Trước “bão” dư luận chỉ trích giá cước taxi tại VN cao nhất khu vực, hơn cả thành phố đắt đỏ nhất thế giới - Singapore, PV đã có chuyến trải nghiệm thực tế tại chính quốc đảo này.

Taxi Sing du ký

Câu chuyện lùm xùm về giá cước taxi bắt đầu từ công bố chấn động của ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch thường trực - Tổng Thư ký Hội Thẩm định Giá Việt Nam, tại toạ đàm "Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng", diễn ra chiều 8/9 tại TP HCM.

{keywords}

Cước phí taxi tại Việt Nam bị cho là đắt đỏ nhất khu vực

Trong một nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp vận tải giảm giá thành, ông Thoả nhận định: "Với mức hiện nay, cước taxi ở Việt Nam đang cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực, hơn cả Singgapore - nơi có chi phí đắt đỏ bậc nhất thế giới".

Theo lời vị chuyên gia, mức giá taxi lại Singapore là khoảng 8.700đ/km (0,55 SGD). So với mức này, giá cước taxi tại Hà Nội đang cao hơn từ 26.4% đến 60% và ở TP HCM đang cao hơn tới 66.7% đến 78.2%.

{keywords}

Phó Chủ tịch thường trực - Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa nêu nhận định tại tọa đàm (ảnh: TBTCVN).

Trong khi vẫn còn loay hoay tìm cách "chung sống hòa bình" với mô hình taxi giá rẻ đến từ nước ngoài là Grap và Uber, thì tuyên bố trên giống như giáng thêm một đòn đau vào nỗ lực giành lại miếng bánh thị phần của các hãng taxi nội địa.

Để có cái nhìn khách quan về thông tin này, PV đã chọn Singapore, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, nơi được nhắc đến như một minh chứng hùng hồn về nhận định cho rằng người Việt Nam đang phải sử dụng dịch vụ taxi với giá “cắt cổ” để tìm hiểu.

Xét về một chừng mực nào đó, xứ bạn Singapore có nhiều điểm tương đồng Việt Nam (cụ thể là Thủ đô Hà Nội), khi những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống bỗng trở thành những món hàng quá sức đắt đỏ.

Cụ thể, nếu quy đổi ra tiền Việt, một căn hộ chung cư 70m2 ở Singapore loại "làng nhàng" có thể tới giá 7 tỷ đồng (ở Hà Nội khoảng 2 tỷ đồng), còn giá ô tô có thể gấp 2, thậm chí gấp 3 lần khi mua ở Việt Nam.

{keywords}

Ở Singapore, phương tiện công cộng và taxi rất phát triển bởi chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân

Singapore áp dụng đánh những mức phí "khủng" nếu ô tô muốn đi vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm. Đất nước nhỏ bé này cũng ban hành hàng loạt các thủ tục, thuế phí khác nhau nhằm ngăn cản người dân sở hữu phương tiện cá nhân.

Cũng cần nói thêm rằng, thu nhập bình quân của quốc đảo này cũng thuộc top đầu thế giới, gấp 21 lần Việt Nam (thống kê năm 2015).

Vậy, với mức cước phí được ông Thỏa dẫn chứng là chỉ là khoảng 8.700đ/km (0,55 SGD), thì đâu là nguồn thu chính để cánh tài xế của đất nước "phong thủy" này lọt vào top những người có thu nhập cao nhất thế giới? Chuỗi ngày trên đất bạn đã cho PV lời giải đáp.

Một nửa sự thật không phải sự thật

Tôi chọn hãng taxi Comfort để tiến hành chuyến trải nghiệm đầu tiên. Chiếc xe có màu vàng, thể hiện rằng đây là một hãng bình dân như các hãng khác có màu xanh hoặc đỏ.

Ở đất nước này taxi màu trắng thường sử dụng các dòng xe cao cấp của Đức như Mercedes, BMW hay Porches, phục vụ khách giàu có với chi phí cao gấp nhiều lần mức giá trung bình.

Quan sát thực tế cho thấy, mức cước 0,55 SGD/1km được ông Thỏa đưa ra trong buổi hội nghị là có cơ sở, tuy nhiên lại chưa đủ, bởi đó chỉ là một phần rất nhỏ trong bảng giá được niêm yết công khai trên cửa xe.

{keywords}

Tôi đã chọn đi thử quãng đường 1,5 km, xuất phát từ phố Havelook.

