Hàng loạt nhân viên các đại gia ngân hàng có tiếng trên thế giới tử vong hoặc tự tử do áp lực công việc quá lớn...

Sarvshreshth Gupta, đến từ New Delhi (Ấn Độ) là một chuyên viên về công nghệ, truyền thông của Goldman Sachs - Ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ. Sarvshreshth Gupta tốt nghiệp trường Đại học Pennsylvania và gia nhập Goldman từ mùa thu năm 2014. Trước đó, anh từng thực tập ở Ngân hàng Credit Suisse và Deutsche Bank.

Anh mới 22 tuổi, qua đời hồi tháng 4 vừa rồi khi trên đường về nhà sau hơn 2 ngày làm việc liên tục tại văn phòng.

Một tháng sau khi anh qua đời, cha anh - ông Sunil - đã đăng tải bài viết "Đứa con trai không bao giờ chết" hôm 17/5 trên truyền thông. Dưới đây là một số trích đoạn:

Con trai tôi đã than phiền liên tục gặp những áp lực và căng thẳng trong công việc nhưng không sao giải quyết được từ sau kỳ nghỉ năm mới.

"Bố, con luôn thiếu ngủ. Con làm việc liên tục 20 tiếng liền", Sarvshreshth Gupta nói. Có những tuần thường xuyên nó phải làm cả cuối tuần.

Lúc ấy tôi đã nói ngay. "Con trai, như vậy là con đang hủy hoại sức khỏe của mình". Nhưng nó nói: "Thôi nào bố, con còn trẻ và rất khỏe. Làm ở ngân hàng đầu tư thì đương nhiên lắm việc rồi".

{keywords}

Ngân hàng Goldman Sachs - nơi Sarvashreshth Gupta từng làm việc. Ảnh: Thomas Harick.

Tôi bắt đầu nhận được những lời than phiền về áp lực công việc này từ giữa tháng một. Sarvshresh kể với tôi: "Công việc này chắc không dành cho con. Quá nhiều việc nhưng lại có quá ít thời gian. Con muốn về nhà".

Thấy con như vậy, mọi ông bố bà mẹ đều phản ứng giống nhau. Và tôi đã khuyên con cố gắng lên bởi công việc nào cũng gặp khó khăn, nhất là với một chỗ làm mới. "'Con trai à, mọi thứ đều ở trước mắt con, tuổi trẻ, sự tham vọng, hãy cố lên - tôi đã nói với nó như vậy", ông Sunil kể.

Rồi đến giữa tháng 3, con trai tôi bỏ việc. Nó viết đơn xin nghỉ việc mà không hỏi ý kiến tôi. Khi nó gọi điện thông báo, câu đầu tiên tôi nói với nó là: "Con trai, dù không muốn con bỏ việc nhưng dù có thế nào, bố vẫn muốn ở bên con. Về nhà đi". Nó có vẻ buồn và nói: "Bố, sẽ mất một thời gian mới xong thủ tục nghỉ việc cơ". Tôi lại hỏi vậy giờ nó muốn làm gì. "Con sẽ tự cân bằng lại bản thân, ăn đồ ăn tự nấu, đi bộ và tập gym. Sau đó con sẽ làm việc", nó nói.

Mặc dù trả lời thế nhưng không lâu sau, nó lại quay trở về làm việc ở Goldman Sach sau khi được xem xét lại đơn thôi việc và dưới áp lực của chính tôi.

Ôi, cậu con trai đáng thương của tôi! Nó quay trở lại chỗ đó và làm việc hết mình dù không được nghỉ ngơi, dù thiếu ngủ... Một vài tuần sau nó gọi về nhà kể còn chưa hề chợp mắt và có nhiều việc phải làm.

Nhưng vào một buổi chiều giữa tháng 4, khoảng hơn 3 giờ Ấn Độ và là 12 rưỡi trưa theo giờ California (Mỹ), nó gọi cho chúng tôi và nói. "Bố, công việc quá nhiều. Hai ngày nay con đã không ngủ. Còn còn một cuộc họp với khách hàng sáng mai và phải hoàn thành bài thuyết trình. Sếp con đang rất không hài lòng. Con đang làm việc một mình trong văn phòng".

