Trong khi nhiều nhà nghiên cứu khoa học đang loay hoay trong các phòng thí nghiệm, vật lộn với mớ giấy tờ, bản vẽ thì anh nông dân Trần Đại Nghĩa (45 tuổi), ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình lại sáng chế thành công chiếc máy cấy lúa không động cơ hết sức gần gũi, thực tế và tiện ích.

Anh Nghĩa nói, chiếc máy cấy chỉ như một phần trong giấc mơ giúp người nông dân nhàn hạ trên cánh đồng mà anh ấp ủ bấy lâu. Hơn hết, anh muốn minh chứng cho mọi người thấy rằng, với bất kỳ việc gì nếu thực sự đam mê thì sẽ đem lại thành công...

{keywords}

Anh Trần Đại Nghĩa đang hướng dẫn công nhân chỉnh sửa những khâu đoạn kỹ thuật của máy cấy

Thích vác cày cuốc hơn ôm vô-lăng

Tìm về xã Đông Hoàng, hỏi thăm “Nghĩa máy cấy” chẳng mấy ai không biết. Người trong xã nhắc đến anh Nghĩa như một niềm tự hào của vùng quê lúa. Không tự hào sao được khi anh Nghĩa là một trong 6 đại diện tiêu biểu nhất của cả tỉnh Thái Bình đi dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội.

Hôm chúng tôi đến, anh Nghĩa đang mải tiếp một đoàn khách ở Hải Phòng. Họ đến đặt mua gần chục chiếc máy cấy không động cơ trong xưởng, giá đòi trả cao gấp 2, 3 lần đơn giá ấn định. Lẽ thường, ai thấy khách mua nhiều, trả giá cao ngất ngưởng sản phẩm của mình thì đều thích thú.

Thật không may, hành động “khoe tiền”, chen ngang mua máy của họ bị chủ xưởng khước từ. Anh Nghĩa bán cho họ duy nhất một chiếc, đúng giá niêm yết. Đoàn khách ấy lên xe rồi vẫn lầu bầu, trách cứ anh tính tình “lạ”, chê tiền, không biết chiều người mua.

Vãn hồi chuyện, anh Nghĩa cười hiền giải thích: “Ai đến đặt hàng trước thì bán cho trước, tôi không thích làm ăn theo kiểu chen ngang. Ai cũng như họ thì những người nông dân đã đặt hàng làm máy trước cả 2, 3 tháng biết đến khi nào mới có máy dùng”.

Nghe xong mới thấy, những lời của người dân Đông Hoàng khi “khoe” về tính cương trực, trọng uy tín của “Nghĩa máy cấy” chẳng mấy sai chệch.

Nghe kể, anh Trần Đại Nghĩa sinh ra trong gia đình thuần nông. Khi còn là học sinh, bố đi bộ đội, kinh tế chỉ cậy trông vào dăm sào ruộng cằn, hơn ai hết Nghĩa thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của mẹ trên đồng lúa.

Khi ấy, trong suy nghĩ đơn thuần của Nghĩa là mai này lớn sẽ làm ra thứ gì đó giúp những nông dân một nắng hai sương như mẹ đỡ vất vả. Học hết lớp 9, Nghĩa nghỉ ở nhà phụ giúp ông nội làm mộc. Lớn hơn một chút, anh học thêm nghề sửa chữa điện tử.

Năm 2001, ở xã Đông Hoàng có chương trình tu nghiệp sinh cho người vừa học, vừa làm tại Hàn Quốc, anh Nghĩa mạnh dạn nộp đơn đăng kí. Anh trúng tuyển.

Anh Trần Đại Nghĩa kể: “Tôi thấy người nông dân Hàn Quốc làm việc sướng lắm chứ không vất vả như bên mình. Họ chủ yếu sử dụng máy móc hiện đại như máy cấy nên không mất nhiều sức mà lại cho năng suất cao. Năm 2005 về nước, tôi không thấy động cơ nào có thể phù hợp cho việc chế tạo của mình nên việc chế tạo máy đành gác lại”.

