Dọc ngang những vườn rau xuyên Việt, chúng tôi tìm hiểu nghịch lý nơi này rau rẻ lại ế, nơi khác rau đắt không đủ đáp ứng nhu cầu của thực khách và sự gian nan của rau sạch trên đường ra thị trường.

Rau thịt bẩn: Ai là người chết trước?

Tỉnh Đắk Lắk hiện có vài nghìn hecta chuyên canh rau, cung ứng rau xanh cho trên 1,8 triệu dân.

Trong đó, phường Khánh Xuân ngoại thành Buôn Ma Thuột có hợp tác xã (HTX) Thuận Hòa được chọn triển khai thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn đầu tiên theo chứng nhận VietGap từ năm 2009 đến nay.

An toàn ... tương đối

Dù đã được lãnh đạo tỉnh hỗ trợ, Sở NN&PTNT hướng dẫn xây nhà sơ chế, bể chứa chất thải vật tư, gian hàng bán rau, tập huấn, xây dựng mô hình, tổ chức hội thảo v.v... nhưng đầu ra cho rau an toàn vẫn gặp khó.

Nông dân thiếu cả vốn lẫn quyết tâm, nhà chức trách thiếu giải pháp giúp tiêu thụ quảng bá, còn người tiêu dùng vừa hoài nghi độ sạch sản phẩm, vừa chi li túi tiền, nên rau an toàn vẫn cứ bị các loại rau nguồn gốc mù mờ, giá rẻ đánh bật ra khỏi các quầy hàng, siêu thị.

{keywords} 

Trò chuyện với tôi giữa những luống rau xanh mượt, ông Dương Văn Hiền kể: Trồng rau cực như nuôi con mọn.

Ba, bốn giờ đêm đã phải dậy hái rau cho kịp sáu giờ sáng thương lái tới thu gom tại nhà, hoặc tự chở đi bán cho các đầu nậu. Rồi về tiếp tục làm vườn, xuống giống, tưới rau, bón phân, bơm thuốc, đúng nghĩa một nắng hai sương.

Hiện các loại rau thông thường như xà lách, mùng tơi, tần ô (cải cúc) bán tại vườn chỉ 4.000-4.500đ/kg. Vậy mà giá các loại rau không rõ nguồn tại chợ đầu mối lại còn rẻ hơn nhiều, rất khó cạnh tranh.

Chúng tôi đến các nhà vườn chuyên trồng rau gia vị, giá nhỉnh hơn một chút, nhưng chẳng ăn thua. Vườn ông Lê Văn Huân rau thơm đủ loại tốt bời bời.

Được giá nhất là rau quế, 12.000đồng/kg, các loại khác như tía tô, kinh giới, rau răm chỉ 6-10 nghìn đồng.

Đầu tư công phu nhất là vườn rau rộng 8.500 m2 của ông Đàm Đức Ngọc. Ông Ngọc rời Bắc Giang vào định cư ở phường Khánh Xuân trồng rau tới nay đã 11 năm.

Vườn quây lưới tứ bề, lắp giàn tưới phun mưa, cả 5 lao động miệt mài từ sáng tới tối cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu.

Ông Ngọc than: Giá rau rẻ quá! Trong khi công phụ hồ, kéo dây hiện cỡ 250-300 nghìn đồng/ngày, công làm vườn rau ông thuê chỉ có thể trả 130 nghìn đồng, không bao cơm.

Ông Ngọc đã được tập huấn, tham quan cách làm rau VietGAP ở Lâm Đồng, nên cố bảo đảm độ an toàn cho rau bằng cách mỗi đợt thu hoạch xong là phun ngay thuốc trừ sâu vào gốc,

10 ngày sau mới cắt rau bán tiếp, hy vọng nước phun tưới đã rửa sạch thuốc trên rau. Thỉnh thoảng, nhà chức trách xuống lấy mẫu phân tích, cấp giấy chứng nhận.

Bà Cẩm Lai, phó phòng Kinh tế UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Rau này chỉ đạt độ an toàn rất... tương đối, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với các loại rau trồng nơi ô nhiễm, bị tưới bằng nước pha nhớt, lạm dụng hóa chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật, xanh mềm, đẹp mắt giá rẻ song rất dễ khiến người tiêu dùng ngộ độc.

Người Nhật trồng rau trên đất Việt

Nhiều người còn nhớ Shiokawa Minoru-chàng sinh viên chuyên ngành bảo vệ môi trường người Nhật sinh năm 1983, từng quyết tâm gắn bó với cao nguyên Đắk Lắk để sản xuất rau hữu cơ, bán cho “giới tiêu dùng thông thái”.

Bỏ ra suốt 4 năm cải tạo trên 5.000m2 đất thuê ở phường Ea Tam, nội thành Buôn Ma Thuột, cùng rất nhiều cố gắng liên kết, tập huấn hàng chục hộ nông dân các xã huyện, tới năm 2014 Shiokawa Minoru mới thiết lập được một đường dây khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ.

Những giỏ rau củ còi cọc nhưng tươi sạch, tuyệt đối không có dư lượng thuốc trừ sâu hay hóa chất được vận chuyển về TPHCM, chấp nhận doanh thu không đủ bù chi phí để quảng bá, tiếp thị.

Dần dà, rau hữu cơ của Shiokawa đã được cộng đồng người Nhật ở Việt Nam chú ý.

