Dồn dập thay dàn lãnh đạo

Tối muộn 22/3, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) bất ngờ phát đi thông báo thay đổi nhân sự ở cấp cao nhất là ghế chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Bà Lương Thị Cẩm Tú được bổ nhiệm làm chủ tịch nhà băng này thay cho ông Lê Minh Quốc.

Bà Lương Thị Cẩm Tú (1980) được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI giai đoạn 2015-2020 sau khi trúng cử vào HĐQT của Eximbank hồi tháng 4/2018 và sau đó đã mua thành công gần 13,8 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,122% vốn.

Như vậy, đây là một thay đổi nhân sự cao cấp bất ngờ tiếp theo tại Eximbank. Trong vài năm qua, sau khi Lê Hùng Dũng rời Eximbank, ngân hàng này đã đối mặt với rất nhiều sóng gió và sự thay đổi nhân sự cao cấp.

Hồi tháng 4/2018, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh vào Phó TGĐ "quyền lực" nhất của Eximbank. Hồi tháng 8/2017, Eximbank chứng kiến 4 phó TGĐ xin nghỉ việc, 5 phó TGĐ xuống làm giám đốc cấp cao.

Như vậy, trong khoảng thời gian đó, Eximbank giảm 8 phó TGĐ. Ban điều hành mới chỉ còn 7 người thay vì 15 thành viên như trước đây. Tổng cộng 4 cá nhân đã rời vị trí lãnh đạo Eximbank gồm: ông Nguyễn Quốc Hương, ông Lê Hải Lâm, ông Nguyễn Quang Triết và bà Bùi Đỗ Bích Vân. 

{keywords}
Bà Lương Thị Cẩm Tú từng là TGĐ NamABank.

Ngoài ra, Eximbank cũng tổ chức lại 9 khối - trung tâm, phòng ban ở Hội sở chính thành 7 khối. Việc tái sắp xếp này là một phần của các khởi xướng chiến lược trung và dài hạn của Ngân hàng thuộc dự án “Eximbank mới”.

Hồi tháng 6/2017, Eximbank cũng đã bất ngờ bổ nhiệm cùng lúc 2 Phó Chủ tịch HĐQT: ông Đặng Anh Mai và ông Yasuhiro Saitoh cùng cho nhiệm kỳ VI (2015-2020).

Đầu tháng 8/2016, ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào 2/8 đã bị hoãn mà nguyên nhân được HĐQT Eximbank cho biết do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chỉ đạo Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của cá nhóm cổ đông để báo cáo trước khi NHNN phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT. 

Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của Eximbank bắt đầu từ năm 2015, ở vào thời điểm khi thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ sáp nhập với Ngân hàng Nam Á (NamABank). Tại ĐHĐCĐ năm 2015, NamABank cũng đã cử người tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT của Eximbank.

Cuộc tranh giành quyền lực tại Eximbank được cho là xuất phát từ việc có sự liên minh giữa các nhóm cổ đông trong điều hành hoạt động của Eximbank. Cụ thể, trong số 8 thành viên HĐQT khi đó có 3 người là đại diện cho 3 nhóm cổ đông với tỷ lệ sở hữu khoảng 40% cổ phần tại Eximbank. 

{keywords}
Eximbank cùng Sacombank sa sút vì mẫu thuẫn các nhóm cổ đông.

Quyền lực phân chia, kinh doanh bết bát

Kể từ ĐHCĐ 2015 của Eximbank (cuối tháng 7/2015) khi mà cựu chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank luôn nóng bỏng. Các nhóm cổ đông không tìm được sự đồng thuận trong vấn đề lựa chọn thêm người vào quản trị.

Câu chuyên tranh giành ghế vào HĐQT Eximbank thực sự lan rộng sau khi ĐHCĐ năm 2016 bất thành. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank lún vào khó khăn, với tài sản tụt giảm và lợi nhuận lao dốc, thậm chí bị lỗ và cổ phiếu Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm hai năm liên tiếp. Trong khi đó, liên tiếp xảy ra các vụ mất tiền trăm tỷ trong tài khoản của khách hàng do chính nhân viên chiếm đoạt.

Theo đánh giá sơ bộ, khi đó Eximbank bị phân chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất liên quan tới các cổ đông nước ngoài; nhóm thứ 2 gồm các cá nhân và cônn ty liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và nhóm thứ 3 gồm nhiều thành viên trong đó có chủ tịch vừa nghỉ Lê Minh Quốc, một số thành viên khác như Đặng Anh Mai, Lê Văn Quyết (TGĐ), Nguyễn Quang Thông, Hoàng Tuấn Khải.

Thời khó khăn của Eximbank bắt đầu từ năm 2011, với tổng tài sản của ngân hàng từ mức 183,6 ngàn tỷ đồng giảm xuống chỉ còn 161 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2014 và đến năm 2015 giảm xuống chưa tới 126  ngàn tỷ đồng. 

{keywords}
Ông Lê Hùng Dũng.

Lợi nhuận cũng theo chiều hướng đi xuống. Từng là gương mặt thường trực trong “câu lạc bộ ngàn tỷ lợi nhuận” của hệ thống ngân hàng, sau hai năm, Eximbank “rớt đài” tụt xuống 828 tỷ đồng trong năm 2013, rồi xuống 69 tỷ đồng trong năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng.

Vấn đề chọn thêm thành viên vào HĐQT và đã đạt được những bước đi ban đầu với sự có mặt của bà Lương Thị Cẩm Tú và giờ là chủ tịch Eximbank cho thấy đã có sự thay đổi về tương quan quyền lực giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank.

Trước khi tham gia vào HĐQT Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú từng là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).

Tính tới cuối tháng 6/2018, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật) là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 185 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 15% cổ phần Eximbank). Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank là cổ đông lớn thứ hai nắm giữ hơn 101 triệu cổ phiếu EIB (8,19%); VOF Investment (5,97%).

Với giao dịch mới nhất, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Eximbank. Các cổ đông còn lại nắm giữ tới gần 71% thuộc về nhiều nhóm cổ đông khác nhau. Trước đó, tại các ĐHCĐ trước đó, rất nhiều nhân sự ứng cử bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 nhưng đã không thành công.

M. Hà