Tại TPHCM, hoa quả Thái Lan đã tràn ngập thị trường. Nhiều gia đình ưu tiên sử dụng gạo Thái Lan thay gạo Việt Nam vì sợ gạo Việt Nam có hóa chất. Hàng xuất xứ Thái Lan đang đứng thứ 2 về số lượng mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.

Tự nông dân Việt Nam đang đẩy nông sản Việt ra khỏi thị trường

“Thị trường nội địa không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt Nam. Sản phẩm của Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam với thuế suất bằng 0% khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành”, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho biết tại Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nội địa ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam.

Theo TS. Doanh, khi AEC có hiệu lực, mặt hàng sữa tươi, sữa chua của Việt Nam sẽ có khả năng trụ vững. Trong khi đó, mặt hàng sữa bột sẽ khó trụ vững.

Liên minh Châu Âu (EU) có chính sách trợ giúp người nuôi bò, mỗi người nuôi bò của EU được trợ giúp 1,5 Euro/ngày nên giá các mặt hàng phomat, sữa rất rẻ. Khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA VN – EU) có hiệu lực, những mặt hàng này sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Với các loại hình dịch vụ khác như hàng không, du lịch… doanh nghiệp Việt cũng sẽ chịu cạnh tranh gay gắt.

Điều đáng lưu ý, theo ông Doanh là chúng ta đang nhập rất nhiều hàng hóa của Trung Quốc. Theo số liệu ghi nhận, Việt Nam đang nhập của Trung Quốc nhiều hơn con số thống kê công bố 20 tỷ USD. Dù tính theo phương pháp nào, lượng hàng Trung Quốc qua biên giới Việt Nam cũng là quá lớn.

Tuy nhiên, với AEC, từ 1/1/2016, Trung Quốc sẽ không phải là nước duy nhất doanh nghiệp Việt cần phải dè chừng.

Với AEC, khi hàng hóa và dịch vụ dịch chuyển tự do, nguồn vốn dịch chuyển tự do, thậm chí nguồn lao động có tay nghề từ các nước ASEAN cũng di chuyển tự do sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt sẽ cạnh tranh với các nước ASEAN khác thế nào ?

Theo ông Doanh, tại TPHCM, hoa quả Thái Lan đã tràn ngập thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập rau quả của Thái Lan lên đến 132 triệu USD. Nhiều gia đình ưu tiên sử dụng gạo Thái Lan thay gạo Việt Nam vì sợ gạo Việt Nam có hóa chất.

“Việc lạm dụng hóa chất vào nông nghiệp của Việt Nam như chất tạo nạc là sự đầu độc một cách hợp pháp. Chất tạo nạc còn nguy hiểm hơn ma túy, vì ma túy chỉ người sử dụng mới bị đầu độc. Tự người nông dân đang đẩy hàng nông sản ra khỏi thị trường”, ông Doanh nói.

Thái Lan sẽ không còn đứng sau Trung Quốc?

{keywords}

Theo thống kê mới nhất của Bộ Công thương, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ 2, sau hàng Trung Quốc.

Hiện nay, các sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.

Theo Bộ Công thương, điểm lợi thế trong cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc và Thái Lan là đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh. Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức như dầu gội, sữa tắm, hóa mỹ phẩm đang được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Đáng lưu ý là, trong bối cảnh gần đây, Thái Lan cũng đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loại chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh.

Trước đó, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) đã ghi dấu ấn với thương vụ mua Metro dù chưa thành. Tập đoàn Central được biết đến qua việc khai trương trung tâm mua sắm Robins và thương vụ mua 49% cổ phần Nguyễn Kim. Với tham vọng mở rộng thị trường, Central cũng “suýt” mua lại siêu thị điện máy Pico, nhưng thương vụ này đã không thành.

Và tất nhiên, đi sau các nhà bán lẻ Thái Lan sẽ là các nhà sản xuất Thái. Về việc này, TS. Lê Đăng Doanh cũng từng cảnh báo: “Các siêu thị của nước ngoài sẽ ưu tiên tiêu thụ hàng hóa của họ và hàng hóa của các doanh nghiệp và hàng nông sản Việt Nam có nguy cơ bị đẩy ra khỏi siêu thị. Điều này sẽ gây sức ép rất lớn đối với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp Việt Nam”.

Chẳng những phủ sóng trên 8.600 chợ truyền thống khắp cả nước, hàng hóa Thái Lan còn được giới thiệu qua Triển lãm Bán lẻ Hàng Thái Lan hàng năm.

Trong một diễn biến khác, Saha Group, tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Thái Lan, đã đàm phán với các đối tác Nhật Bản về hợp tác mở rộng các dự án cung ứng dịch vụ và bất động sản tại Việt Nam trong năm 2016.

(Theo Trí Thức Trẻ)