Khi ấy, tôi đã vô cùng giận giữ và hét lên: "Con có 15 ngày để rời khỏi chỗ đó và về nhà". Thằng bé liền nói đầy châm biếm: "Họ sẽ không cho con nghỉ đâu". Tôi bảo: "Cứ bảo họ việc con nghỉ chính là đơn xin nghỉ việc của con". Rồi cuối cùng nó cũng chấp nhận sẽ chỉ làm việc trong một giờ đồng hồ nữa rồi về nhà, căn hộ cách văn phòng chỉ nửa dặm.

Thế nhưng sáng sớm hôm sau, con trai tôi được tìm thấy khi đã tử vong. Vậy là bình minh không bao giờ đến trong cuộc đời của chúng tôi nữa, con trai yêu quý của tôi thậm chí còn chưa về được đến căn hộ của nó.

Một con quái vật, một con quỷ trong cỗ máy không lồ kia đã cướp đi cuộc sống của nó. Con trai tôi, giọt máu của tôi, là nạn nhân của một cỗ máy độc ác, của những ông sếp chỉ biết kiếm tiền - người chắc chắn cũng là con trai của một ai đó.

Cái chết của cựu nhân viên Goldman Sachs vẫn còn nhiều uẩn khúc. Theo Dealbook's Sorkin, thi thể của chàng trai trẻ này được tìm thấy trong khu đỗ xe của tòa nhà căn hộ nơi anh sinh sống. Giả thuyết được đưa ra có thể anh ngã tại tòa nhà này. Bác sĩ pháp y đã không đưa ra nguyên nhân dẫn tới cái chết vào thời điểm này.

Về phần mình, Goldman cho biết rất buồn bởi cái chết của Sav và chia buồn sâu sắc với gia đình. Tuy nhiên, không khí căng thẳng vẫn đè nặng lên những đồng nghiệp trẻ tuổi của anh tại ngân hàng Goldman Sachs.

{keywords}

Moritz Erhardt đã chết vì làm việc suốt 24 giờ trong 3 ngày liên tục - Ảnh: Daily Mail

Đây không phải trường hợp nhân viên ngân hàng tử vong duy nhất vì áp lực công việc.

Một sinh viên thực tập tại Bank of America chi nhánh London (Anh) đã chết vì kiệt sức sau khi làm việc liên tục ba ngày liền.

Theo CNN ngày 20/8/2013, những người ở cùng phòng với sinh viên 21 tuổi người Đức Moritz Erhardt tại khu học xá Claredale House (Đông London) phát hiện anh bất tỉnh trong buồng tắm hồi thứ năm tuần trước. Nhân viên y tế sau đó xác nhận anh đã chết tại hiện trường.

Erhardt đang học quản trị kinh doanh trong chương trình trao đổi sinh viên của trường Ross School of Business thuộc Đại học Michigan (Mỹ). Anh đang đi vào giai đoạn cuối của chương trình thực tập tại Bank of America.

Bloomberg dẫn lời người phát ngôn của ngân hàng John McIvor nói cảnh sát đang điều tra nguyên nhân tử vong của Erhardt. Cảnh sát và các quan chức ngân hàng nói không có dấu hiệu mưu sát.

Tuy nhiên, theo báo The Independent (Anh), Erhardt có thể đã chết vì làm việc gần như 24 giờ mỗi ngày trong ba ngày liền.

Một bài viết nặc danh được gửi lên website wallstreetoasis.com nói trong ba ngày liên tục Erhardt chỉ từ ngân hàng trở về nhà lúc 6g sáng. Một cựu nhân viên Bank of America nói với The Independent thực tập sinh tại ngân hàng này thường phải làm việc đến 14 giờ mỗi ngày.

“Nhân viên thực tập có khi phải làm đến 110 giờ/tuần, nhưng ai cũng biết công việc ngân hàng thường căng thẳng nên chúng tôi luôn khuyên họ phải biết cân bằng để tránh quá tải” - vị này nói.

Trước khi tham gia chương trình trao đổi văn hóa với Đại học Michigan, Erhardt theo học tại trường WHU Otto Beisheim School of Management ở Vallendar (Đức), theo Bloomberg. Ban giám hiệu trường này nói họ “bị sốc và vô cùng đau buồn” trước các chết của sinh viên Erhardt.

Đại diện Bank of America cũng phát đi lời chia buồn với gia đình Erhardt và khẳng định anh là một trong “những nhân viên thực tập chăm chỉ và có tương lai tươi sáng nhất tại ngân hàng”.

