"Chi thường xuyên của chúng ta tăng nhanh quá, chi tăng cao hơn thu. Ngân sách khó là đúng thôi", Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chia sẻ như vậy chiều 30/12 tại hội nghị tổng kết ngành tài chính.

Kiểm soát bội chi: Chưa đạt mục tiêu

Không chỉ là nguy cơ giá dầu tiếp tục sụt giảm làm hụt thu ngân sách, nợ công tăng nhanh và bội chi ở mức lớn đã trở thành những vấn đề nghiêm trọng nhất đe doạ cân đối ngân sách năm 2016.

{keywords}
Bội chi vẫn còn cao, chưa thực hiện được mục tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ 5 năm

Chia sẻ tại hộị nghị tổng kết của Bộ Tài chính chiều 30/12, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận xét: "thu năm nào cũng vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước nhưng cân đối ngân sách lại vẫn căng thẳng, khó khăn. Bội chi vẫn còn cao, chưa thực hiện được mục tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ 5 năm", Phó thủ tướng Ninh nói.

Ông đặt câu hỏi: "Có vấn đề gì ở đây?. Đề nghị phải xem lại, tỷ lệ động viên thu như vậy đã hợp lý chưa? Cơ cấu chi ngân sách đã hợp lý chưa".

Và ông chia sẻ: "Qua xem báo cáo, chi thường xuyên của chúng ta tăng nhanh quá. Chi tăng cao hơn thu, ngân sách khó là đúng rồi. Báo cáo nêu nhiều nơi còn lãng phí, chưa tiết kiệm, chưa chặt chẽ".

Bội chi ngân sách Nhà nước ước 226.000 tỷ đồng, bằng 5% GDP. Nợ công năm 2015 ước bằng 61,3% GDP, trong đó, nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP, nằm trong ngưỡng cho phép.

Ông cũng dẫn chứng, cả nước đang có 55.800 đơn vị sự nghiệp công. Có một thực tế là tỷ trọng chi lương trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong tổng số chi tiền lương hiện nay lớn, chiếm tới 39%, tính tại thời điểm cuối năm 2014. Trong khi đó, tiền lương các cơ quan hành chính từ Trung ương tới xã phường chưa đến 9%. Nếu cứ trông chờ vào ngân sách thì rất khó".

Đảo nợ vì vay không đủ trả

Cùng đó, "nợ công của chúng ta cũng tăng nhanh. Đó là do yêu cầu đầu tư phát triển nên là dễ hiểu, vì nếu không tăng nhanh thì chúng ta đã không có hạ tầng như ngày nay. Nhưng trong cơ cấu nợ công hiện nay, nợ trong nước có thời hạn ngắn, lãi suất cao, gây nên áp lực căng thẳng trong việc trả nợ", ông Ninh phân tích tiếp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ: "Năm 2012-2013, kinh tế khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện lộ trình an sinh xã hội. Khoản này chiếm tới 68-69% dự toán chi. Cùng với tăng lương, chính sách cho người có công nên chi thường xuyên tăng quá nhanh".

{keywords}
Chậm tiến độ, một kiểu lãng phí không có thuốc chữa.

Khó khăn của ngân sách được ông mô tả tiếp: "Nếu không có vay, không có mượn, thu đến đâu chi đến đó thì sẽ chẳng có gì phải lo lắng cả. Nhưng với sức ép nhu cầu phát triển của đất nước, Nghị quyết của Trung ương yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nên chúng ta phải đi vay, đi mượn, như vay cho làm đường sá, điện, cho nông thôn đổi mới".

Một đại biểu Quốc hội đã tính, 5 năm qua, mỗi năm "vay hơn 200.000 tỷ đồng bù bội chi, cộng lại là 1 triệu tỷ đồng, cộng thêm 300.000 tỷ đồng phát hành Trái phiếu Chính phủ nên tổng nợ tới 1,3 triệu tỷ. Giai đoạn 2012-2013, nhiều khoản vay ngắn hạn chỉ 3 năm, thậm chí 1 năm, có nhưng khoản lãi suất hơn 13% nên rất nguy hiểm cho sức ép trả nợ.

"Vừa rồi, chúng ta đã cơ cấu lại khoảng 60.000 tỷ đồng nợ, lãi suất thấp hơn, thời hạn vay dài hơn", ông Dũng cho biết.

Phó Thủ tướng Ninh đã yêu cầu, Bộ Tài chính phải nghiên cứu, phân tích đánh giá kỹ lưỡng để tái cơ cấu lại ngân sách, đặc biệt là cơ cấu lại chi thường xuyên, đồng thời, cơ cấu lại nợ để phải làm sao nợ công quay về lành mạnh và an toàn.

Ứng phó dầu thô giảm

2015, ngân sách dự toán kịch bản giá dầu thô 100 USD/thùng, nhưng thực tế, giá dầu bình quân cả năm chỉ đạt 55-56 USD/thùng, giảm 45%.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói: "Chưa biết bao giờ giá dầu mới phục hồi trở lại nhưng hiện tại, đã thấy giảm. Kế hoạch đặt ra cho năm 2016 là 60 USD/thùng, nhưng ngay lập tức, hôm qua và đến giờ, giá đã giảm sâu hơn. Chưa biết, giá dầu còn giảm nữa không?".

"Thu nội địa sẽ phải làm sao tăng 7-8%. Tôi tính nhẩm, phải cỡ đó mới đủ bù khoản thiếu hụt nguồn thu từ dầu", Phó Thủ tướng đề nghị.

Theo nhẩm tính nhanh của ông, thu nội địa ước năm nay đạt gần 800 nghìn tỷ, tăng 7% tương đương tăng thu thêm 56.000 tỷ. Đây là con số vừa khớp với kịch bản thu ngân sách nếu như giá dầu rớt xuống 40 USD/thùng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, trong phương án điều hành ngân sách hiện nay, Bộ đã tính tới các kịch bản giá dầu về mốc 30-35 USD/thùng. Ước tính con số hụt thu ngân sách sẽ rất lớn.

Phạm Huyền