Cũng theo anh Nghĩa giải thích, đặc thù ruộng đất ở Việt Nam khác nhiều so với Hàn Quốc, nếu cứ “bê” nguyên mẫu máy giống nước bạn thì hiệu quả đem lại không cao, giá thành cũng ở ngưỡng “chót vót”, thu nhập thấp như nông dân không thể mua được.

Tháng 1/2009, anh tiếp tục bắt tay vào vẽ thiết kế chế tạo máy cấy. Anh Nghĩa nói, nếu chế tạo máy cấy có động cơ thì giá thành mỗi chiếc vô tình sẽ bị đẩy lên cao, thân máy nặng nề, thiếu linh hoạt vì thế anh “rẽ hướng”, chế tạo một sản phẩm không động cơ.

Thời gian này, anh đang làm nghề lái taxi, công việc khá ổn định. Nhưng để thỏa đam mê của mình, anh bỏ nghề. Nhiều người trông cảnh ấy nói anh Nghĩa “gàn dở”, bởi chẳng ai công việc đang ổn định lại bỏ ngang, hàng ngày ra cuốc ruộng không thì lại lang thang ở các cửa hàng sắt vụn để nhặt nhạnh sắt thép, linh kiện.

Nhắc chuyện này, anh chỉ cười nói: “Nhiều người nói tôi hâm, ôm vô-lăng chả sướng lại thích vác cuốc”.

Dù đã tính toán kỹ nhưng không ít lần chiếc máy anh Nghĩa lắp ráp thất bại. Máy cấy hoạt động không được như ý muốn. Trải qua nhiều tháng cần mẫn, cuối cùng chiếc máy cấy không động cơ, vận hành bằng sức kéo, nặng 24kg của anh cũng ra đời.

Kỳ cạch được một thời gian thì bà con phát hiện việc anh chế tạo máy, song họ cũng không biết là máy gì, hỏi thì anh hóm hỉnh đáp rằng “máy làm sướng đàn bà, khổ đàn ông”.

{keywords}

Hiện đơn đặt hàng máy cấy không động cơ đã ghi đầy một cuốn sổ, xưởng sản xuất của anh Nghĩa hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường

Mong bà con nông dân bớt khổ

Theo đó, chiếc máy cấy không dùng động cơ của anh Trần Đại Nghĩa trông vẻ ngoài đơn giản đến không ngờ. Dẫn chúng tôi quan sát trực tiếp sản phẩm bao năm ấp ủ, anh giảng giải: “Máy tôi chế tạo dài 820mm, rộng 1000mm, cao 500mm, cùng lúc có thể cấy được 4 hàng, khoảng cách có thể tự điều chỉnh theo ý muốn.

Do máy nhỏ gọn nên dễ dàng di chuyển trên các địa hình ruộng khác nhau, từ người già đến con trẻ đều có thể điều khiển dễ dàng”.

Theo tìm hiểu, với phương pháp cấy lúa truyền thống, một lao động thạo việc có thể đạt năng suất 1 sào cấy/ngày công. Như vậy, nếu tính trung bình, gia đình có 5 sào ruộng sẽ phải có 5 lao động cấy, hoặc bỏ thời gian gần một tuần mới cấy phủ kín ruộng.

Cần nói rõ, nếu thời gian cấy càng kéo dài thì nguy cơ sâu bệnh và chậm trễ tiến độ mùa vụ càng cao, khó đảm bảo năng suất nông sản được đồng đều. Trong khi đó, với chiếc máy cấy không động cơ, sau khi trải qua thực nghiệm của Nghĩa thì năng suất lao động có thể đạt từ 5-8 sào Bắc bộ/ngày.

Hơn nữa, so với giá thành chung, máy cấy không động cơ có giá thành rẻ gấp nhiều lần các loại máy đang bày bán trên thị trường hiện nay. Cụ thể, giá một chiếc máy “bãi” siêu rẻ như hiện tại được bán khoảng từ 8-15 triệu đồng thì máy cấy do anh Nghĩa chế tạo giá thành chỉ nhỉnh hơn 3 triệu đồng.

Nếu so ra, mức giá này hoàn toàn phù hợp với nguồn tài chính của nông dân, giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, năng suất thu lại cao, thân thiện với môi trường.

