- Gần đây, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại một số tỉnh, thành bị lừa mua phải loại vàng kém chất lượng. Tình trạng này khiến người dân lo lắng, nhất là khi vàng giả được làm một cách tinh vi, khó nhận biết bằng mắt thường, thậm chí còn “qua mặt” được máy soi.

Liên tiếp phát hiện vàng giả

Thông tin vàng được làm giả tinh vi tại Hạ Long (Quảng Ninh) đang gây hoang mang dư luận. Anh T.Q.P, chủ một tiệm vàng ở phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long kể trên báo Tuổi Trẻ, anh mua 7 lượng vàng nguyên liệu từ 2 người khách. Hơ qua lửa đèn khò thấy sản phẩm không bị đen mà chỉ hơi sạn, anh nghĩ đó là vàng thật kém chất lượng nên mua. Sau đó, kết quả phân kim cho thấy, vàng này chỉ có 50% vàng nguyên chất, 50% là vonfram.

Anh Đ., chủ một tiệm vàng khác ở Hạ Long cũng mua phải 3 lượng vàng kém chất lượng. Trên báo này, anh Đ. cho biết dùng đèn khò thấy có sạn trong vàng. Khi nấu nguyên cục, lật ngược, anh thấy có màu trắng, đổ lại lại thành vàng nguyên khối, đưa vào máy đo quang phổ không ra kết quả.

Đây không phải là lần đầu có thông tin về vàng giả. Trên thị trường, cả trong và ngoài nước, những thông tin về vàng giả cũng đã xuất hiện.

{keywords}

Một số miếng vàng rởm đã qua mặt được các chủ cửa hàng vàng bạc.

Theo báo Người Lao Động, cách đây vài năm, tình trạng vàng nữ trang giả, độn lõi bằng tạp chất như nhôm, đồng, kẽm... xuất hiện khiến thị trường vàng loạn chất lượng. Tình trạng này khá phổ biến làm nhiều chủ tiệm cầm đồ, cầm vàng bị "dính quả" vì chỉ kiểm tra bằng phương pháp thông thường như đánh đá, axít,…

Bên cạnh đó, tình trạng vàng nhái thương hiệu một cách tinh vi vẫn tồn tại. Các đối tượng chỉ giữ lại phần đai, kiện khắc tên thương hiệu, phần vàng còn lại của món trang sức được cắt bỏ và thay bằng vàng kém tuổi, vàng đểu,… rất khó phát hiện. Điển hình là vụ việc Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC trong một phiên giao dịch năm 2013 đã mua vào một miếng vàng SJC loại 1 lượng bị làm nhái.

Vàng giả không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn bị phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo trang Business Insider, năm 2012, những nhà buôn sành sỏi ở New York cũng bị dính quả lừa khi mua phải loại vàng giả được đóng gói tinh vi như hàng thật. Những kẻ lừa đảo đã làm giả bằng cách mua miếng vàng thật của công ty uy tín có in rõ ràng số seri, hộp đựng, giấy chứng nhận. Sau đó, họ khoét rỗng ruột bên trong để nhét miếng kim loại rẻ tiền vào và dập đúc lại.

Một số kẻ xấu đã lợi dụng uy tín của các thỏi vàng Thụy Sĩ để tiến hành khoét rỗng các thỏi vàng này và thay thế vào đó là volfram. Vào năm 2013, một thỏi vàng như vậy đã được phát hiện tại Anh.

Mấy năm trước, một công ty Trung Quốc công khai rao bán trên mạng loại vàng miếng giả có vỏ là vàng, nhưng ruột là volfram.

Vàng giả tinh vi, làm sao phát hiện?

Với hơn 20 năm kinh doanh cầm đồ, ông T.V cho biết trên Người Lao động: “Thủ đoạn của các bọn lừa đảo ngày càng tinh vi, chất liệu làm vàng giả ngày càng cao siêu nên máy móc hiện đại nhiều lúc cũng chào thua”.

{keywords}

Dùng đèn khò để phân biệt vàng thật, giả là cách được nhiều chủ tiệm vàng áp dụng

Thực tế, theo giới chuyên gia, loại vàng​ nói trên không phải vàng giả, mà chỉ là vàng bị pha tạp (không nguyên chất). Song, từ trước đến nay, người Việt Nam vẫn mặc định vàng 9999 mới là vàng thật, nên những loại pha tạp hoặc có tỷ lệ vàng thấp bị coi là giả.

"Làm vàng giả rất dễ vì người ta có thể lợi dụng tính chất lý hóa của nguyên tố vàng để độn thêm nguyên tố Vonfram nhằm tạo ra loại vàng giả giống hệt vàng chất lượng 999 hoặc 9999", ông Vũ Minh Châu - TGĐ Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu - khẳng định trên báo Tầm nhìn.

Giáo sư Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý vàng và Trang sức Việt, chia sẻ trên trang Zing: một số nguyên tố có thể pha với vàng để tạo ra vàng không nguyên chất là kẽm, niken, bạc, chì, song phổ biến hơn cả là vonfram (một dạng kim loại có trọng lượng tương đương với vàng).. Tỷ lệ pha chế sẽ tùy theo chất lượng của từng thỏi vàng giả.

Về phương thức làm vàng giả tinh vi, ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty Vàng Agribank, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết trên trang Zing, vonfram được nghiền dưới dạng bột rất mịn và được trộn khi vàng nóng chảy. Sau đó, lớp bọc bên ngoài là vàng nguyên chất. Thông thường, tỷ trọng giữa vàng và vonfram không được quy định, dao động 50:50, 60:40, 70:30… Tỷ trọng kim loại trộn kèm càng cao, vàng càng kém nguyên chất.

Theo ông Trúc, cách làm giả này thực ra không khó vì khi nghiền vonfram dưới dạng bột thì mỗi hạt chỉ có kích thước vài micromet được trộn vào vàng đang nóng chảy, sau đó được bọc vàng nguyên chất thì khó có thể phát hiện ra.

Hiện nay, hầu hết các tiệm vàng đều áp dụng phương pháp dùng đèn khò đốt để phân biệt vàng thật, giả được. Nhưng, theo các chuyên gia, cách này thường không chính xác 100%.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, những cách phân biệt vàng thật, giả thường được áp dụng là tỷ trọng, huỳnh quang tia X và phân kim. Với vàng trộn vonfram theo cách như trên, phương pháp tỷ trọng khó có thể phát hiện ra. Thậm chí, việc dùng huỳnh quang tia X đôi khi cũng không phát hiện được vàng nguyên chất hay pha trộn vì tia này chỉ bắn được chuyên sâu dưới 1 mm, không vào được lớp có bọc vonfram. Do vậy, cách tốt nhất là cần cắt thỏi vàng ra, dùng lửa khò thật kỹ. Nếu như vàng tan mà vẫn còn lớp bột ráp bám trên bề mặt cắt thì nhiều khả năng là vàng đã bị pha trộn kim loại khác.

Còn theo Giáo sư Phan Trường Thị, cách để nhận biết độ nguyên chất của vàng nhanh và chính xác nhất là đo bằng máy phân tích, phân kim.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)