Bố mẹ bỏ quê lên Hà Nội buôn bán, làm cửu vạn quả… thậm chí cả gia đình cùng theo nhau lên thành phố buôn bán tạm bợ trong 4 -5 năm đang là cách mà nhiều bậc phụ huynh nghèo giúp con cái mình viết trọn ước mơ trên giảng đường đại học. Nhiều người gọi đó là “nhiệm kỳ” vỉa hè vì tương lai con cái.

Đổi nhà theo con

Con gái lớn là sinh viên năm cuối Đại học Ngoại Ngữ (ĐH Quốc Gia Hà Nội), cậu con trai út là sinh viên năm hai Đại học Xây dựng Hà Nội, đối với vợ chồng bác Nguyễn Thị Ngân (Hải Hậu-Nam Định) đó là niềm vui, tự hào và cũng là động lực lớn nhất giúp bác vượt qua nhiều khó khăn, bám trụ buôn bán tại Thủ đô lấy tiền nuôi con ăn học.

Đã 4 năm bán rau tại chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm-Hà Nội), bác Ngân chia sẻ rằng: Gia đình vốn thuần nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày nên việc nuôi hai con ăn học thực sự trở thành một gánh nặng.

Cách duy nhất để nuôi con ăn học, ngày đứa con lớn bắt đầu nhập học cũng là ngày bác bày hàng rau tại chợ. Ban đầu, chỉ một mình bác Ngân và con gái thuê trọ trong một căn phòng cấp 4 xập xệ, buôn bán nhỏ nhặt.

{keywords}

Giờ đây, cả gia đình đều đã chuyển lên Hà Nội khi đứa thứ 2 có giấy báo nhập học, thuê chung hai gian phòng liền nhau ở một ngõ nhỏ để tiện việc buôn bán và sinh hoạt.

Bác Ngân cho biết, hàng ngày hai vợ chồng bác đều phải dậy từ 3-4 giờ sáng, ra chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy) để kịp nhập rau cho tươi ngon và giá rẻ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, lịch trình ấy chưa bao giờ thay đổi.

Buôn bán có duyên, hàng rau nhà bác Ngân khá đông khách mua. Tuy nhiên, theo bác Ngân, mỗi ngày trừ vốn ra, lời lãi cũng chỉ vài trăm nghìn. Tính trung bình một tháng thu nhập cả gia đình khoảng 8 triệu đồng. Riêng tiền thuê nhà đã hết 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thuê chỗ ngồi, các loại phí…

Số tiền còn lại chỉ đủ chi tiêu dè dặt qua ngày. Đó là chưa kể có những thời điểm hàng quán ế ẩm, hỏng phải đổ bỏ, chẳng những không lãi mà còn mất cả gốc bỏ ra.

“Nhưng nếu không bám thành phố kiếm ăn thì lấy đâu ra tiền cho con cái hàng tháng chi tiêu ăn uống, rồi tiền đóng học phí. Giờ mỗi năm học phí tăng một lần, tiền chi phí ăn uống hàng ngày trên thành phố ngày càng đắt đỏ, trong khi ở quê chỉ biết trông vào mấy sào ruộng không dám mơ cho con lên phố học đại học”, bác Ngân chia sẻ.

Bác nói, người ta còn vay tiền cho con đi học, mình lên đây làm ăn, chẳng mong đổi đời làm giàu từ cái nghề buôn bán vài ba mớ rau hàng ngày tiền kiếm được có thể đủ nuôi hai đứa con mà không vướng nợ nần. Chỉ mong hết học, con có việc làm để về quê.

Tuy nhiên bác Ngân bày tỏ lo lắng, chỉ vài tháng nữa thôi, cô con gái lớn tốt nghiệp sẽ cần thêm rất nhiều khoản tiền như tiền mua xe, xin việc… Tất cả chỉ trông vào một sạp rau có lẽ không thể kham nổi. Thời gian tới, bác Ngân dự định mở thêm một hàng bán rau nữa để hai vợ chồng chia nhau phụ trách. Các con tan ca học cũng có thể ra phụ giúp bố mẹ.

Chẳng ai muốn xa quê nhưng hoàn cảnh khó khăn, muốn nuôi con ăn học đành phải vậy chứ cuộc sống ở thành phố với người phải đi ở trọ cực lắm, nhà cửa chật hẹp. Đổi lại, lên đây còn kiếm được đồng ra đồng vào, thu nhập tăng thêm sẽ giúp chi tiêu cả gia đình bớt eo hẹp. Bác Ngân cho biết, sau khi các con ra trường, có thể tự lập được hai vợ chồng lại rút về quê chứ không bám thành phố nữa.

Con vào trường, mẹ đánh bóng mặt đường

Cũng quyết định rời quê ra phố để buôn bán kiếm tiền nuôi con ăn học, câu chuyện của bác Hòa (Yên Định-Thanh Hóa) lại khiến người nghe thêm xót xa hơn.

Quê nghèo, chồng lại hay ốm đau bệnh tật, kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai gầy của bác. Năm 2012, khi cậu con út nhận giấy báo đỗ Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bác vui đến rơi nước mắt nhưng lại thêm lo.

Không nghề nghiệp, không bằng cấp, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực gì, để có tiền lo cho chồng, cho con, bác Hòa quyết định theo người hàng xóm ra Thủ đô làm nghề bán hoa quả dạo.

{keywords}

Bác Hoà chia sẻ, vì buôn bán ít ỏi nên bác chỉ nhập lại hàng từ những chủ hàng hoa quả lớn chứ không chủ động ra chợ đầu mối để nhập. Ngày ngày, rong ruổi trên nhiều con phố của Hà Nội, buổi trưa ăn uống tạm bợ, đạm bạc, bác cũng kiếm được vài trăm nghìn tiền lãi. Tuy nhiên, có ngày không may mắn, hàng ế, thậm chí còn bị lực lượng quản lý thị trường “bắt” mất cả gánh hàng thì bán buôn mấy ngày cũng chẳng bù lại được.

“Thấy cũng kiếm được đồng ra đồng vào, hồi tết về quê, tôi còn kéo thêm cả đứa em dâu ra đây buôn bán cho có chị có em. Nhà cô em cũng có đứa con đầu đang học đại học năm nhất nên theo chị tham gia đội quân hàng rong, đánh bóng mặt đường”, Bác Hòa kể

Giờ ra đây, hai mẹ con chị Hòa được ở cùng nhau, chuyện ăn uống học hành của con cái có bố mẹ trông coi cũng yên tâm và quan trọng nhất là nhờ gánh hàng rong bán dạo trên phố mà giải quyết được tiền nuôi con ăn học.

Hiện nay, hai mẹ con bác Hòa đang thuê một căn phòng cấp 4 nhỏ. Vậy mà giá thuê nhà cũng hơn 1 triệu đồng/tháng, tiền điện lên tới 3.500 đồng/số. Theo bác Hòa, trong thời buổi giá cả đắt đỏ, leo thang từng ngày như hiện nay, với gánh hàng rong bán tạm này cũng coi như đủ hai mẹ con sống ở thành phố những năm con theo học.

“Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một cách kiếm tiền khác nhau, gia đình khó khăn muốn nuôi con ăn học thì phải vậy thôi. Cơ cực nhưng vẫn phải cố bám phố với gánh hàng rong trong mấy năm con ăn học, con học xong tôi lại về quê làm mấy sào ruộng chứ không ở đây buôn bán tiếp nữa”, bác Hòa nói.

Bảo Hân