Nợ xấu bất động (BĐS) khoảng 10.000 tỷ đồng (chiếm 4% - theo báo cáo của các ngân hàng thương mại) chủ yếu là nợ xấu của các đại gia chứ không phải của cả thị trường BĐS.

Phát biểu trong cuộc Đối thoại trực tiếp “Giao dịch nhà đất trên dưới 1 tỷ đồng” tại TP.HCM ngày 11/7, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng: “Theo số liệu của Bộ Xây dựng về dư nợ tín dụng cho vay BĐS là 277.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 10.000 tỷ đồng (chiếm 4% - theo báo cáo của các ngân hàng thương mại).

Đây chủ yếu là nợ xấu của các đại gia chứ không phải của cả thị trường BĐS, thậm chí nợ xấu của các đại gia có lúc tới 3 lần con số này và nó cho thấy nợ xấu của thị trường BĐS còn rất lớn. Hiện việc xử lý nợ xấu BĐS rất khó khăn, vì chủ yếu nợ xấu là của các đại gia BĐS có thế lực rất lớn, có quan hệ rộng, nên khi động chạm vào họ rất khó”.

{keywords}

Thị trường BĐS phụ thuộc vào yếu tố duy nhất là tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nếu 3 chương trình cho vay: chuỗi liên kết 4 nhà cho vay BĐS; Gói ưu đãi 30.000 tỷ cho vay đối với người thu nhập thấp; Chương trình cho vay mua tàu biển đối với ngư dân nếu “bơm vốn” ra được thì tín dụng sẽ tăng.

Trong khi đó, nguồn lực tài chính của các ngân hàng ngày càng suy giảm, do tỷ lệ lãi ròng trên vốn tự có (ROE) còn 5-6% trong khi lúc cao nhất của chỉ số này là 15%, còn tỷ lệ lãi ròng trên tổng tài sản (ROA) cũng giảm rất mạnh còn 0,4% so với mức đỉnh là 1,1%.

Với nguồn lực tài chính suy yếu như vậy khiến các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro rất khó khăn nên khả năng xử lý nợ của ngân hàng cũng rất thấp và tín dụng cho BĐS dù tăng nhưng ngân hàng cũng rất thận trọng.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản và kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, tính đến đầu tháng 6/2014, lượng tồn kho bất động sản đã giảm mạnh do thị trường ấm lên thời gian qua. Trong đó, Hà Nội giảm 36% so với quý 1/2013 Tp HCM giảm 45%.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đánh giá: 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS mới “ấm” một chút và chỉ ở một số phân khúc.

“Số lượng dự án sôi động trên thị trường chỉ không quá 30 dự án, tức là chỉ chiếm 4% còn 96% dự án đắp chiếu.

Trong số 30 dự án thì có 20 dự án có giá bán dưới 1 tỷ đồng mỗi căn hộ, còn 10 dự án có giá bán từ 1,5-2 tỷ đồng mỗi căn”, ông Đực nhận định.

(Theo Infonet)