Cùng với sự phát triển của dịch vụ kinh doanh online, nghề giao hàng - shipper ngày càng nở rộ. Cũng từ đây, có biết bao câu chuyện dở khóc, dở cười xảy ra.

Mấy năm gần đây, kinh doanh online đang là xu hướng được nhiều người áp dụng bởi tính tiện lợi, nhanh chóng của nó mang lại. Chỉ với một vài click chuột hay thỏa thuận đơn giản giữa người mua và người bán, giao dịch sẽ được thực hiện.

Lúc này không thể không kể đến người đảm nhiệm công việc chuyên chở hàng- shipper. Chỉ cần có phương tiện đi lại, thông thuộc đường phố, bất cứ ai cũng có thể trở thành người giao hàng. Đây là nghề “hot” được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là những bạn trẻ. Cũng vì thế, xoay quanh công việc của các shipper, có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, những tình huống oái oăm cười ra nước mắt.

Bị khách bùng hàng "như cơm bữa"

Xuân Hưng-một shipper lâu năm chia sẻ: “Làm nghề này, sợ nhất việc bị khách cho “bom hàng” và “cao su” giờ giấc”. Hưng cho biết bản thân đã từng gặp vô số tai nạn nghề nghiệp, đặc biệt là việc bị khách bùng hàng thì xảy ra “như cơm bữa”.

{keywords}

Chỉ cần những điều kiện cơ bản như có phương tiện đi lại, thông thuộc đường phố... ai cũng có thể trở thành shipper

“Có lần trời rét, mưa phùn, mình đi hơn chục kilomet từ bến xe Mỹ Đình đến chân cầu Vĩnh Tuy, đến nơi gọi điện cho khách thì khách hồn nhiên bảo: “Đợi tớ chút, tớ đang ngủ” rồi tắt máy. Đợi gần một tiếng đồng hồ không thấy đâu, mình quay về, đến đường Láng thì khách đó gọi: “Mình ngủ dậy rồi, cậu ở đâu?”. Thế là phải lặn lội ship lại để lấy 30 ngàn”, Hưng chia sẻ.

Đối với các “thượng đế” quái chiêu như vậy, các shipper cũng phải áp dụng đủ “mánh”. Bị khách boom hàng, “ leo cây” đến hơn một giờ đồng hồ. Phúc Khôi (Hà Nội) còn soạn hẳn “tâm thư” gửi khách hàng, nguyên văn tin nhắn của khôi : “Chị à, hôm nay bầu trời nông nghiệp thật đẹp, thoang thoảng hương thơm ngào ngạt từ nhiều loài hoa cùng chút gió bụi nơi miền quê dân dã, hòa lẫn vào chút hơi sương gió lạnh của những ngày gần Tết. Em từ bách khoa xuống đây mang theo niềm hồ hởi, hân hoan gặp người con gái nông nghiệp để đưa dùm một món hàng. Nhưng sao chị lỡ lòng nào không nghe máy bọn em. Bọn em dù sương gió vẫn cố đợi chị, mong chị hồi âm”. Sau hơn 2 giờ “phục kích” trước cửa nhà, cuối cùng khách cũng chịu ra lấy hàng.

Từ ship lời yêu đến "ăn tát" oan

Hàng hóa vận chuyển hết sức đa dạng, từ đồ ăn, quần áo, đến giấy tờ. Tuy nhiên, nhận đơn ship “lời yêu thương” như trường hợp của shipper Hoàng Tùng (Hà Nội) thì đúng là trường hợp hi hữu. Nguyễn.V.H cãi nhau với bạn gái, dùng đủ mọi cách mà bạn gái không nguôi giận, đến nhà thì không mở cửa, gọi điện thì tắt máy. Cực chẳng đã, H bèn bỏ 100 ngàn đồng, nhờ Tùng đến tận trường của bạn gái, nói hộ H: “Anh xin lỗi, anh yêu em, đừng giận anh nữa nhé”.

Cảm động với sự chân thành của người yêu, cô gái cũng nhờ Tùng ship lại lời yêu thương tiếp: “Được rồi, em chỉ bỏ qua nốt lần này thôi” cho H với giá 50 ngàn đồng. Tùng cười hóm hỉnh: “Ngày nào cũng được ship lời yêu kiểu này thì đúng là phát tài rồi”.

{keywords}

"Tâm thư" một shipper gửi cho khách hàng khi bị "bỏ bom"

Đặc biệt không kém là trường hợp ship thú nuôi của Hữu Tiến (Hà Nội). Khách hàng yêu cầu ship một chú chó to từ Xuân Đỉnh, Từ Liêm đi về nhà mới ở Nội Bài với giá 150 ngàn đồng. Chuyện không có gì đáng nói, nếu khách hàng không khăng khăng khẳng định, chó này rất khôn, tự ngồi xe mà không cần lồng. Ai ngờ, đi được vài trăm mét, chú chó không quen người lạ, bèn nhảy từ trên xe nhảy xuống rồi tự nhớ đường chạy về nhà, báo hại Cường tìm kiếm cả buổi sáng, còn lo lắng chó bị xe cộ đâm phải.

Oái oăm nhất có lẽ là trường hợp bị ăn tát oan của Bá Hữu (sinh viên đại học Thương mại, Hà Nội). Hữu nhận được một đơn giao đồ ăn cho một nữ sinh cấp 3, đến nơi, thì khách hàng buộc tiền vào dây, thả từ trên tầng 2 thả xuống, rồi yêu cầu Hữu buộc đồ để khách kéo lên. Đang loay hoay, bỗng bố cô gái chạy ra cổng, tát thẳng vào mặt Hữu, lôi vào nhà, nói chuyện.

Thì ra bố mẹ cô gái phát hiện cô gái này có quan hệ yêu đương, sợ ảnh hưởng đến chuyện học hành của con nên cấm đoán. Cô gái này phản đối bằng cách giả vờ “tuyệt thực”. Trước mặt bố mẹ thì không ăn uống gì, nhưng lại lén lút đặt mua đồ ăn online, và thả dây từ tầng 2 xuống để lấy mà không bị phát hiện. Bố cô gái trong nhà nhìn thấy, nhầm tưởng Hữu chính là người yêu cô gái nên mới xảy ra chuyện đánh nhầm như vậy.

“Mình phải giải thích hết nước hết cái, gọi điện cả cho chủ quán đồ ăn để xác nhận, bác ấy mới tin mình chỉ là người giao hàng”, Hữu chia sẻ.

Có thể nói, nghề giao hàng là nghề “hot” hiện nay, được nhiều người lựa chọn với mức thu nhập khá đáng kể. Tuy nhiên, khi làm công việc này, shipper luôn phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt và giải quyết những khó khăn, những tai nạn nghề nghiệp bất ngờ. Để có thể làm được điều đó và tồn tại lâu dài với nghề, uy tín, bản lĩnh, sự nhanh nhẹn, khéo léo luôn là những điều kiện cần thiết nhất.

(Theo giadinhvn)