Thế nhưng, thay vì phải trả khoảng 0,825 SGD (~ 14.000 đồng) cho khoảng di chuyển trên theo đúng lý thuyết, tôi đã phải trả tới 9,48 SGD ~ 161.000 đồng, một số tiền cao gấp 10 lần nếu đi quãng đường tương tự ở Hà Nội.

Tuy nhiên, mọi thắc mắc đã lập tức được bảng giá niêm yết trên cửa xe và hóa đơn đã giải thích tất cả.

Theo đó, để được hưởng mức phí 0,55 SGD/1 km, khách hàng buộc phải đi qua km đầu tiên, hay còn gọi là km mở cửa với mức phí lên tới 3,7 SGD (~ 63.000 đồng). Thế nhưng, ngần đó chưa phải là tất cả.

Khách hàng sẽ phải trả thêm 25% trên tổng hóa đơn nếu thời gian di chuyển trùng vào giờ cao điểm với biên độ rất rộng và 50% nếu giờ đi là từ 12h đêm đến 5h sáng.

{keywords}

Bảng niêm yết giá taxi tại Singapore ghi chú rất rõ các mức giá

Và vào ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, hóa đơn sẽ tự "đội" thêm 3 SGD nữa, gọi là phí thành phố.

Với những ngày thời tiết xấu hoặc đường tắc, khách hàng cũng buộc phải trả phí cho sự chậm trễ của cánh lái xe với mức phí được tính 0,22 SGĐ cho mỗi 45 giây đợi chờ.

Chưa hết, để được phục vụ theo kiểu "xin cho một xe đến địa chỉ abc", khách hàng phải móc hầu bao thêm từ 2,3 SGĐ đến 3,3 SGĐ nữa gọi là "phí đặt xe".

Tiếp tục một trải nghiệm khác với hãng SMRT cho quãng đường dài gần 10 km, kết thúc hành trình, bác tài chừng hơn 50 tuổi đưa cho chúng tôi hóa đơn thanh toán 15,56 SGD. Nhẩm tính ra tiền Việt, số tiền này tương đương 264.000 đồng.

Là người dễ gần, người lái xe tên Mong See Kim cho biết, lái taxi là một nghề có thu nhập tốt ở Singapore, bởi nhu cầu đi lại của người dân là rất cao. Tuy nhiên, phần lớn họ đều trung tuổi vì khách hàng thích ngồi sau vô lăng những người chững chạc hơn thanh niên.

Hiện tại, Singapore có khoảng hơn 23 ngàn xe taxi của 6 hãng, có giá gần tương tự như nhau như Comfort, Premier, SMRT... Riêng của Comfort là hơn 13.000 chiếc.

Những chiếc taxi dù là của hãng bình dân, cũng thường là xe số tự động, đời cao và là niềm mơ ước của nhiều người dân Việt Nam như: Huyndai i30, Elantra, Kia K3, Toyota Altis...

Việc gọi taxi ở Singapore khá tiện lợi nhưng có lúc cũng toát mồ hôi, vì nếu gọi taxi ở khu trung tâm thì việc chờ đợi hơn 30 phút để được lên xe là hết sức bình thường. Không những thế, người gọi sẽ phải trả thêm nhiều loại chi phí khác nữa...

Một điều đặc biệt nữa là taxi tại đây được lưu thông với tốc độ khá cao, hầu hết đều từ 80 - 90 km/h. Bởi một lý do đơn giản, hệ thống giao thông gần như là đường một chiều, rất ít giao cắt, xung đột.

Tất cả các phương tiện cứ việc tuân thủ các quy định giao thông và đi đúng làn đường của mình...

Thực tế giá qua... internet

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam.

Trả lời câu hỏi "căn cứ vào đâu để nói giá cước taxi của Việt Nam cao hơn gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực, trong đó có Singapore”, ông Thỏa cho biết, ông trích trên trang web có tên là "Chi phí sinh hoạt toàn cầu".

Trước thông tin PV cung cấp rằng thực tế giá cước ở Singapore cao hơn rất nhiều với những gì thể hiện trên web, vị chuyên gia đáp ngắn gọn "đúng rồi", và từ chối bình luận về các tác động đã xảy đến với nền vận tải nước nhà sau nhận định của mình hôm 8/9.

(Theo Trí Thức Trẻ)