Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 41/2018 quy định về hoạt động thẻ NH, có hiệu lực từ ngày 18-2-2019. Một trong những nội dung đáng chú ý tại thông tư này là NHNN đưa ra lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip (thẻ gắn vi mạch điện tử).

Cụ thể, hiện cả nước có hơn 85 triệu thẻ ATM đang lưu hành. Theo lộ trình của NHNN, trên 25 triệu thẻ ATM sẽ phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang thẻ chip vào cuối năm 2019. Hạn cuối cùng của việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM đang lưu hành trên thị trường từ thẻ từ sang thẻ chip là cuối năm 2021.

Sử dụng thẻ chip để hạn chế mất tiền

Nhiều chuyên gia cho rằng việc đẩy nhanh chuyển thẻ ATM sang công nghệ thẻ chip để tăng bảo mật, hạn chế tình trạng người tiêu dùng bị mất tiền trong tài khoản là cần thiết. Bởi lẽ thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ mất tiền trong tài khoản thẻ ATM trong khi thẻ vẫn nằm trong túi, nhất là vào ban đêm.

{keywords}
 

Đơn cử ngày 20-10-2018 vừa qua, chị Nga ở Ninh Bình liên tiếp nhận được các tin nhắn giao dịch rút tiền với tổng cộng số tiền bị rút là 19 triệu đồng trong khi thẻ ATM của chị vẫn nằm yên trong ví. Tương tự, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng hai tài khoản thẻ ATM mở tại NH của một khách hàng đã bị “bốc hơi” với tổng số tiền thiệt hại lên tới hơn 200 triệu đồng.

Mặc dù một số vụ mất tiền thời gian qua do chủ thẻ để lộ mật khẩu nhưng cũng không thể phủ nhận một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến việc mất tiền của khách là do chất lượng thẻ ATM. Theo đó, hiện đa số thẻ ATM tại Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ từ, một công nghệ có tính an toàn không cao, dễ bị sao chép, đánh cắp dữ liệu làm thẻ giả, bị hack, rút tiền. Chỉ có một số loại thẻ thế hệ sau mới áp dụng công nghệ bảo mật bằng chip. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thay thế toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip từ lâu với độ bảo mật, an toàn cao hơn nhiều.

“Việc tiền trong tài khoản bỗng nhiên biến mất liên tục xảy ra khiến tôi và nhiều khách hàng thực sự phập phồng lo lắng. Do vậy, tôi cho rằng chủ trương buộc các NH chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip để tăng tính bảo mật, bảo vệ tiền của khách hàng cần phải thực hiện gấp rút” - anh Tuấn Minh (quận Tân Bình, TP.HCM), một khách hàng thường xuyên thanh toán bằng thẻ bày tỏ quan điểm.

{keywords}
Đến cuối năm 2019, hơn 25 triệu thẻ ATM sẽ phải hoàn tất việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip với công nghệ bảo mật, an toàn hơn.

Lo nhất là chi phí cao

Ông Lê Minh Huấn, Phó Tổng Giám đốc NH SCB, khẳng định để chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, NH không gặp phải rào cản nào về vấn đề công nghệ, bởi vài năm trở lại đây các NH đều chú trọng tới việc đầu tư cho công nghệ an toàn bảo mật, an toàn thẻ cho khách hàng. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất là chi phí thực hiện việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip lớn. Đây thực sự là một gánh nặng, đặc biệt với những NH có số lượng phát hành thẻ lớn.

“Khi chuyển đổi thẻ, các NH phải nâng cấp phần mềm để chấp nhận thẻ chip, các máy ATM, đầu đọc thẻ tại các điểm chấp nhận thanh toán. Hiểu đơn giản là các NH phải bỏ chi phí để nâng cấp hệ thống chấp nhận thẻ gồm máy ATM và máy POS để tương thích với thẻ chip. Mặt khác, giá thành làm phôi thẻ chip đắt hơn rất nhiều so với thẻ từ” - ông Huấn phân tích.

Đại diện NH Agribank cũng cho biết sẵn sàng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. “Đối với chúng tôi, hệ thống phần mềm nâng cấp thẻ từ lên thẻ chip về cơ bản đã được chuẩn bị xong. Song để triển khai cần có lộ trình phù hợp để vừa đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, đồng thời cũng phải tính toán đến bài toán tiết kiệm chi phí”.

Đại diện Agribank cũng khẳng định tốn kém lớn nhất trong việc chuyển đổi thẻ là chi phí làm phôi thẻ từ. Cụ thể, chi phí làm phôi thẻ ATM bằng thẻ từ chỉ tốn khoảng 1.000-2.000 đồng/thẻ thì chi phí làm thẻ chip lên đến 20.000-30.000 đồng, tương đương 1-1,5 USD/phôi thẻ chip.

“Điều đó có nghĩa phôi thẻ chip đắt hơn 15-20 lần so với giá thành làm phôi thẻ từ. Tuy nhiên, dù có tốn kém thì việc chuyển đổi này là cần thiết cho sự an toàn vấn đề thanh toán thẻ của khách hàng” - đại diện Agribank cam kết.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, cho rằng để việc chuyển đổi suôn sẻ, NHNN cần hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết để cho thẻ chip được vận hành thông suốt. Ví dụ, cần có bộ tiêu chuẩn về thẻ chip và các NH dựa vào tiêu chuẩn chung đó để xây dựng lộ trình chuyển đổi, tránh tình trạng mỗi NH đưa ra một loại thẻ, sau đó phải đồng bộ lại mất rất nhiều thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó cần tăng tính kết nối và sử dụng chung nền tảng công nghệ giữa các NH với nhau. Bởi nếu mỗi một tổ chức phát hành thẻ trên một nền tảng công nghệ khác nhau sẽ gây lãng phí lớn. Hơn nữa một số thẻ ATM của NH nhỏ nhưng có thể dùng được trên nền tảng công nghệ của NH lớn. “Tuy nhiên, phải có quy định rõ ràng về chia sẻ chi phí dịch vụ để tránh tình trạng đến khi xảy ra sự cố, NH này đổ lỗi cho NH kia” - ông Lực nêu quan điểm.

Toàn bộ máy ATM phải thay đổi

Theo Thông tư số 41/2018 vừa ban hành của NHNN, đối với tổ chức thanh toán thẻ, đến ngày 31-12-2019, ít nhất 35% máy ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại điểm bán đang hoạt động phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Đến cuối năm 2020, toàn bộ hệ thống ATM và máy POS phải đáp ứng quy định về tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, nhằm bảo đảm hệ thống ATM hoạt động thông suốt, ổn định, an toàn.

Số liệu của NHNN cho thấy đến cuối tháng 9-2018, cả nước có 18.173 máy ATM, trên 294.500 máy POS; các tổ chức tín dụng đã phát hành hơn 85,2 triệu thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM) trong tổng số trên 101,2 triệu thẻ NH các loại.

(Theo Pháp luật TP.HCM)