Thiết bị thông minh ‘thay da đổi thịt’ đồng ruộng Hậu Giang

Tại  ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), ông Võ Văn Trưng là người đầu tiên trồng dưa lưới theo mô hình nhà lưới. Với 3.000m2, trong gần 5 năm qua nhờ trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, ông đạt thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả mô hình sản xuất dưa lưới của ông Trưng, có 12 nông dân nơi đây đã tham gia hình thành HTX dưa lưới Thuận Phát với diện tích sản xuất 9.000m2, thu nhập mỗi năm gần 2 tỷ đồng (4 vụ/năm).

{keywords}
Ông Võ Văn Trưng trong vườn dưa lưới công nghệ cao

Đến nay, mô hình trồng dưa lưới (giống Nhật và Isarel) trong nhà lưới đang nhân rộng khắp tỉnh Hậu Giang. Nông dân đã ứng dụng hệ thống tưới thông minh tự động, theo nhu cầu tiêu thụ nước của dưa lưới bằng điện thoại thông minh, quản lý phân bón dinh dưỡng dưa lưới bằng điện thoại thông minh như cảm biến, nhiệt độ, pH và độ ẩm đất. Đồng thời, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm tiểu khí hậu của môi trường bằng điện thoại thông minh qua cảm biến không khí đặt trong nhà lưới, theo nhiệt độ và độ ẩm của môi trường xung quanh cũng như theo nhu cầu nhiệt độ và độ ẩm của dưa lưới.

Cùng với đó, các tổ phun thuốc dịch vụ bằng máy bay theo nhu cầu của nông dân đã được thành lập, sử dụng 10 máy bay phun thuốc; đến nay đã phun trình diễn và dịch vụ trên 1.000ha. Như vậy chỉ với khoảng 10 “phi công” thành thạo trong vận hành bay phun, đã phần nào giải quyết tình trạng khan hiếm nhân công (nhất là trong khâu phun thuốc bảo vệ thực vật).

{keywords}
 Máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng lúa Hậu Giang

Theo ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay trên cây lúa là một giải pháp vừa tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất và mang lại hiệu quả cao. “Theo các chuyên gia dự báo, thời gian tới sản xuất nông nghiệp tất yếu sẽ sử dụng các thiết bị tương tự để gia tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp”, ông nói.

Chuyển đối số để phát triển kinh tế số nông nghiệp Hậu Giang

Ông Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã làm “thay da đổi thịt” cho ngành nông nghiệp tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số đã thu được không ít thành công, nhất là tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, việc ứng dụng công nghệ số trên sàn giao dịch điện tử đã góp phần tích cực trong việc tiêu thụ và thu mua hàng hóa nông sản cho người dân. 

{keywords}
Nông sản Hậu Giang đắt khách tại các siêu thị TP.HCM

Thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng WedGIS; đã xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang”. Ngành kiểm lâm tỉnh đang triển khai phần mềm QGIS để theo dõi, cập nhật diễn biến rừng hàng tháng, quý và năm. Ngành thủy lợi lắp đặt 10 trạm quan trắc để đo mặn tự động. Ngành thủy sản ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin - sản xuất và tiêu thụ cá tra, cũng như phần mềm VAHIS và hệ thống báo cáo dịch bệnh trên thủy sản. Ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật ứng dụng phần mềm PPDMS trong công tác báo cáo điều tra, phát hiện sinh vật gây hại trên cây trồng…

5 năm tới, ngành nông nghiệp Hậu Giang tập trung xây dựng bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành, trang bị phần mềm quảng bá sản phẩm nông nghiệp Hậu Giang và các sản phẩm OPCOP, xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, qua các dự án giúp nông dân chuyển đổi số và ứng dụng linh hoạt để nâng cao giá trị nông sản.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Công nghệ sẽ giúp nâng cao năng suất và giá trị, nhờ vào hệ thống canh tác theo quy mô và quản lý hiệu quả. Với nỗ lực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong nông nghiệp, Hậu Giang sẽ phát triển mạnh mẽ kinh tế số nông nghiệp, nông thôn thời gian tới.

Minh Ngọc