Mỹ lên cao kỷ lục, châu Á hồi phục

Đóng cửa phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ quay đầu tăng điểm, lấy lại phần lớn mức giảm điểm trong phiên liền trước và duy trì ở vùng cao lịch sử.

Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 tăng 0,1% lên 3.325,54 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,2% lên mức kỷ lục cao lịch sử mới: 9.402,48 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm nhẹ 0,1% sau khi mất 200 điểm phiên trước đó.

Diễn biến tích cực của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xoa dịu một số lo ngại xung quanh sự bùng phát bệnh viêm phổi liên quan tới tới chủng virus corona gây chết người, mà theo CNBC tới sáng 24/1 (giờ Việt Nam) đã có 800 người trên thế giới mắc phải và Trung Quốc xác nhận 25 người chết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện “còn quá sớm để xem sự kiện này là một trường hợp khẩn cấp về y tế toàn cầu”.

Hàng loạt các cổ phiếu hàng không Mỹ đã tăng trở lại. Cổ phiếu American Airlines tăng mạnh 5,4%, United Airlines tăng 1,9%. Trong khi một số cổ phiếu dược phẩm tăng giá rất mạnh. Cổ phiếu Inovio Pharmaceuticals tăng tới gần 12%.

{keywords}
Trung Quốc xác nhận 25 ca tử vong vì virus corona.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng tăng điểm nhẹ vào đầu phiên giao dịch sáng 24/1 do giới đầu tư tiếp tục cân nhắc những tác động của chủng virus mới lên nền kinh tế Trung Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài tuyên bố của WHO, chứng khoán châu Á tăng điểm một phần cũng do nhiều thị trường chứng khoán lớn tại khu vực này như Trung Quốc và Hàn Quốc đóng cửa trước kỳ nghĩ Tết Nguyên đán dài ngày bắt đầu từ thứ 7 tuần này.

Chỉ số Nikkei 225 đầu giờ sáng ngày 24/1 tăng 0,26%, trong khi S&P/ASX 200 của Úc tăng 0,3%.

Cho dù khuyến cao của Tổ chức Y tế Thế giới là sự bùng phát loại virus mới tại Trung Quốc chưa phải là một trường hợp khẩn cấp toàn cầu nhưng nhiều nhà phân tích và nhà kinh tế tin rằng sẽ có những phản ứng sốc nhưng “tạm thời” trên các thị trường tài chính thế giới.

Cho tới thời điểm hiện tại, còn quá sớm để đánh giá tác động lên nền kinh tế Trung Quốc, nhưng nỗi lo về một sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn đầu bởi Trung Quốc, đang tác động mạnh tới các thị trường hàng hóa như vàng, dầu và đồng…

{keywords}
Virus corona đã lan sang Hong Kong, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và cả Mỹ.

Thị trường hàng hóa chao đảo

Vào đầu giờ sáng nay, giá vàng thế giới tiếp tục tăng và đã vượt ngưỡng 1.560 USD/ounce.

Giá vàng thế giới tăng không chỉ vì nước Mỹ đang ồn ào với phiên tòa tại Thượng viện luận tội tổng thống Mỹ Donald Trump mà còn do dịch viêm phổi do virus corona diễn biến ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát tại Trung Quốc.

Theo SCMP, đã xuất hiện tình trạng quá tải tại các bệnh viện tại Vũ Hán. Trước đó, thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã rơi vào hoảng loạn sau khi chính quyền ra lệnh đóng cửa các sân bay, nhà ga, bến tàu còn các tuyến đường bộ thì tắc nghẽn do có quá nhiều người dân tìm cách rời thành phố này.

Cho tới nay, các ca nhiễm virus corona đã được phát hiện tại Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Macau, Singapore, Thái Lan và Mỹ. Còn tại Trung Quốc, có hàng trăm người mắc bệnh với 25 ca tử vong.

Trên CNBC, chuyên gia phân tích người tiêu dùng Mỹ tại UBS cho rằng dịch bệnh bùng phát đã làm gia tăng lo ngại về một đại dịch toàn cầu với khả năng tác động đến toàn nền kinh tế như dịch SARS hồi năm 2003.

Hồi năm 2003, dịch SARS đã gây thiệt hại 40 tỷ - 50 tỷ USD do người dân cắt giảm chi phí đi lại và chi tiêu. Còn năm 2014, dịch Ebola đã nhấn chìm TTCK Mỹ trong tháng 10. Nó khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm về phòng thủ bằng trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng.

{keywords}
Chứng khoán Hong Kong giảm mạnh khi có dịch và hồi phục mạnh mẽ sau khi SARS được khống chế.

Trong dịch bệnh corona lần này, các hợp đồng trái phiếu Kho bạc Trung Quốc tương lai tăng mạnh. Giới đầu cũng đồng loạt bán dầu khi virus cúm Vũ Hán lan rộng. Dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp bởi nguồn cùng tăng và những lo sợ về khả năng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu sẽ giảm. Dầu WTI giảm 2% xuống 55,6 USD/thùng, còn Brent giảm 1,9% xuống 62 USD/thùng.

Một số chuyên gia cho rằng, dịch bệnh corona sẽ khiến hoạt động đi lại suy giảm, số lượng các chuyến bay tại Trung Quốc và thế giới bị hủy bỏ ngày càng tăng và hoạt động kinh tế nói chung tại Trung Quốc cũng như thế giới sẽ thu hẹp. Nhu cầu về xăng dầu theo đó cũng suy giảm.

{keywords}
Nhiều người cho rằng "điều tồi tệ nhất chưa đến", nhưng cũng không ít chuyên gia cho rằng các thị trường sẽ hồi phục nhanh chóng sau khi dịch được khống chế.

Mặc dù tác động lên các thị trường hàng hóa và tài chính là khá mạnh, nhưng theo nhiều chuyên gia trên CNB, lịch sử cho thấy tác động sẽ là ngắn hạn, ảnh hưởng chủ yếu là về mặt tâm lý, chứ không phải là những tác động tiêu cực kéo dài lên các nền kinh tế và các thị trường.

Dịch bệnh SARS hồi 2003 đã có tác động khá mạnh lên các thị trường nhưng sau đó các thị trường cũng hồi phục rất nhanh ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Dịch corona lần này được cho là tác động trực tiếp tới thị trường châu Á nhưng ít ảnh hưởng tới các thị trường Mỹ.

M. Hà