- Nếu chúng ta làm ít, ăn nhiều sẽ dẫn đến chúng ta không có tích luỹ. Nếu làm nhiều, ăn ít thì sẽ không đáp ứng yêu cầu tái sản xuất sức lao động. Hai yếu tố này phải cân bằng.

Lương tăng thế nào là phù hợp?
Chốt tăng lương thất bại, triệu người chưng hửng
Triệu người được tăng lương: Bộ ngành cãi nhau gay gắt

Trao đổi với báo chí tối 26/8, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ quan điểm về các tranh cãi xoay quanh vấn đề tăng tiền lương tối thiểu hiện nay.

Tăng 10% là đủ giải quyết xung đột

- Thưa ông, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp đàm phán 2 lần về tăng lương tối thiểu vùng nhưng đều thất bại do các bên bất đồng quan điểm. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Ông Bùi Sĩ Lợi: VCCI (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam- giới chủ) muốn tăng lương dưới 10%, phía công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) thì muốn hơn 16%. Hai bên đều có lý cả. Mức tăng hơn 16% là đẩy nhanh tiến độ đảm bảo tiền lương tối thiểu bằng với mức sống tối thiểu của người lao động theo Bộ Luật Lao động. Dưới 10% là để đảm bảo giá thành hàng hoá sản phẩm phù hợp, doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Ở đây có câu chuyện, nếu chúng ta nâng lương quá cao lên thì lợi bất cập hại. Người lao động được cải thiện mức sống tốt hơn nhưng doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì giá thành sản phẩm đội lên.

Hiện nay, chi phí tiền lương trong giá thành sản phẩm ở Việt Nam là hơn 18,3%, trong khi ở khu vực ASEAN chỉ khoảng 16%. Nghĩa là mức chi trả tiền lương cho người lao động ở ta cao hơn ở khu vực. 

{keywords}
Ông Bùi Sĩ Lợi.

Chính vì lẽ đó, phải làm sao đảm bảo hài hoà lợi ích giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, không để trở thành xung đột lớn. Trong vấn đề này, giữa hai bên phải có sự chia sẻ, thông cảm lẫn nhau.

Trước đây, tôi rất muốn là 10-12% nhưng sau khi tính toán lại, tôi xin khẳng định quan điểm, mức 10% là hợp lý, trung hoà, giải quyết được xung đột hai bên, đảm bảo hài hoà lợi ích tổng thể.

- Tại sao ông lại thay đổi ý kiến và cho rằng mức tăng lương 10% là hợp lý, mà không phải là con số khác?

Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016, chỉ số CPI cố gắng dưới 5%. Nhưng sau khi cập nhật lại 8 tháng qua, đến giờ phút này, CPI chưa đến 2%. Ta tính thêm một bước là qua dịp Tết Nguyên đán 2016, CPI thêm khoảng 3-4%. Năng suất lao động của ta khoảng 3,7%.

Nếu như hiện nay, các chỉ số đang có xu hướng phát triển 3-4% thì rõ ràng, hai yếu tố để kết thành tiền lương tối thiểu là khoảng 7-8%. Còn 2% tôi tính phải tăng lên là để kích thích tăng năng suất người lao động. 

Điều này đảm bảo, tiền lương phải là đòn bẩy để kích thích năng suất lao động.

- Có ý kiến nói rằng tiền lương tối thiểu hiện nay không phù hợp với năng suất lao động ở Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Nguyên tắc của tiền lương phải đáp ứng yêu cầu là tốc độ tăng tiền lương phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động để tái sản xuất lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nếu chúng ta làm ít, ăn nhiều sẽ dẫn đến chúng ta không có tích luỹ. Nếu làm nhiều, ăn ít thì sẽ không đáp ứng yêu cầu tái sản xuất sức lao động. Hai yếu tố này phải cân bằng.

{keywords}

Năng suất lao động phụ thuộc cả kỹ năng của người lao động và sự cải tiến công nghệ của doanh nghiệp. Nhưng có một điều cần hiểu, tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất mà chủ sử dụng lao động trả cho người lao động trong điều kiện bình thường. Ta không nên đặt hoàn toàn tiền lương tối thiểu để đáp ứng năng suất lao động, phát triển của nền kinh tế.

Việt Nam tính lương tối thiểu quá cao

- Có ý kiến nói rằng, dữ liệu về nhu cầu sống tối thiểu chưa được nghiên cứu chính xác, quá cao so với thực tế nên dẫn tới các đề xuất mức tăng tiền lương luôn chênh nhau lớn. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Nhu cầu sống tối thiểu của các quốc gia hoàn toàn khác nhau.

Một số nước trên thế giới xác định, tiền lương tối thiểu là đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và 50% nhu cầu khẩu ăn theo. Nhưng Việt Nam đang tính là nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và 70% nhu cầu của người ăn theo, tức là ta tính toán cao hơn các nước trong khu vực. Việt Nam đi nhanh hơn các nước trong khu vực.

Một đất nước năng suất lao động đang thấp, tiền lương đang thấp mà an sinh xã hội đi trước một bước thì chắc chắn sẽ có tác động, chúng ta phải lưu ý điều này.

Tôi cũng cho rằng, cần phải tính lại hiện nay, người lao động Việt Nam cần gánh thêm khẩu ăn theo bao nhiêu là đủ? Nếu gánh cao quá trong khi năng suất lao động thấp thì sẽ có điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, làm tăng trưởng chậm lại.

- Các nghiên cứu tính toán về tiền lương chưa được công khai kịp thời và các cuộc đàm phán về tiền lương đều họp kín. Ông đánh giá thế nào về sự minh bạch trong các đàm phán về tăng tiền lương hiện nay?

Theo tôi, nên mở rộng thành phần tham gia trong Hội đồng tiền lương quốc gia, có những chuyên gia, các nhà kinh tế hiểu biết về tiền lương, có một số doanh nghiệp, một số người lao động. Như vậy, trong hội đồng sẽ tăng thêm tiếng nói, tăng phản biện, tác động lẫn nhau để có thể quyết định một mức lương mà xã hội chấp nhận được.

Ngoài ra, trong các đề xuất dự thảo về tăng tiền lương, tôi cho rằng, nếu lấy được nhiều ý kiến sẽ rất tốt để tham khảo. Nếu tôi là Hội đồng tiền lương, tôi sẽ sẵn sàng lấy ý kiến của tất cả các người có liên quan, kể cả cơ quan truyền thông. Còn việc tiếp thu, phân tích do Hội đồng quyết định.

Phạm Huyền