Đáng sợ nhất là trường hợp ở ngân hàng JPMorgan Chase, khi hàng loạt các nhân viên cấp cao tự tử vì áp lực công việc.

Thời báo ngân hàng đưa tin, chỉ chưa đầy 3 tuần, từ ngày 28/1 - 18/2/2014, đã có 3 vụ quyên sinh bí ẩn xảy ra tại Ngân hàng JPMorgan Chase (JPM). Phần lớn những người này đều giữ chức vụ quan trọng. Cả 3 vụ đều được xếp là quyên sinh vì không có dấu hiệu nghi ngờ.

Vụ đầu tiên diễn ra lúc 8 giờ sáng ngày 28/1/2014, Gabriel Magee, 39 tuổi, Chủ tịch công nghệ đầu tư của JPM chi nhánh Anh đã nhảy từ tầng lầu thứ 9 của tòa nhà cao 33 tầng, trụ sở của chi nhánh ngân hàng này đúng vào giờ cao điểm. Nhiều người đã tận mắt chứng kiến, bắt đầu từ việc Magee tiến đến gần cửa sổ rồi lao xuống trong tuyệt vọng.

Ngày 3/2/2014, một giám đốc điều hành của JPM tại chi nhánh New York (Mỹ) tên là Ryan Henry Crane, 37 tuổi đã được tìm thấy chết tại gia ở Stamford, Connecticut mà người ta tình nghi là tự tử.

Crane được đánh giá là một giám đốc trẻ, năng lực, sinh ra tại New Jersey, từng tốt nghiệp tại Delbartron Shool trước khi học Đại học Harvard, gia nhập JPM năm 2000, đảm nhận phân ban chuyên mua bán cổ phiếu của JPM.

Vụ ra đi đầy bí ẩn mới nhất diễn ra tại JPM là trường hợp của Li Junjie. Theo nguồn tin đăng trên tờ South China Morning Post thì Li Junjie năm nay 33 tuổi, giám đốc chi nhánh Hông Kông của JPM đã nhảy từ tầng 30 xuống đất. Theo các đồng nghiệp, vị giám đốc trẻ này có thể đã phải chịu quá nhiều sức ép của công việc và hậu quả cái gì đến ắt phải đến.

Theo đó, ngay sau giờ ăn trưa, Li Junjie đã lên sân thượng và gieo mình xuống. Cảnh sát được huy động đến giải cứu nhưng không thành và giống như hai vụ nói trên, các nhà chức trách không tìm thấy dấu vết hoặc những lời trăn trối để lại nên vụ việc tiếp tục được xếp là tự tử.

Một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ quyên sinh là do JPM áp dụng những nguyên tắc thực hành phi đạo đức, kéo dài hàng thập kỷ làm cho cuộc sống của nhân viên trở nên ngột ngạt. Căng thẳng nhất là khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, nhiều người đã phải tìm đến với cái chết để giải thoát.

Phải nói ngay rằng, do suy thoái kinh tế nên áp lực đối với nhân viên ngân hàng ngày một gia tăng. Không kể 3 cái chết ở JPM, từ đầu năm 2014 đến trung tuần tháng 2/2014 có tới 6 cái chết bí ẩn khác xảy ra tại các ngân hàng Deutsche Bank AG, Russell Investments (Mỹ) và Swiss Re AG (Thụy Sỹ). Ở những vụ việc này, người ta cho rằng lý do bởi áp lực gây ra.

JPM hiện có trên 270.000 nhân viên làm việc trên khắp thế giới, nhưng áp lực công việc không hề giảm. JPM cũng đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện cáo bồi thường nên buộc phải cắt giảm nhân lực. Tuy đã áp dụng chương trình hỗ trợ nhân viên giảm thiểu áp lực trong công việc, nhưng tình hình chưa cải thiện nhiều.

Ngoài yếu tố stress (căng thẳng), một trong những lý do làm cho dư luận quan tâm trong hệ thống tài chính, ngân hàng thế giới hiện nay là có bàn tay ngầm của giới tội phạm. Bởi vậy, nạn gian lận, tống tiền, rửa tiền và hàng loạt những cái chết bí ẩn khác vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ.

(Theo ĐSPL)