Biệt thự cổ rao bán 35 triệu đô, tòa tháp Keangnam bị rao bán và biệt phủ trên đèo Hải Vân,… là những sự kiện đình đám của thị trường bất động sản năm 2015.

Biệt phủ 100 tỷ trên núi Hải Vân

Gia đình ông Ngô Văn Quang – G.Đ Cty TNHH khai khoáng Phước Minh (Phước Sơn – Quảng Nam), chủ biệt phủ không phép trên rừng Nam Hải Vân (Đà Nẵng) bắt đầu tháo dỡ biệt phủ được đánh giá là đầu tư trên trăm tỷ đồng.

{keywords}
Biệt phủ ở Quảng Nam gây xôn xao dư luận trong thời gian qua

Sau một thời gian dài trì hoãn, từ tháng 2.2015 tới nay, và sau 3 lần gia hạn để các cấp ngành thanh tra, nghiên cứu xem xét với những tờ đơn kêu cứu của ông Ngô Văn Quang, thì QĐ lần này của quận Liên Chiểu được xem như là lần cuối, quyết định số phận của quần thể biệt phủ làm dậy sóng dư luận 2 năm qua.

Thuận Kiều Plaza

Sau thời gian dài đưa vào hoạt động nhưng không hiệu quả, khu cao ốc Thuận Kiều  đã được một nữ đại gia bất động sản mua lại. Thuận Kiều Plaza có bốn mặt giáp đường Hồng Bàng, Thuận Kiều, Tân Hưng, Dương Tử Giang. Tuy nhiên, hầu hết tiểu thương hiện đã dọn đi, cả ba tòa nhà gồm 648 căn hộ chỉ còn vài chục người sinh sống.

{keywords}
Thuần Kiều sau thời gian bê bết đã đổi chủ

Những sai lầm trong thiết kế xây dựng cùng hàng loạt câu chuyện đồn thổi kinh dị về trung tâm này cứ chồng chất theo thời gian khiến tòa nhà gần như bị bỏ hoang mười mấy năm nay. Một nguyên nhân khác khiến Thuận Kiều Plaza kinh doanh lụi bại được cho là do tòa nhà có phong thủy không tốt, bao gồm 3 tháp giống 3 cây nhang.

Keangnam bị rao bán

Thông tin tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark bị rao bán để trả nợ xuất hiện trong bối cảnh Hàn Quốc đang rúng động bởi một vụ bê bối hối lộ lớn bị phanh phui sau khi cựu Chủ tịch tập đoàn Keangnam, ông Sung Wan-jong tự sát hồi đầu tháng 4.

{keywords}
Tòa tháp cao nhất VN bị rao bán gây xôn xao báo chí trong nước

Theo thông tin từ báo chí Hàn Quốc, tòa án nước này vừa gửi văn bản tới quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QIA), thông báo về việc định giá tòa nhà Landmark 72 tại Việt Nam ở mức 830 tỷ won (tương đương 770 triệu USD).  Goldman Sachs cũng nhăm nhe mua lại tòa nhà. Mức giá gần 800 triệu USD khi đó đều khiến cả hai đơn vị này cân nhắc. Sau đó, một tờ báo đã cho rằng, quỹ đầu tư Qatar mua lại Keangnam chỉ là “tin vịt”. Cho tới nay vẫn chưa có thông tin chính thức về vụ việc này. 

8B Lê Trực sai phạm nghiêm trọng

Dự án tai tiếng nhất trong thời gian vừa qua cũng nằm trong danh sách bị nêu tên là Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê do Công ty cổ phần may Lê Trực làm chủ đầu tư tại số 8B Lê Trực (quận Ba Đình). Tại dự án này, chủ đầu tư đã thi công sai so với nội dung được cấp phép về tổng chiều cao công trình, tổng diện tích sàn.

{keywords}
Những sai phạm nghiêm trọng của dự án này đã bị xử lý

Sau hàng loạt biện pháp quyết liệt của cơ quan chức năng, chủ đầu tư đã thừa nhận sai phạm, tự khắc phục vi phạm và hiện đang được chủ đầu tư thực hiện phá dỡ. Dự kiến, thời gian phá dỡ kéo dài 9 tháng, kinh phí gần 12 tỷ đồng.

Biệt thự 35 triệu đô

Đầu năm 2013, thông tin về một ngôi biệt thự cổ 100 năm tuổi được rao bán nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Và mới đây, một lần nữa ngôi biệt thự cổ gây sốt khi nó vừa được bán cho một tập đoàn nước ngoài với giá gần 35 triệu USD.

{keywords}
Ngôi biệt thự cổ giữa trung tâm TP HCM 

Ngôi nhà được cho là đắt đỏ bởi đây là ngôi biệt thự cổ có kiến trúc kiểu Pháp có 3 mặt tiền nằm giữa trung tâm TP.HCM. Trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, căn biệt thự này cao 2 tầng, tọa lạc trên khu đất rộng 2.819,5m2. Như vậy, ước tính giá bán căn biệt thự này quy ra khoảng 265 triệu đồng/m2.

Sài Gòn One bỏ hoang

Sau 3 năm thi công, tòa nhà Saigon One Tower cao thứ 3 Sài Gòn phải “đắp chiếu”, nằm chình ình giữa trung tâm thành phố gần 4 năm nay. Dự án gồm một tòa tháp đôi 5 tầng hầm và 41 tầng, tổng mức đầu tư theo công bố ban đầu là 256 triệu USD. 

{keywords}
Tòa nhà bỏ hoang giữa trung tâm TPHCM

Tính đến thời điểm ngưng thi công cuối năm 2011, ước 80% khối lượng công việc đã hoàn thành. Mới đây, chủ đầu tư dự án này lại bị “tố” nợ thuế.

Soán ngôi toà nhà cao nhất Việt Nam

Tương lai danh hiệu toà nhà cao nhất Việt Nam của Keangnam liên tục bị xô đổ. Sau The Landmark 81 thì Empire City sẽ là dự án toà nhà cao nhất Việt Nam hiện nay. Dự án được công bố năm 2015 với 86 tầng được cấp phép và tổng số vốn đầu tư 1,2 tỉ USD.

{keywords}
Tòa nhà cao nhất Việt Nam trong tương lai

Hiện kỷ lục về toà nhà cao nhất đã hoàn thành vẫn thuộc về toà Keangnam Landmark Tower tại Hà Nội với 72 tầng. Tiếp đó là toà Bitexco Finacial cao 68 tầng tại Tp.HCM và  Lotte Center Hà Nội cao 65 tầng.

Duy Anh