Từ một tỉnh thuần nông, Quảng Nam ”lột xác” thành một tỉnh công nghiệp dịch vụ. Ngân sách từ nguồn thu chỉ có hơn 150 tỷ đồng đã đạt tới con số 20.000 tỷ đồng.

“Để đạt được những thành tựu kinh tế đó nếu không có sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam cũng như doanh nghiệp đồng cam cộng khổ suốt 20 năm qua khó có được mùa “quả ngọt” hôm nay”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu tâm sự.

{keywords}

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chứng kiến lễ kỹ kết với đối tác nước ngoài của Trường Hải Chu Lai sản xuất máy nông nghiệp

Công nghiệp đóng vai trò then chốt

Ông Thu nhớ lại: Ngay sau chia tách tỉnh năm 1997, Quảng Nam vẫn còn là tỉnh thuần nông, hạ tầng kinh tế còn nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo quá cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, lại liên tiếp bị thiên tai, lũ lớn trong 2 năm liên tục (1998,1999) gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân và sự phát triển chung của tỉnh.

{keywords}

Nhà máy lắp ráp ô tô Trường Hải Chu Lai là ngành công nghiệp mũi nhọn của Quảng Nam tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

“Từ một trong các tỉnh nghèo nhất nước, đến nay Quảng Nam đã đứng vào top các tỉnh phát triển khá, có quy mô nền kinh tế tăng gấp nhiều lần, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Diện mạo của tỉnh đã có bước thay đổi vượt bật”, ông Đinh Văn Thu khẳng định.

{keywords}

Công nghiệp chế biến thủy sản tại Quảng Nam

Kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng nhanh. Sau 20 năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP năm 2016 tăng 14,73% so với năm 2015. Tốc độ tăng bình quân (1997-2016) đạt 10,9%/năm. Quy mô nền kinh tế đạt gần 69 nghìn tỷ đồng gấp 27 lần năm 1997.

{keywords}

Đầu tư xây dựng thủy điện tại miền núi

Cơ cấu kinh tế chuyển đổi từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ, tạo tiền đề cơ bản để phát triển thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp trong GRDP tăng từ 50% năm 1997 lên 88,1% năm 2016, khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 11,9%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 80,5% xuống còn 48% năm 2016; lao động phi nông nghiệp tăng từ gần 19,5% lên trên 52%.

{keywords}

Công nghiệp may dày da giải quyết việc làm

Để đạt được thành quả hôm nay, lãnh đạo qua các thời kỳ ở Quảng Nam đều xác định: Công nghiệp Quảng Nam đóng vai trò then chốt đưa nền kinh tế phát triển bền vững.

Bắt đầu từ khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc tạo tiền đề cho công nghiệp Quảng Nam phát triển và sau đó là Khu Kinh tế mở Chu Lai - Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước hình thành với nhiều cơ chế thu hút đầu tư như mãnh đất lành thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Những doanh nghiệp tiên phong

Một trong những doanh nghiệp đầu tiên đặt chân đến Khu kinh tế mở Chu Lai và xây dựng nhà máy bây giờ trở thành một tổ hợp lắp ráp ô tô lớn của cả nước là Thaco Trường Hải Chu Lai.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaco Trần Bá Dương cho biết, Chu Lai năm 2003 mới chỉ là một vùng đất cát hoang hóa. Bằng tấm lòng và cơ chế thoáng mở mà chính quyền và người dân Quảng Nam mời gọi, nên chỉ một năm sau nhà máy lắp ráp ô tô hình thành đi vào hoạt động để đến bây giờ hơn 16 năm đã hình thành nên một tổ hợp sản xuất ô tô lớn của cả nước.

Không chỉ ô tô Trường Hải mà hàng loạt nhà đầu tư đổ tiền vào Khu kinh tế mở Chu Lai xây dựng nhà máy.

Từ khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam bứt phá đi lên bằng công nghiệp với đóng góp trên 43% GRDP năm 2016 và đạt 84.000 tỷ đồng (giá so sánh 2010) gấp 84 lần so với năm 1997, bình quân tăng 25%/năm.

Trưởng Ban Khu kinh tế mở Chu Lai Đỗ Xuân Diện cho rằng, từ khi Khu Kinh tế mở Chu Lai hình thành và đến nay điều chỉnh mở rộng dọc khu ven biển từ Núi Thành đến Thăng Bình và khu đô thị mới Nam Hội An mở ra cuộc ”cách mạng” mới không chỉ công nghiệp mà tập trung phát triển dịch vụ đang được đầu tư xây dựng với nguồn vốn hơn 5 tỷ USD.

Đó là chưa kể dự án khí điện đã và đang biến thành hiện thực trong Khu kinh tế mở Chu Lai vừa mới ký kết với nhà đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ với tổng nguồn vốn đầu tư 10 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Trường Hải Chu Lai sẽ tiếp tục đầu tư nguồn vốn hơn 3 tỷ USD để xây dựng một trung tâm ô tô của quốc gia và tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động tại Quảng Nam.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, công nghiệp chế biến phát triển đã đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 613 triệu USD, gấp gần 70 lần so với năm 1997, tăng 23,6%/năm; kim ngạch nhập khẩu năm 2016 đạt 1.686 triệu USD gấp hàng trăm lần so với 1997. Trong đó nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm trên 80%.

Trả lời câu hỏi điều gì giúp Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chỉ sau 20 năm ”lột xác” thành một tỉnh công nghiệp dịch vụ, ông Đinh Văn Thu khẳng định: Đó là tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo và sự đồng tình nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam với doanh nhiệp và nhà đầu tư đã tạo nên những kỳ tích sau 20 năm chia tách.

Vũ Trung