Dạo quanh hơn chục chiếc máy cấy đang trong khâu đoạn lắp ráp, căn chỉnh kỹ thuật tôi chợt hỏi anh Nghĩa: “Khâu đoạn nào anh thấy khó nhất”. Chẳng chút giấu giếm anh đáp: “Khó nhất là phải thiết kế làm sao cho máy nổi trên mặt ruộng nhẹ nhất có thể và cò mổ mạ, gieo vừa tầm yêu cầu phát triển của cây non”.

Máy cấy của anh Trần Đại Nghĩa đến nay được ứng dụng khắp các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang... với số lượng hiện không dưới 1.000 chiếc. Hiện nay, anh Trần Đại Nghĩa đã đầu tư cơ sở sản xuất máy cấy rộng 300m2, trang bị máy móc chuyên dụng. Cơ sở thường xuyên tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 3-10 triệu/người/tháng.

Nhìn xưởng sản xuất ai nấy đang tất bật với công việc anh Nghĩa bảo: “Nông dân các nơi đến đặt hàng nhiều quá, anh em thợ trong xưởng làm không xuể. Qua thực tiễn tôi sẽ tiếp tục cải tiến hơn nữa chiếc máy của mình, dần khắc phục những sai số kỹ thuật, chỉnh sửa cho hoàn chỉnh hơn nữa”.

Thoáng chút ưu tư, ngước nhìn ra cánh đồng lúa anh thở dài: “Hôm rồi, tôi tình cờ phát hiện một cơ sở nhái sản phẩm của mình. Họ bán ra với giá thành thấp hơn, lại mượn hình ảnh quảng cáo lung tung, lừa người tiêu dùng rằng họ là “đại lý” phân phối.

Nói thực, với người sáng chế không chuyên như tôi chỉ có duy nhất niềm đam mê kĩ thuật, công nghệ nhằm mục đích gia tăng năng suất, giúp anh nông dân như mình bớt khổ chứ chuyện kinh doanh, bảo hộ nhãn hiệu thì mù tịt”.

Thì ra, công năng của chiếc máy cấy mà anh Nghĩa sáng tạo đã được thực tiễn chứng thực, hiệu quả của máy ai cũng thấy, song trăn trở thì chưa phải đã hết. Nghe nhiều người khuyên, anh Trần Đại Nghĩa cũng cất công đi xin bảo hộ độc quyền sản phẩm của mình. Vậy nhưng, qua đôi bận chỉnh đi, sửa lại thì việc vẫn chưa dứt.

Anh thật thà bày tỏ: “Chúng tôi chỉ quen lao động chân tay. Giờ bảo tôi mang máy đến, cấy thử và nói quá trình chế tạo thế nào thì được chứ bảo viết bản mô tả sáng chế thì bằng đánh đố”.

Trăn trở chuyện “bảo hộ”

Không chỉ có anh Nghĩa, hiện trên khắp cả nước còn có rất nhiều người nông dân cũng đang tìm cách cải tiến thiết bị, sáng chế ra rất nhiều máy móc, phương tiện thiết thực phục vụ cho những yêu cầu ngày càng cao của sản xuất nông nghiệp.

Ví dụ, mới đây ở Khoái Châu (Hưng Yên), “lão nông” Lê Văn Đáo là người mới học hết lớp ba nhưng dày công mày mò, tìm hiểu, chế ra được thuốc trừ sâu từ thảo dược có thể uống và không độc hại cho con người. Đáng mừng hơn, ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) có ông Phu Vần Khón, chế tạo thành công hàng loạt máy móc, nông cụ “siêu nhẹ” như máy tuốt lúa, máy cày, bơm nước... từ động cơ xe máy, phục vụ hữu hiệu cho việc sản xuất nông nghiệp trên cao nguyên đá.

Ở Chương Mỹ (Hà Nội) cũng có anh Tạ Đình Huy chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1”... tất cả những “nhà sáng chế chân đất” này đều có những sản phẩm tiện ích, tuy nhiên họ lại vấp phải nhiều khó khăn trong công tác bảo hộ sáng tạo. Xem ra, việc lo bảo vệ quyền lợi cho thành phẩm còn nhọc nhằn hơn nhiều so với việc họ tự vắt óc, mày mò nghiên cứu.


(Theo PLVN)