Ngày 28/1 đi vào lịch sử chứng khoán Việt Nam với kỷ lục buồn khi VN-Index giảm 73 điểm, mức cao nhất trong gần 21 năm của thị trường. Tuy nhiên, thị trường hồi phục nhanh chóng ngay sau đó trước khi trải qua chuỗi phiên liên tục giằng co.

Lần này, liệu chứng khoán có trải qua một đợt điều chỉnh sốc tương tự khi VN-Index một lần nữa đang gần với mốc lịch sử 1.200 điểm?

Dòng tiền là mấu chốt

Trao đổi với Zing, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam (MBKE) Phan Dũng Khánh đánh giá mốc 1.200 điểm là vùng kháng cự cực kỳ mạnh với chứng khoán Việt Nam suốt 21 năm qua.

Ông Khánh dẫn chứng thị trường từng 3 lần tiến đến mốc này vào năm 2007, 2018 và tháng 1/2021. Trong đó, chỉ duy nhất năm 2018, VN-Index vượt qua được 1.200 điểm nhưng cũng nhanh chóng điều chỉnh sau đó.

{keywords}
Chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh cuối tháng 1 sau khi tiến gần đỉnh lịch sử. Ảnh: VNDS.

“Nếu lần này VN-Index vẫn không vượt qua được mốc 1.200 điểm, xu hướng của thị trường sẽ rất khó khăn. Thanh khoản đang có xu hướng giảm dần đều và nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng nhiều”, ông Khánh phân tích.

Theo vị giám đốc của MBKE, dòng tiền trên thị trường hiện nay vẫn như cũ, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài tuy bán ròng không mạnh như năm 2020 nhưng xu hướng giao dịch của nhóm này vẫn chưa tích cực.

Do đó, yếu tố dòng tiền sẽ quyết định liệu thị trường có thể chinh phục được đỉnh lịch sử 1.200 điểm hay không. Để vượt qua mốc này, cần lực mua từ các nhà đầu tư lớn, tổ chức, quỹ bên cạnh nhà đầu tư cá nhân. Nếu chinh phục thành công, VN-Index có khả năng hướng đến vùng 1.250-1.300 điểm, lập đỉnh kỷ lục mới.

Ngược lại, ông Khánh lo ngại nếu tiếp tục không thể chinh phục được mốc 1.200 điểm, thị trường có thể hình thành xu hướng giảm. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính này cho rằng chứng khoán khó lặp lại một phiên giảm sốc kỷ lục lịch sử như ngày 28/1 mà điều chỉnh qua từng phiên.

Theo ông, một yếu tố cần lưu ý khác là tỷ lệ vay ký quỹ (margin) hiện nay đang ở mức cao hàng đầu lịch sử. Việc sử dụng margin chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân và nhóm này sẽ chịu rủi ro lớn nhất khi thị trường điều chỉnh.

Do đó, ông Khánh khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân không nên mua mới ở vùng giá hiện tại, giảm tỷ lệ margin để giữ an toàn. Ngược lại, nhà đầu tư có thể giải ngân thêm nếu VN-Index vượt qua vùng kháng cự 1.200 điểm.

Kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng, dầu khí

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Trung tâm Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng đánh giá mốc 1.200 điểm hiện tại đang là vùng cản quan trọng của thị trường. Những phiên gần đây, nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng khi lo ngại lượng margin đang ở mức cao.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng kịch bản lần này đã khác so với thời điểm thị trường giảm mạnh nhất lịch sử vào cuối tháng 1. Theo ông, tâm lý nhà đầu tư mới vào thị trường lúc đó đã phản ứng một cách thái quá khi đón nhận thông tin dịch bệnh bùng phát.

Còn hiện tại, tâm lý của nhà đầu tư đã khác khi biết những vấn đề đang xảy ra. Nguy cơ thị trường điều chỉnh mạnh vẫn có khi lượng margin vẫn rất cao nhưng hiện tượng căng margin không phải mới. Ông Minh đồng thời nhấn mạnh dòng tiền sẵn sàng tham gia thị trường còn rất nhiều và một số công ty chứng khoán có vốn lớn còn dư địa để tăng margin.

Do đó, ông Minh vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục đi lên trong năm nay. Giám đốc Phân tích của YSVN cho rằng chưa có lý do gì để VN-Index không thể vượt mốc 1.200 điểm.

{keywords}
Biểu đồ giá trị mua bán ròng của khối ngoại từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021. Ảnh: Dstock.

Theo ông, cổ phiếu ngân hàng có thể kéo được VN-Index. Lý do là dự thảo Thông tư 01 sửa đổi cho phép các ngân hàng không phải trích lập đủ số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngay mà được xem xét trích lập dần trong 3 năm. Đồng thời, nhiều ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận lớn trong năm nay từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền.

Ngoài ra, giá dầu hiện nay đang hỗ trợ nhóm cổ phiếu dầu khí - ngành có vốn hóa lớn. Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng cũng có thể hưởng lợi từ sự hồi phục của nền kinh tế.

Ông Minh khuyến nghị trong năm 2021, nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, nhất là trong quý I. “Tất nhiên thị trường không thể tăng mãi và sẽ có nhịp chùng xuống”, ông dự đoán thời điểm này có thể rơi vào quý II. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông, nhà đầu tư thường đứng ngoài thị trường, nghe ngóng thông tin về các kế hoạch kinh doanh.

Chuyên gia này cho rằng chiến lược đầu tư năm 2021 tương đồng với 2019. “Năm 2019, nếu chỉ nhìn vào VN-Index, có lẽ nhà đầu tư không dám giải ngân nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp ba giá trị”, ông Minh chia sẻ. Do đó, nhà đầu tư không nên quan tâm chỉ số mà cần lựa chọn nhóm ngành, cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt.

(Theo Zing)