Căn biệt thự diễm lệ được ông Đảnh đặt theo tên con gái “Biệt thự Mai Hoa” này từng một thời là niềm hãnh diện của chủ nhân, cớ sao bây giờ lại là cơn ác mộng của chủ sở hữu.

Chiều cuối tuần, ông Đảnh, 56 tuổi, chủ nhân của căn biệt thự rộng hơn 3.000m2 ở xã Tân Đông Hội (Củ Chi) gọi điện trút bầu tâm sự. Gặp nhau tại thư phòng ở quận 1, ông Đảnh thở than: “Gần năm qua anh rao bán cái “của nợ” kia, chấp nhận lỗ hơn 2 tỉ nhưng vẫn không có ma nào nó mua. Em đi nhiều, coi có ông bà thầy nào mát tay coi cúng giúp anh để bán cho nhanh? Chứ kéo dài vầy, chắc anh chết!”.

Mua đất năm 2007 ở thời điểm thị trường nhà đất tại Sài thành cực thịnh, rồi đầu tư hơn 3 tỉ đồng xây dựng, tính theo thời giá lúc bấy giờ, căn biệt thự của ông Đảnh hơn chục tỉ đồng. Rộng thênh thang với hồ bơi, ao cá, vườn hoa, vườn rau cùng nội thất xa hoa. Căn biệt thự diễm lệ được ông Đảnh đặt theo tên con gái “Biệt thự Mai Hoa” này từng một thời là niềm hãnh diện của chủ nhân, cớ sao bây giờ lại là cơn ác mộng của chủ sở hữu?!

{keywords}

Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, nơi có nhiều đại gia khóc ròng vì những căn biệt thự tiền tỉ.

"Nuôi" nó oải quá trời

Ông Đảnh là đại gia trong ngành kinh doanh dược liệu và khoảng 5 năm gần đây ông chuyển hướng kinh doanh vi cá với yến sào, chuyên bỏ mối sỉ và lẻ cho các cửa hiệu kinh doanh 2 mặt hàng trên cho các khách sạn, nhà hàng hạng sang ở đất Sài thành. Lý do chuyển ngành từ dược liệu sang yến sào, vi cá của ông Đảnh, theo giải thích của ông, nhằm để đức cho con cháu đời sau!

"Dược liệu là thứ người ta uống vào cơ thể để chữa bệnh. Ai cũng biết nhiều loại nhập từ bên kia biên giới nhiễm độc, kém phẩm chất, bị rút chất, bị nhiễm chất này chất kia. Và ai cũng biết người bệnh uống vào mấy cái thứ cỏ cây ấy chuyện gì sẽ xảy ra… Nhưng ngặt nỗi không làm không được. Khách hàng cần mà mình không cung ứng họ sẽ lấy chỗ khác, vậy thì có nước dẹp tiệm”.

Sau gần 20 năm tung hoành trong lĩnh vực cỏ cây, ông Đảnh chuyển qua kinh doanh tổ yến, vi cá, ước mơ bấy lâu của ông: "Mình lấn sân sang kinh doanh tổ yến, vi cá cho nó sang. Rồi mua đất, xây cái biệt thự ước mơ, tự trồng trọt, chăn nuôi này nọ theo lối tự cung tự cấp, nói chung là dùng thứ mình tự tay nuôi trồng cho nó sạch. Có ở sạch, sống sạch thì mới mong trường thọ?".

Mua đất năm 2007, đầu tư tiền tỉ xây đi chỉnh lại đến năm 2010 mới hoàn thành, ngày tân gia, ông Đảnh mời nhiều anh em, bạn hữu đến chia vui. Những ngày đầu, cứ đến cuối tuần, ông Đảnh lại ới chiến hữu tụ tập bù khú. Nhưng ăn nhậu riết rồi cũng ngán, cuối cùng, chẳng ai chịu mò đến Củ Chi vào biệt thự Mai Hoa của ông. Bản thân ông cũng ít tới lui cái biệt thự mơ ước của mình.

"Ít tới lui, ít ăn chơi nhưng cái vụ gìn giữ, tu bổ, chỉnh trang nó thì không thể xao nhãng được. Mình phải thuê 2 người vừa trông coi, vừa làm vườn… Nhưng một ngày nọ, cả 2 đứa nó hè nhau "ôm" một mớ đồ mang đi. Sau đó mình về quê vợ ở Vĩnh Long tuyển 2 đứa cháu bà con, tụi này ở được một thời gian thì nói buồn quá, suốt ngày ở ru rú chẳng giao tiếp với ai nên đòi về quê. Mình lại tuyển một cặp vợ chồng khác cùng quê, ở được năm đầu rất Ok, sau đó cô vợ có bầu, nghe các thầy phong thủy nói có người sinh đẻ trong nhà là xui tận mạng nên mình cho nghỉ… Cũng từ đó, liên tục tuyển người nhưng chẳng có đứa nào vừa ý. Đứa nào giỏi lắm ở với mình chừng vài tháng thì biến mất tăm".

