Sự sụt giảm thanh khoản

Trong phiên giao dịch sáng 28/7, kỷ niệm 21 năm phiên giao dịch đầu tiên, thị trường chứng khoán (TTCK) ghi nhận không khí giao dịch nặng nề và thận trọng, không có nhiều biến động và thanh khoản thấp.

Tổng giá trị giao dịch trong buổi sáng trên cả 3 sàn chỉ đạt 8.000 tỷ đồng. Thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh thị trường đã giảm 11-12% so với đỉnh, chỉ số VN-Index từ mức 1.420 điểm xuống mức 1.270 điểm như hiện tại. Thanh khoản hiện chỉ còn khoảng 15.000-17.000 tỷ đồng mỗi phiên, thay vì đỉnh cao 25.000-30.000 tỷ đồng trong những ngày sôi động trong tháng 6 và đầu tháng 7.

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến: "Nhận diện cơ hội Thị trường Chứng khoán nửa cuối năm 2021" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược Đầu tư Công ty Dragon Capital, cho rằng, mặc dù giảm mạnh so với đỉnh nhưng thị trường có sự trưởng thành vượt bậc. Thanh khoản tuy sụt giảm nhưng chiếm khoảng 80% vốn hóa toàn thị trường là mức hợp lý. Mức đỉnh cao 30.000 là không thực chất và khó ổn định trong thời gian dài.

{keywords}
Thị trường chứng khoán vẫn được dự báo có triển vọng tích cực.

Đợt điều chỉnh giảm này được nhiều công ty chứng khoán (CTCK) dự báo từ trước, khi chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu trung bình trên thị trường (P/E) đầu tháng 7 tăng lên mức 19 lần và đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 làm giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ông Lê Anh Tuấn phân tích, thị trường giảm đợt qua do hai yếu tố. Định giá là một phần. Yếu tố thứ hai là dòng tiền. Trong đó, dòng tiền nước ngoài rút ròng mạnh. Hơn nữa, lượng cho vay ký quỹ tăng đột biến ở các công ty. Do vậy, muốn thị trường tăng tiếp, cần có các đợt chuyển hóa từ người vay nhiều sang các nhà đầu tư chưa vay, dòng tiền nước ngoài quay lại, dòng tiền mới thay thế dòng tiền cũ. Diễn biến như vừa qua là rất tốt.

Xét kỹ hơn về định giá năm 2021 với tăng trưởng lợi nhuận 35-40%, PE khoảng 14-15 lần, còn năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận 22-25% thì PE còn 11,5-12 lần; so với PE trung bình thị trường 15-16 lần thì cách rất xa, còn hấp dẫn. Có vài công ty trên sàn có định giá so với trung bình toàn thị trường, nhưng tổng thể 11-12 lần thì không đắt.

Còn theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset, khi VN-Index giảm về vùng 1.200 điểm là cơ hội để nhà đầu tư mua vào.

Theo ông Minh, nếu dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào giữa tháng 8, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của các DN sẽ không bị ảnh hưởng. 

Mirae Asset điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm để phản ánh điều này với dự báo tăng trưởng EPS năm nay lên 33,8%, từ mức 28% trước đây. Nếu EPS tăng 30% thì P/E giảm và là cơ hội để mua vào.

Theo đại diện Mirae Asset, dự báo nền kinh tế vẫn duy trì được tốt, thế giới cũng đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt về độ mở của nền kinh tế chỉ sau Hồng Kông (Trung Quốc),... Triển vọng của nền kinh tế rất lớn, giúp Việt Nam duy trì được đà tăng trong dài hạn. Với nhà đầu tư, dài hạn mới là quan trọng.

Những ngành nhà đầu tư nên lưu ý

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCK Rồng Việt, cho rằng, thời kỳ kiếm tiền dễ đã qua, nhà đầu tư cần lựa chọn, sàng lọc kỹ hơn cho giai đoạn tới.

