Từ 1/1/2016, khoảng 58 mặt hàng và nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ sẽ được ưu tiên rót tiền từ Ngân sách Nhà nước, từ động cơ, hộp số cho đến, bu lông, ốc vít hay cúc áo, sợi chỉ, khoá kéo,...

Sau 7 năm triển khai với gần chục lần bàn thảo, Nghị định về công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ ký ban hành hôm 3/11, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016. Kèm theo đó là một danh sách 6 nhóm ngành có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên.

Trong đó, ngành dệt may có 7 loại mặt hàng như xơ, sợi, vải, chỉ may, cúc, khoá kéo, băng chung.

Ngành da giày có 7 mặt hàng, gồm vải giả da, da thuộc, đế giày, mũi giầy, chỉ may giầy, keo dán giầy, khoen, móc.

Ngành điện tử có 9 mặt hàng, gồm pin máy tính, pin điện thoại, dây cáp điện, đèn led, tai nghe, màn hình, loa,...

Ngành sản xuất ô tô có 19 mặt hàng và nhóm hàng ưu tiên như các loại cần gạt nước, ghế xe, kính chắn gió, phanh, lái, ắc quy,...

{keywords}

Ngành cơ khí chế tạo sẽ có 8 loại mặt hàng ưu tiên như khuôn mẫu, dao cắt, bu lông, ốc vít, ổ bi,...

Cuối cùng là nhóm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao, gồm 8 nhóm mặt hàng ưu tiên như các cụm linh kiện, cảm biến, động cơ thế hệ mới,...

Tất cả các gói ưu đãi trên sẽ được thực hiện thông qua Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, do Chính phủ thành lập với nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước và huy động thêm từ các nguồn khác. Bộ Công Thương sẽ lên dự toán cụ thể để trình Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT.

Theo dự thảo ban đầu của Nghị định này, Bộ Công Thương đã từng đề xuất lập Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn lên tới 30.000 tỷ. Trong đó, vốn điều lệ do Ngân sách cấp trong 3 năm khoảng 2.000 tỷ đồng. Song, ý tưởng này đã không được chấp thuận nên có thể số kinh phí sẽ ít hơn.

Nghị định cũng nêu rõ, tham gia Chương trình này, doanh nghiệp sẽ được tài trợ một phần kinh phí nếu tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có ứng dụng mang lại hiệu quả cao.

Đặc biệt, các dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu,... doanh nghiệp có thể được tài trợ tối đa tới 50% kinh phí cho dự án và tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu.

Thậm chí, doanh nghiệp có thể được Nhà nước hỗ trợ tối đa 75% chi phí chuyển giao công nghệ ở các dự án sản xuất vật liệu sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm chế biến sâu khoáng sản trong nước.

Chưa kể, doanh nghiệp cũng được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành về giao đất, thuê đất, chuyển giao công nghệ, được ưu tiên tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hỗ trợ chi phí đăng ký thương hiệu, tham gia triển lãm hội chợ trong và ngoài nước,... từ chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nhà nước, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng, thuế giá trị gia tăng.

Để xác nhận ưu đãi, các doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương nơi đặt dự án hoặc gửi Bộ Công Thương. Kết quả xét duyệt sẽ có trong vòng 30 ngày làm việc.

Phạm Huyền