Trong năm tuổi, không ít đại gia tuổi Mùi gặp vận hạn, thậm chí có người lao đao khi công ty dính vào những tin đồn thất thiệt.

Người lao đao

Theo tín ngưỡng Á đông, mỗi người thường gặp vận hạn năm tuổi. Điều đó có lẽ có phần đúng với một số đại gia tuổi Mùi trên thị trường chứng khoán. Năm Mùi kết thúc kéo theo sự “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng của đại gia tuổi Mùi.

Trong năm Mùi, cổ phiếu ô tô bứt phá mạnh mẽ. Những mã như HTL, TMT có tốc độ tăng tính bằng “lần”. Thế nhưng, cũng là cổ phiếu ô tô, HHS lại nằm ngoài đợt thăng hoa này. Đóng cửa phiên giao dịch 29/1, HHS giảm 1.700 đồng/CP, tương ứng 14,4% xuống 10.100 đồng/CP so với ngày 13/2/2015 – phiên giao dịch cuối cùng của năm Ngọ.

Như vậy, trong khi các đại gia ô tô khác có thêm hàng trăm tỷ đồng, ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy mất 88,77 tỷ đồng. Tài sản của ông Hạ chỉ còn 527 tỷ đồng. HHS khiến ông Hạ rớt xuống vị trí thứ 29 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

{keywords}

Ông Nguyễn Thành Nam và ông Đỗ Hữu Hạ là những đại gia tuổi Mùi chịu thiệt hại trong năm Mùi

Thời gian qua, Hoàng Huy là một trong những công ty gặp “vận đen” nhất trên sàn chứng khoán. Hàng loạt tin đồn thất thiệt xuất hiện khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu HHS, khiến HHS giảm sâu. Sau đó, Hoàng Huy công bố đại gia Thái Lan trở thành cổ đông lớn của công ty giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn. Tuy nhiên, đà hưng phấn của HHS không duy trì được lâu.

Ông Nguyễn Hồng Nam, người Công bố thông tin kiêm Phó Tổng Giám đốc và Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng là đại gia tuổi Mùi nức tiếng trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, giống như ông Hạ, ông Hồng Nam cũng chịu mất mát không nhỏ.

Hiện tại, ông Nam nắm giữ 2 cổ phiếu đang niêm yết là SSI và PAN. Sau 1 năm giao dịch, cổ phiếu SSI đứng nguyên ở mức 20.500 đồng/CP. Như vậy, giá trị cổ phiếu SSI do ông Nam nắm giữ đứng im ở mức 554 tỷ đồng.

PAN (Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN) mới chính là nguyên nhân khiến tài sản của ông Nam sụt sau khi giảm 4.300 đồng/CP xuống 30.000 đồng/CP. PAN “thổi bay” 8,2 tỷ đồng khỏi tài khoản của vị đại gia tuổi Mùi này.

Công ty cổ phần Hà Đô kinh doanh khá ổn định nhưng cổ phiếu HDG lại đi xuống trong năm Mùi. HDG giảm 4.200 đồng/CP xuống 25.600 đồng/CP. HDG lấy đi 22,89 tỷ đồng khỏi tài khoản của ông Nguyễn Văn Tô, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Hà Đô

Người “trúng” lớn

Trong khi khá nhiều đại gia tuổi Mùi hứng chịu mất mát, một số khác lại “trúng” lớn. Bà Đặng Thu Thủy, Thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) là đại diện tiêu biểu. Trong năm Mùi, cổ phiếu ACB tăng 2.900 đồng/CP lên 19.000 đồng/CP.

ACB giúp khối tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Thủy tăng 31,84 tỷ đồng lên 209 tỷ đồng. Bà Thủy đang đứng ở vị trí thứ 90 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Dù sở hữu khối tài sản khủng nhưng mẹ của Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB khá kín tiếng.

Tăng mạnh hơn ACB, cổ phiếu BCI tăng 5.700 đồng/CP lên 23.300 đồng/CP. Nhờ đó, vị đại gia tuổi Mùi Trần Ngọc Henri, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đầu tư xây dựng Bình Chánh có thêm 32,96 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (BII) không phải là “ngôi sao” trên thị trường chứng khoán nhưng ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty lại là một trong những đại gia tuổi Mùi giàu có nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Gần kết thúc năm Mùi, BII tăng 900 đồng/CP lên 10.900 đồng/CP giúp tài sản cả ông Dũng tăng 5,54 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong “năm tuổi”, có đại gia tuổi Mùi lao đao nhưng có người khá suôn sẻ trên con đường kinh doanh. Vì vậy, khái niệm “năm tuổi” không chính xác với tất cả mọi người.

(Theo VTC)