Càng nhiều mối hàng, áp lực đáp ứng càng lớn. Shiokawa ngã bệnh, phải điều trị cả năm trời. Bây giờ, "Nicoyasai” nghĩa là “rau cười” vẫn còn, do kỹ sư Nguyễn Phước Thiện tiếp quản, điều hành, mỗi ngày xuất bán gần 2 tấn rau cho thị trường TPHCM.

Shiokawa lấy kinh nghiệm từ Đắk Lắk làm bệ phóng để tiếp tục “cuộc cách mạng xanh” theo kiểu riêng anh tới các vùng đất khác, như Măng Đen (Kon Tum), Hội An (Quảng Nam) và Ba Vì (Hà Nội).

Ông Motoosa Katayama 67 tuổi, quê nhà ở vùng đất thuần nông Ehime (Nhật Bản). Tại quê, ông sở hữu 25 ha rau quả, có kinh nghiệm hơn 40 năm về nông học hữu cơ.

Đầu năm 2008, Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo phi lợi nhuận Nhật Bản Motoosa Katayama đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk để xin phép đặt một cơ sở đào tạo nông nghiệp hữu cơ tại TP Buôn Ma Thuột, được tỉnh cho mượn 5.000m2 đất trong 30 năm.

Từ đó, ông ở VN nhiều hơn ở Nhật, nhằm truyền bá kiến thức, kỹ năng cho bất kỳ nông dân nào có nhu cầu.

Ngày đầu tháng 4/2016, tại trang trại rau phường Tân Hòa, ngoại thành Buôn Ma Thuột, giữa các công nhân đang tíu tít thu hoạch, đóng gói các loại rau đậu, ông Motoosa Katayama kể cho chúng tôi nghe vì sao ông tự nguyện gắn bó với nơi này.

Ông đã tìm hiểu xuyên Việt, nhận ra Buôn Ma Thuột có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng đặc sắc giúp rau có hương vị thơm ngon hơn nhiều vùng đất khác.

Để người tiêu dùng làm quen dần với sản phẩm rau hữu cơ, ông Motoosa thuê thêm vài hecta đất, thuê hàng chục nhân công canh tác và liên kết với nông dân cùng sản xuất, chấp nhận bán giá thấp và bù lỗ.

Ví dụ, sáng nay trên vườn, ông bán đậu cô ve, cải xanh, mùng tơi giá 16.000-18.000đ/kg cho một số khách hàng trung lưu ở nội thành Buôn Ma Thuột, vậy là đã đắt gấp rưỡi, gấp đôi so với giá rau thiếu an toàn, còn thực giá rau đậu hữu cơ để có chút ít tiền lời sau khi trừ chi phí, phải lên tới 40.000-50.000đồng/kg.

Ông Motoosa phải trích nguồn tiền tiết kiệm suốt đời của mình bù đắp vào hoạt động Cty mỗi tháng cả trăm triệu đồng.

Từ năm 2015 tới nay, ông gây dựng được mạng lưới tiêu thụ khá ổn định, một số mặt hàng bắt đầu được giới thiệu với thị trường Nhật như sợi bầu sấy khô, hồ tiêu, nấm mèo v.v... Cty mới gọi là bắt đầu kinh doanh nhưng vẫn chưa hết bù lỗ.

Ông Motoosa tâm sự: Tôi hy vọng Cty ngưng lỗ từ tháng 6/2016, để khi chuyển giao xong nghề sản xuất rau hữu cơ cho nhiều bạn trẻ Việt Nam tôi sẽ trở về Nhật sống những ngày cuối đời bằng lương hưu.

Rau cao cấp

Một trường hợp hiếm hoi trong số hàng trăm người trồng rau sạch, không bị phá sản, lại còn phát triển lớn mạnh trong lĩnh vực rau hữu cơ là ông Nguyễn Bá Hùng.

Ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành nông học hữu cơ tại Pháp, đem công nghệ trồng rau sạch trên vỉ xốp trong nhà kính về áp dụng tại Việt Nam từ hơn 20 năm trước.

Ông Hùng cho biết, với nhu cầu tiêu thụ không ngừng tăng, thay vì phải mở rộng diện tích đất, ông đã nâng chiều thẳng đứng canh tác rau trong nhà lưới lên 5 tầng, cao 4,5m, trồng được 176 giống rau tất cả đều là giống nhập ngoại.

Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rau hữu cơ của khách hàng cao cấp, từ các hộ gia đình trung lưu, người nước ngoài ở Việt Nam, các nhà hàng, khách sạn 4-5 sao.

Hiện rau ông bán ra có 6 loại đóng gói theo kỹ thuật “rau ngủ”, tức ngay sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch, đóng gói vào bao nylon vô trùng, tăng khí cacbon giảm khí ô xy nhằm hạn chế quá trình trao đổi chất.

Trong trạng thái đó, không cần dùng bất cứ chất bảo quản nào rau vẫn bảo tồn trọn vẹn vitamin, tươi nguyên suốt một tuần.

Đắt giá, đắt hàng nhất trong 176 loại rau TS Bá Hùng đang trồng là xà lách ớt, hơn 170.000đồng/kg vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thực khách giàu sang.

TS Bá Hùng luôn bận rộn, vì ngoài việc trồng rau, ông còn giảng dạy tại một số trường đại học trong và ngoài nước, nhằm quảng bá kiến thức về cách làm ra các sản phẩm hữu cơ tăng chất lượng sống người dân.

(Theo Tiền Phong)