Nhưng ông Đảnh giải thích, lý do rao bán biệt thự không phải chỉ vì không tìm ra người giúp việc. Đã có lần ông suýt chết trong căn biệt thự kiêu hãnh của mình. Vốn có tiền sử về huyết áp, có lần ông bị “tăng xông” nằm vật ra giữa nhà. May là lúc đó đi cùng bà xã nên bà kịp ứng biến, chứ đi một mình gặp hai ông bà giúp việc lóng ngóng thì tiêu rồi? Ngặt nỗi vợ ông không biết lái xe, mà gọi xe cấp cứu thì lâu lắm mới tới. May gần đó có ông cũng chơi biệt thự, mấy bận giao lưu nên nghe gọi cầu cứu là chạy qua đưa ông đến Bệnh viện Củ Chi…".

Khi xây biệt thự, ông Đảnh tính tới chuyện đưa 2 cụ thân sinh của ông tuổi đã ngoài 80 đến biệt thự Mai Hoa an hưởng tuổi già. Nhưng sau vụ tai biến, ông mới thấy giải pháp đó thật bất an: "Ở thì thích thật đấy. Nhưng là lúc bình thường. Còn như có sự cố, tận Củ Chi thì khó xoay sở?".

Nguy cơ tội phạm dòm ngó

Quyết định bán biệt thự, ông Đảnh cho rằng, mai này về già, ông sống ở trung tâm thành phố cho chắc ăn. Và khi không còn cảm thấy hứng thú với cái biệt thự kia, ông thấy nó hiện là gánh nặng: "Tính ra tiền mua đất, tiền xây dựng, rồi bao tâm huyết đầu tư, mình đổ vào nó khá bộn. Với cái đà trên, giữ nó chẳng được tích sự gì vì giá đất sau khủng hoảng rớt thảm hại. Nói thì hơi quá, nhưng mà mình xây biệt thự là để… cho người làm nó hưởng chứ mình có hưởng mấy đâu? Muốn hay không thì tháng tháng, mình phải tốn hơn 30 triệu đồng trong việc thuê người trông coi… Mệt mỏi, tốn kém quá chừng nên quyết định bán là vậy. Ngặt nỗi treo bảng bấy lâu nhưng chẳng ma nào thèm ngó tới?".

Ông Đảnh chỉ là một trong rất nhiều đại gia đất Sài thành đang đau đầu với những căn biệt thự trị giá nhiều tỉ đồng từng một thời là niềm háo hức, hãnh diện vô bờ và nay thì đúng nghĩa là… "của nợ". Nhưng thế vẫn còn là đỡ. Nhiều đại gia chán biệt thự, rao bán biệt thự vì lý do khác… làm "mồi" cho tội phạm?

Được ông Đinh Trung Dũng, Giám đốc Công ty Trung Dũng - Nam Sài Gòn, giới thiệu, tôi ghé khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, gặp bà Trâm A., 52 tuổi, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP HCM. Sau gần 2 năm rao bán và mỏi mòn chờ đợi, nhờ được ông Dũng mai mối, bà Trâm Anh đã bán được căn biệt thự kín cổng cao tường với giá thấp hơn giá rao bán đến cả tỉ đồng. Người ta bán nhà với số tiền bị lỗ như thế thì buồn, đằng này bà Trâm A. lại rất vui.

Lý do như bà nói là từ đây, bà đã chính thức thoát khỏi cơn ác mộng bị trộm cướp, con nghiện rình rập: "Hồi mua đất rồi đầu tư xây dựng, nói thật tôi vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp lắm. Ở thành phố mà có đuợc căn biệt thự sát bờ sông, không quá xa khu trung tâm, ai mà không khoái. Nhưng ở đây sợ quá, tội phạm nó rình rập suốt ngày đêm, ớn lạnh quá!".

Khi tôi đến, bà Trâm A. đang cùng người giúp việc lo dọn đồ để 2 tuần nữa giao nhà cho khách. Bên chiếc bàn đá đặt dưới một cây lộc vừng đại thụ có nguồn gốc từ Hà Tĩnh được đưa vào Sài Gòn với giá gần 200 triệu đồng, trong gió chiều lồng lộng, bà Trâm A. chép miệng bảo, lẽ ra bà không tiếp khách vì bà sợ điều mình chia sẻ thực lòng sẽ càng khiến bà khó bán biệt thự: "Nhưng bây giờ thì Ok thôi, người mua biết rất rõ thực trạng nhưng vẫn cứ mua, họ mua thì tôi bán. Việc mua bán đã công chứng rồi, tiền đã nhận đến 95% nên chẳng có gì phải ngại nữa…".

Nói đến đây, bà Trâm A. tặc lưỡi kể ti tỉ mối lo của bà quanh vấn đề tội phạm. Bà nói bây giờ còn đỡ, chứ vài năm trước, tội phạm trộm cắp, hút chích cứ lởn vởn đến rợn người: "Hở ra là tụi nó vào khoắng đồ. Có nhà bị trộm canh đường đi nước bước, vào khoắng sạch sành sanh… Vì đặc thù nghề nghiệp, mình hay đi dạy về tối, mỗi lần như thế, dù đi xe ôtô nhưng vẫn cứ lo vì đường vào khu dân cư tối om, vắng vẻ. Lần nào cũng vậy, xe dừng trước cổng nhà mình cũng lo. Mỗi lần bấm chuông là phải huy động 2 người ra "yểm trợ" vì sợ bọn xấu rình lúc mình mở cửa để ập vào? Chuyện này rất dễ xảy ra vì khi lên cơn nghiện, chúng có sợ gì đâu?".

