cửa hàng mới biết giá được báo cao chót vót và mỗi nơi báo một giá, chỗ thì 33,5 triệu, nơi thì 35 triệu đồng, vênh nhau đến chóng mặt và cao hơn quá nhiều so với giá công bố của nhà sản xuất. Không mua được xe Vision, quay sang mua xe Nozza của Yamaha cũng gặp tình cảnh tương tự".

Anh Dũng cũng cho biết thêm, hiện nay để mua được xe Vision hay Nozza là điều không dễ. Các nhân viên tư vấn bán hàng luôn đề nghị khách hàng phải đăng ký và chờ khoảng vài tuần, khi có xe nhân viên đại lý sẽ thông báo đến nhận xe.

Tuy nhiên, điều mà anh Dũng cũng như nhiều khách hàng khác tỏ ra bức xúc là cứ mỗi khi ra mắt mẫu xe mới, chỉ sau ít ngày thấy “ăn khách”, các đại lý lại có chiêu bài đưa ra rất nhiều lý do để "thổi giá".

Việc các đại lý tùy tiện "thổi giá" xe máy không phải bây giờ mới có mà đã diễn ra cách đây khoảng 10 năm, khi "cơn bão” Wave Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam, Honda Việt Nam tung ra thị trường mẫu xe Wave Alpha với giá bán 12,5 triệu đồng để cạnh tranh với xe giá rẻ của Trung Quốc sản xuất, nhưng các đại lý của Honda vẫn bán cao hơn từ 2 đến 3 triệu đồng/xe so với công bố của nhà sản xuất. Và, từ đấy đến nay, việc này cứ lặp đi lặp lại, chưa có “thuốc đặc trị”.

Điều đáng nói thêm nữa là nhà sản xuất công bố một giá, đại lý bán hàng thu tiền của khách hàng một đằng, nhưng lại ghi hóa đơn một nẻo. Từ hình thức này, nhiều người tiêu dùng cho rằng phải chăng, các đại lý không chỉ đã "móc túi" người tiêu dùng, mà còn trốn thuế của Nhà nước?

Duy nhất chỉ có ở Việt Nam, một chiếc xe bán ra có 3 giá: giá công bố của nhà sản xuất, giá bán của đại lý và giá ghi trên hóa đơn thuế giá trị gia tăng. Gian lận thương mại như vậy, nhưng suốt nhiều năm nay không hề thấy cơ quan chức năng vào cuộc và người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt. Vậy bao giờ người tiêu dùng Việt Nam mới được bảo vệ quyền lợi chính đáng?

(Theo Tamnhin.net)