Theo bà Lam, tính đến cuối 6/2021, VN-Index giao dịch với mức P/E 19,2 lần, cao hơn 19% so với mức P/E trung bình 3 năm (16,2 lần) nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2018 khi P/E chạm mốc 22,2 lần.

Nhìn dài hạn, dòng tiền có nhu cầu đầu tư trong dân là rất lớn. Số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng mạnh với hơn 100.000 tài khoản/tháng. Sau đợt điều chỉnh vừa rồi, nhiều cổ phiếu về mức hấp dẫn là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào.

{keywords}
Chứng khoán điều chỉnh giảm mạnh gần đây.

Một số CTCK hướng sự tập trung vào các doanh nghiệp ít chịu tác động của Covid-19, có khả năng tồn tại trong bối cảnh giãn cách xã hội. 

Có 6 nhóm ngành được khuyến nghị tới nhà đầu tư gồm công nghệ thông tin, nguyên vật liệu, ngân hàng, chứng khoán, logistics, bất động sản khu công nghiệp.

Với công nghệ thông tin, nhu cầu chuyển đố số không chỉ với doanh nghiệp mà cả cá nhân, nhu cầu cả ở phần cứng và phần mềm. Nhóm nguyên vật liệu có thể gặp cú sốc về giá vì dịch bệnh trong ngắn hạn, nhưng khi trở lại bình thường sẽ tìm đến đỉnh cao mới. Sự khan hiếm có thể diễn ra cục bộ do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến cung không đủ, cầu tăng đột ngột thì doanh nghiệp sẽ hưởng lợi.

Với nhóm ngân hàng đã tạm qua đỉnh tăng trưởng lợi nhuận, nhưng so với các ngành khác thì ít bị ảnh hưởng nhất, cơ bản có kết quả kinh doanh quý II tốt, lại được NHNN hỗ trợ bằng Thông tư 03 cho phép trích lập dự phòng giãn ra 3 năm.

Trong khi đó, chứng khoán là nhóm cổ phiếu chu kỳ. Số lượng khách hàng tăng lên là cơ hội cho các CTCK.

Còn lĩnh vực logistics hưởng lợi từ đặc thù kinh tế Việt Nam và tăng giá cước phí trong ngành logistic. Trong mùa Covid-19, doanh thu, lợi nhuận toàn ngành có thể tốt và 2021, một số doanh nghiệp trong ngành sẽ có kết quả kinh doanh đột biến. 

Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp còn quỹ đất sẽ có lợi thế khi mà nhu cầu nhà đầu tư nước ngoài, trong nước tăng, nhiều nơi hết đất mở khu công nghiệp. Ngoài ra là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đi kèm như nhà ở, vận chuyển, kho lạnh cũng có nhiều cơ hội phát triển.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN, cho rằng, ở góc độ cơ quan quản lý, về trung và dài hạn, thị trường có nhiều điểm sáng và phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch trên thế giới và ở Việt Nam. Về giá chứng khoán, hiện tương đối cao, rủi ro là thị trường điều chỉnh thì cần lưu tâm. Cơ quan quản lý sẽ tập trung để TTCK bền vững, tăng cường giám sát thị trường, đảm bảo tuân thủ quy định pháp lý.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên phụ trách HĐQT, Sở GDCK TP.HCM, cũng đồng quan điểm và đánh giá, số lượng nhà đầu tư mới tăng vừa đáng mừng nhưng rủi ro cũng cao khi không ít trong số đó tham gia theo tâm lý đám đông. 

Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), tình hình bệnh dịch có thể tạo ra sự đảo lộn rất lớn, khốc liệt hơn với doanh nghiệp. Nhưng về kinh tế, vẫn có nhiều tín hiệu tịch cực.

M. Hà

6 tháng đầu năm 2021: Những kỷ lục mới của chứng khoán Việt Nam

6 tháng đầu năm 2021: Những kỷ lục mới của chứng khoán Việt Nam

6 tháng đầu năm 2021, những kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp bị chính thị trường xô đổ. VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ 2 thế giới, thanh khoản trung bình phiên tăng hơn 300% so với cùng kỳ 2020.