Gì chứ tình hình tội phạm ở khu dân cư Bắc Rạch Chiếc báo chí đã từng đề cập nhiều. "Ai cũng biết bọn trộm bây giờ toàn bọn nghiện ngập, lại rất manh động. Vào nhà mình nó trộm, nó đi thành băng nhóm có bọc lót, cản địa, có tổ chức đàng hoàng. Nó vào nhà mình, đeo mặt nạ, cầm dao, mình biết nhưng không dám truy hô vì sợ bị nó đâm chết" - ông Bùi Văn Cứ, Tổng giám đốc Công ty Hoa Dược Thảo, có căn nhà "3 tấm" tại khu đô thị mới Dĩ An (Bình Dương), lúc ghé chơi, kể chuyện ông từng bị trộm viếng nên có mối ám ảnh không kém gì bà Trâm A.!

Và bỏ của chạy lấy người…

Tập trung nhiều biệt thự nhất là ở khu vực Đông Sài Gòn gồm quận 9 và Thủ Đức. Ngoài ra, khu vực quận 7 và huyện Nhà Bè với địa hình nhiều sông rạch mát mẻ cũng được các đại gia chọn đất xây biệt thư, villa: "Lúc ban đầu, chủ nhân của các căn biệt thự tại các địa phương kể trên mua đất, đầu tư công sức, tâm huyết đổ tiền của xây biệt thự chẳng ai nghĩ sẽ đến lúc bán đi. Nhưng khi biệt thự xây xong, dọn về ở, họ mới thấm đòn! Ngoài lý do khá phổ biến khủng hoảng kinh tế xảy ra, làm ăn thua lỗ phải bán, nhiều chủ nhân của villa, biệt thự ven đô rao bán căn nhà kiêu hãnh của mình vì "nuôi" nó quá tốn kém, vì sợ lúc ốm không cấp cứu kịp thời vì quá xa bệnh viện… và cả sợ mình làm mồi cho tội phạm?".

Ông Đinh Trung Dũng, phân tích như thế và điểm lại 2 vụ trộm tấn công các biệt thự ven đô chỉ trong một đêm xảy ra gần đây để minh chứng cho điều mình nói là có cơ sở: "Ngày 24/10 vừa qua, trộm "viếng thăm" ngôi biệt thự của bà L.T.N. ở mặt tiền đường số 61, phường Tân Kiểng (quận 7) phá két sắt ở phòng ngủ lấy số tài sản ước tính 1,5 tỉ đồng… Cũng trong đêm 24/10, trộm "ghé thăm" biệt thự số 1 của ông H.V.C., 56 tuổi, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, phá két sắt trên lầu 1 lấy 30 lượng vàng SJC, 20 ngàn USD cùng vòng vàng nữ trang tổng trị giá gần 2 tỉ đồng".

{keywords}

2 căn biệt thự bị trộm đột nhập trong cùng một đêm.

Cả 2 vụ trên từng được cơ quan ngôn luận thông tin, trong đó, vụ trộm tại biệt thự số 1, bọn trộm trước khi gây án đã ma mãnh vô hiệu hóa camera và chuông báo động, gây án xong còn "tặng" lại cho gia chủ một cây… xà beng. Trước đó, bọn trộm cũng đột nhập vào nhà ông T.M. ở phường An Phú, quận 2 phá két sắt ở phòng ngủ lấy 170.000 USD cùng nhiều lắc tay, vòng đeo tay, dây chuyền vàng…

Sợ hãi, không an tâm, cảm giác ám ảnh rồi cũng sẽ đến lượt mình bị bọn trộm ghé thăm, thế là nhiều chủ nhân rao bán biệt thự mà với họ giờ đây là “của nợ”: "Nhưng không phải ai rao bán là bán dễ dàng. Giá trị của biệt thư quá lớn, lại không hợp với xu thế nên rất khó bán. Trong khi các căn biệt thự ở vùng ven còn khó bán như thế thì nói chi đến biệt thự ở các huyện xa như Bình Chánh, Củ Chi hay ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương…? Khi đã thấm đòn, và từ kinh nghiệm thương đau của những người đi trước, hiện xu hướng mua đất xây biệt thự ngoại ô đã không còn là xu thế thời thượng ở Sài thành nữa.

"Mới đây tôi tiếp nhận một khách hàng bán nhà phố trên đường Lê Quý Đôn (quận 3) ra mua biệt thự ở Khu Thảo Điền (quận 2). Ở được vài tháng, oải quá nên ông nọ quay về đòi mua lại chính ngôi nhà mình vừa bán nhưng người chủ mới khước từ dù ông chấp nhận trả chênh hơn 1 tỉ đồng lúc bán" - ông Đinh Trung Dũng, trò chuyện!

(Theo An Ninh Thế Giới)