Một trong những nguyên nhân khiến cho nhân viên không còn muốn gắn bó với ngân hàng đó chính là yếu tố chính sách lao động và môi trường làm việc, tức là khi ngân hàng không xử lý đúng quy định, không thoả đáng các chính sách lương thưởng và nhân sự hoặc không đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Từ trước đến nay khi nhắc đến nhân viên ngân hàng, mọi người ai cũng hình dung đến một công việc văn phòng, ngồi máy lạnh, nhàn hạ mà thu nhập lại cao, nhưng “trong chăn mới biết chăn có rận” - ít ai biết được bao khó khăn, áp lực và hoàn toàn trái ngược với các viễn cảnh tốt đẹp trên dẫn đến hiện nay ngày càng nhiều nhân viên ngân hàng không còn động lực, nhiệt tình làm việc thậm chí sẵn sàng nhảy việc.

Suy giảm lòng trung thành – nguyên nhân là do đâu?

Một trong những nguyên nhân khiến cho nhân viên không còn muốn gắn bó với ngân hàng đó chính là yếu tố chính sách lao động và môi trường làm việc, tức là khi ngân hàng không xử lý đúng quy định, không thoả đáng các chính sách lương thưởng và nhân sự hoặc không đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Anh A nhân viên tín dụng lâu năm của ngân hàng V cho hay, trước đây ngoài lương các nhân viên này còn được một khoản phụ cấp tiền xăng và điện thoại (không nhiều chỉ khoảng 200k -300k/tháng). Nhưng có một khoản thời gian kinh doanh gặp khó khăn, ngân hàng đã kêu gọi các anh em tín dụng thông cảm và ủng hộ nên đã cắt khoản phụ cấp này với cam đoan khi nào ổn định sẽ khôi phục lại. Nhưng nhiều năm đã trôi qua, tình hình kinh doanh đã ổn định và thậm chí phát triển nhưng lời hứa năm xưa đã dần trôi vào quên lãng.

{keywords}
Lòng trung thành của nhân viên ngân hàng suy giảm do lương thấp

Còn trường hợp của chị B giao dịch viên ngân hàng S cho biết, công việc của giao dịch viên đòi hỏi lúc nào cũng phải về trễ hơn so với thời gian đóng cửa nên trước đây các chị em còn được chấm ngoài giờ (tối đa được 2h/ngày nhưng tổng số tiền ngoài giờ không bao giờ vượt quá 200k-300k mỗi tháng). Thế nhưng vào một ngày, việc chấm công ngoài giờ bị cắt mà không có một lời giải thích.

Cay đắng hơn là trường hợp của anh K nhân viên kế toán của ngân hàng C chia sẻ: vào các dịp lễ, Tết anh thường đăng ký trực thêm để kiếm thêm thu nhập (1triệu đồng/ ngày) hy sinh thời gian 03 ngày không đi chơi/ dành cho gia đình với mong muốn kiếm thêm chút ít. Thế nhưng sau khi tiền đã vào tài khoản, chi tiêu xong ngân hàng lại ra thông báo truy thu lại toàn bộ số tiền đó. “Có lẽ tôi sẽ không bao giờ đăng ký trực nữa và cũng chẳng còn động lực và nhiệt tình để làm việc” anh K cho hay.

Bên cạnh đó, áp lực kinh doanh với điệp khúc huy động cho vay cũng là một nguyên nhân khiến nhân viên chẳng còn thiết tha với công việc, lo sợ chỉ tiêu kinh doanh không hoàn thành một nhưng lo sợ vướng vào vòng lao lý lại mười khi gần đây nhiều vụ án sai phạm trong cho vay/huy động được phanh phui khiến nhân viên ngân hàng càng cảm thấy rối bời.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống các TCTD hiện nay dẫn đến việc thay đổi lãnh đạo liên tục, môi trường làm việc xáo trộn, cho vay khó khăn, nợ xấu còn cao… hay buộc phải ký những hồ sơ “chỉ định” cũng làm nản lòng nhân viên ngân hàng.

Sếp ngân hàng cần làm gì khi nhân viên chán việc?

Đối với các ngân hàng đã hoàn thiện mô hình ngân hàng bán lẻ, dường như không mấy để tâm đến vấn đề về động lực và nhiệt tình làm việc của nhân viên vì bất cứ khi nào có nhân viên không còn nhiệt tình và muốn nghỉ việc họ sẵn sàng thay thế bằng nhân viên khác (do đã có bộ phận nhân sự ở Hội Sở luôn luôn tuyển dụng không ngừng, mô hình và quy trình bán lẻ đã hoàn thiện, họ chỉ quan tâm đến việc giữ chân các quản lý từ cấp cơ sở, trung gian và cấp cao).

Tuy nhiên, nên nhớ rằng những nhân viên trung thành mới là người luôn kề vai sát cánh ngay cả những lúc khó khăn, chứ không phải những kẻ làm không có động lực, vì miếng cơm manh áo và sẵn sàng phớt lờ hay bỏ chạy khi lâm nạn.

Còn đối với các ngân hàng mô hình truyền thống hay đang “quá độ” lên mô hình ngân hàng bán lẻ cần nhận thức được rằng những nhân viên trung thành, luôn sẵn sàng phục vụ thực sự đã tác động đến khách hàng và xây dựng được mối quan hệ lâu dài cũng như sự tín nhiệm đối với khách hàng. Một tổ chức không chú ý chăm sóc những khách hàng nội bộ thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và không thể phát triển bởi nhân viên chính là hình ảnh của công ty trong mắt của khách hàng.

Do đó để gia tăng lòng trung thành của nhân viên, trước hết ban giám đốc ngân hàng cần phải thường xuyên lắng nghe để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân viên cũng như trao đổi thẳng thắn với nhân viên về kế hoạch và mục tiêu của công ty. Qua đó, khi nhân viên đã biết định hướng và hiểu rõ vai trò của họ đối với tổ chức, họ sẽ cảm thấy mình được trân trọng, được đánh giá đúng những gì đã cống hiến và sẽ nổ lực nghiên cứu, sáng tạo đưa ra giải pháp tối ưu nhất để giải quyết những vấn đề của khách hàng từ đó giành đuợc sự tín nhiệm và lòng tin.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích nhân viên đề xuất ý tưởng, làm việc hiệu quả bằng cách khen, thưởng, tạo cho nhân viên môi trường làm việc chất lượng.

Ngoài ra, cần vận dụng tốt phương châm “công bằng và minh bạch là vũ khí tối thượng của nhà quản trị” để giúp nhân viên có niềm tin với nghề nghiệp của mình. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhân viên thử sức với những công việc mang tính thử thách, đòi hỏi chuyên môn cao nhằm kích thích sự hăng say, nhiệt tình của nhân viên.

Theo Trí thức trẻ