Trong cùng ngày, ông Phạm Nhật Vượng rút khỏi vị trí chủ tịch doanh nghiệp có quy mô vốn 14 tỷ USD Vinhomes (VHM), thay vào đó là một gương mặt nữ khá trẻ trung: Nguyễn Diệu Linh. Bà Lưu Thị Ánh Xuân được bầu vào vị trí TGĐ thay cho bà Diệu Linh.

Chỉ khoảng một tuần sau khi ông Phạm Nhật Vượng đạt mức tài sản cao kỉ lục từ trước đến nay với tổng giá trị gần 10 tỷ USD theo số lượng cổ phiếu Vingroup (VIC) nắm giữ, đại gia số một Việt Nam đã chứng kiến hai biến động lớn trong cùng một ngày.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chứng kiến túi tiền bốc hơi mạnh trong phiên giao dịch 28/2 và cũng bất ngờ rút khỏi vị trí chủ tịch của một doanh nghiệp nòng cốt trong Tập đoàn Vingroup: CTCP Vinhomes (VHM), đơn vị quản lý mảng bất động sản của ông Vượng.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc hôm 28/2 theo một cách khá bất ngờ: hai bên rút ngắn thời gian và không có một thỏa thuận nào đạt được. Làn sóng cổ phiếu giảm giá tràn ngập châu Á, và mạnh nhất ở Việt Nam với chỉ số VN-Index giảm hơn 24 điểm (tương đương giảm 2,5%).

Cú giảm điểm mạnh phần nhiều do giới đầu tư bán tháo sau khi đón nhận một kết quả không như kỳ vọng về cuộc họp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thực chất đây là một sự điều chỉnh mạnh sau khi thị trường đã tăng nóng trước đó, kéo dài từ sau Tết Nguyên đán.

Sàn chứng khoán TP.HCM bốc hơi khoảng 3,5 tỷ USD. Riêng tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng chứng kiến túi tiền quy từ gần 1,9 tỷ cổ phiếu VIC bốc hơi hơn 6.300 tỷ đồng. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 21/2, ông Phạm Nhật Vượng ghi nhận khối tài sản ở mức cao kỷ lục gần 221 ngàn tỷ đồng (9,5 tỷ USD) khi cổ phiếu Vingroup lên dỉnh 118.400 đồng/cp.

Cổ phiếu Vinhomes (VHM) giảm mạnh hơn, mất 5,6% xuống còn 87.500 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) giảm 4,3% xuống còn 33.000 đồng/cp. 

{keywords}
Tỷ phú Phạm  Nhật Vượng.

Bộ 3 cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng giảm nhưng vẫn là ngôi sao sáng trong mắt các nhà đầu tư cũng như hàng ngàn báo chí quốc tế trong một sự kiện lịch sử hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Hà Nội.

Dù không có những hợp đồng mua bán tỷ USD như VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hay Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết nhưng Vinfast, VinEco của Vingroup của ông Vượng nằm trong số ít các cơ sở kinh tế được đoàn Triều Tiên viếng thắm. Các đại gia Việt, trong đó có ông Phạm Nhật Vượng đã có cú chào sân toàn cầu khá ấn tượng trong sự kiện lịch sử.

Tuy nhiên, trước đó cả 3 cổ phiếu của ông Vượng đã tăng giá mạnh. Việc điều chỉnh được xem là cần thiết, cũng giống như những diễn biến chung trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu VJC của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng giảm mạnh 3% khiến tài sản của nữ tỷ phú này tụt nhanh. Theo Forbes, nữ tỷ phú USD duy nhất Đông Nam Á có tài sản chỉ còn 2,3 tỷ USD tính tới cuối ngày 28/2.

Tài sản của ông Trần Đình Long cũng giảm mạnh sau khi cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm 2,3%. Các tỷ phú sắp vào danh sách Forbes Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang cũng chứng kiến tài sản giảm mạnh.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index giảm mạnh nhất tại châu Á, giảm mạnh hơn cả mức giảm 1,8% của chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc.

Nhiều cổ phiếu trụ cột khác cũng giảm mạnh như Vinamilk, Masan, Vietinbank, Chứng khoán Sài Gòn, Dược Hậu Giang,...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.

Theo CTCK Bảo Việt, thị trường dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm điểm. Dù vậy, đà giảm của chỉ số sẽ chậm lại và thị trường có thể xuất hiện các nhịp hồi phục trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ 945-955 điểm. Dòng tiền bắt đáy dự kiến sẽ được kích hoạt nếu thị trường tiếp tục giảm mạnh trong một vài phiên tới.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường dù vẫn chưa bị xâm phạm, tuy nhiên với mức độ biến động mạnh của chỉ số như hiện tại, BVSC cho rằng các nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát. Các hoạt động mua trading T+ hoặc mua lại một phần các vị thế đã bán trước đó chỉ được xem xét khi chỉ số phát đi những tín hiệu đảo chiều ở các vùng hỗ trợ BVSC đề cập. Tỷ trọng tổng danh mục giai đoạn hiện tại nên giảm về mức 35-50% cổ phiếu.

Còn theo KIS, tâm lý thị trường trở nên tiêu cực với áp lực bán trên nhóm large-cap. Rủi ro điều chỉnh xuất hiện khi VN-Index kiểm định lại đỉnh cũ tháng 12. Nhà đầu tư nên thận trọng và chờ đợi sự tích lũy trở lại trước khi hành động.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/2, VN-Index giảm 24,8 điểm xuống 965,47 điểm; HNX-Index giảm 1,77 điểm xuống 105,86 điểm. Upcom-Index giảm 0,47 điểm xuống 55,13 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 290 triệu đơn vị, trị giá 6,2 ngàn tỷ đồng.

H. Tú