(VEF.VN) - Nợ xấu vẫn là tảng băng chìm khi quá nhiều con số được công bố vênh nhau đến cả trăm nghìn tỷ đồng. Dù đã được nhận diện nhưng việc xử lý cục máu đông nợ xấu vẫn còn khó khăn. Trong khi các ngân hàng vẫn báo lãi ngàn tỷ nhưng việc xử lý nợ xấu do mình gây ra lại đang ngóng chờ Chính phủ.
Thủ tướng đã chỉ đạo phải xử lý dứt điểm nợ xấu vào năm 2015. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, câu chuyện có vẻ đang dậm chân tại chỗ. Để giải quyết vẫn đề này vẫn còn nhiều công việc ngổn ngang mà chưa biết bắt đầu từ đâu.

NH gây ra nợ xấu, mặc Chính phủ xử lý?

TS Nguyễn Thị Mùi, đại diện ngân hàng Vietinbank cho rằng: "Đã kinh doanh là phải có nợ xấu. Lỗi xảy ra nợ xấu không chỉ do doanh nghiệp, do ngân hàng mà còn do cơ chế chính sách và những bất ổn vĩ mô thời gian qua".

Tuy nhiên, khác quan điểm của bà Mùi, TS Quách Mạnh Hào, Chủ nhiệm Khoa Tài chính- ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội bức xúc chỉ ra điểm nghẽn khác của vấn đề chính là nằm ở ngân hàng.

Ông phản bác: "Nhiều ngân hàng đầu tư vào dự án dài hạn bằng tiền ngắn hạn rồi sa lầy trong một thời gian dài. Họ tìm cách huy động vốn bằng lãi suất cao. Về bản chất, tài sản sinh lời đã không có, huy đông vốn lãi cao thì tức là họ lấy tiền từ người này trả cho người khác. Với cách tiếp cận như vậy, có nên cứu không?".

Theo ông Hào, để xảy ra nợ xấu, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về ngân hàng. Nhưng thật nghịch lý khi các ngân hàng đang tiến tới mô hình "pozi" (lấy tiền người này trả cho người khác) thì lại đang ỷ lại vào chủ trương không để ngân hàng nào phá sản xem đó như một sự bảo lãnh.

"Nếu tôi là chủ ngân hàng thì đó quả là một sự bảo lãnh quá lớn, tôi sẵn sàng huy động lãi suất cao, mà không phải lo trách nhiệm gì!", ông Hào nhấn mạnh. Vì thế, vị chuyên gia này nói: " Bối cảnh hiện nay rất cần siết chặt tiêu chuẩn an toàn tài chính ngân hàng".

Ông Nguyễn Đình Lưu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bày tỏ lo ngại: "Nếu giờ hình thành công ty mua bán nợ quốc gia rồi chuyển hết nợ vào đây thì nguy hiểm, vì rủi ro đạo đức xảy ra lớn. Làm thế, các ngân hàng sướng quá, khỏi phải lo rủi ro, củng cố gì".

Còn mù mờ, làm sao có giải pháp?

Bà Dương Thu Hương, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng bày tỏ: "Kinh tế Việt Nam gặp khó khăn suốt từ 2008 đến nay nên nợ xấu là một điều tất yếu. Vì thế, cần bình tĩnh xử lý chứ không nên hốt hoảng".

Theo bà Hương, những khoản nợ đang được hoãn, giảm, giãn hiện nay chính là những khoản tiềm ẩn là nợ xấu trong tương lai. Cần tính nợ xấu đầy đủ, bao quát như vậy để xử lý đúng đắn. Còn số liệu mỗi nơi một kiểu mà vội đưa ra giải pháp thì đó là một cách làm kinh tế không thận trọng.

Có phần đồng tình với bà Hương, TS Vũ Đình Ánh cho hay, phải đi đúng quy trình, tìm ra căn nguyên của căn bệnh nợ xấu mới xử lý được.

"Vừa rồi, chúng ta công bố báo cáo tài chính DNNN, có tổng tài sản là 1,7 triệu tỷ đồng, tài sản nợ là 1 triệu tỷ đồng. Nhưng quan trọng nhất là trong số đó, có bao nhiêu nợ là vay ngân hàng, bao nhiêu nợ là nợ xấu? Đối với các ngân hàng thương mại, nợ của DNNN chỉ chiếm có hơn 16,9%. Trong khi đó, tôi được biết rằng, không dưới 30% nợ của ngân hàng là khoản cho vay đối với các DNNN". ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, vấn đề xử lý nợ là phụ thuộc vào việc làm rõ khối nợ xấu cơ cấu thế nào, hiện trạng ra sao. Chừng nào không làm rõ nguyên nhân vì sao nợ xấu của ta lớn như vậy thì chúng ta sẽ không thể xử lý được, dù chúng ta có đi học kinh nghiệm ở nước ngoài.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho hay nợ xấu khoảng 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ tại các ngân hàng thương mại. Cơ quan Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nêu ra con số nợ xấu là 202.000 tỷ đồng, tỷ lệ là 8,6% tổng dư nợ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố trước Quốc hội gần đây cho hay, tỷ lệ nợ xấu này là 10%. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tính toán, tỷ lệ nợ xấu là 11,8%. Còn theo nghiên cứu của TS Quách Mạnh Hào, Đại học Kinh tế Hà Nội, qua khảo sát thực tế thì nợ xấu có tỷ trọng từ 8,25-14,01% tổng dư nợ tín dụng trong ngân hàng thương mại.
Phạm Huyền