Sở GDCK TP.HCM vừa thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu HHV. Theo đó, toàn bộ 267.384.090 cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư hạ tầng Giao thông Đèo Cả sẽ được niêm yết và chính thức giao dịch trên HoSE từ 20/1. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 25.660 đồng/cổ phiếu.

HHV giao dịch phiên cuối cùng trên Upcom ngày 6/1, đóng cửa ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu. So với giá chào sàn HoSE, cổ đông sẽ bị thiệt hại 2.340 đồng/cp.

Giao thông Đèo Cả đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ tháng 12/2015, đến nay đã 6 năm. Thanh khoản cổ phiếu HHV thời gian vừa qua tăng mạnh, bình quân 10 phiên giao dịch gần đây nhất, mỗi phiên có trên 9,4 triệu cổ phiếu khớp lệnh, trong đó có nhiều phiên trên chục triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Điển hình phiên giao dịch ngày 27/12/2021, có hơn 17 triệu cổ phiếu HHV khớp lệnh.

{keywords}
Dữ liệu CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả

Trước đó, Đầu tư Hải Thạch B.O.T hoàn tất bán ra 39 triệu cổ phần. Qua đó, giảm sở hữu từ mức 39,94% vốn (xấp xỉ 107 triệu cổ phần) xuống còn 25,35% vốn (khoảng 68 triệu cổ phần).

Cổ đông lớn liên quan khác là Tập đoàn Hải Thạch vừa thông báo đã bán xong toàn bộ 12,2 triệu cổ phiếu HHV, giao dịch thực hiện từ 12-15/11/2021. Hồi tháng 8, Đầu tư Hạ tầng Miền Bắc đã liên tiếp bán 75 triệu cổ phiếu HHV, hay BOT Hưng Phát cũng bán ra toàn bộ 16,4 triệu cổ phiếu HHV trong khoảng tháng 6/2021.

7/10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất tuần giao dịch vừa qua thuộc về nhóm bất động sản và xây dựng. ROS của Xây dựng FLC Faros giảm 29,7%, HAR của BĐS An Dương Thảo Điền giảm 28,5% và Louis Capital (TGG) giảm 27%. Trên sàn Upcom, cổ phiếu PFL của Dầu khí Đông Đô giảm 33% sau một tuần giao dịch.

Giảm mạnh nhất top 30 vốn hóa là GVR của Tập đoàn CN Cao su VN (GVR) với 7,3%. MSN của Masan (MSN) giảm 6% và NVL của Novaland (NVL) giảm 5%.

VN-Index khó bứt phá

Trong phiên cuối tuần trước, thị trường dần ổn định hơn sau những phiên biến động mạnh liên tiếp, trong đó nhóm bất động sản là tâm điểm khi nhiều mã đã thoát được giá sàn, thậm chí hồi phục tích cực.

Mức thanh khoản cao trong tuần qua đã cho thấy là bên bán đã chiếm ưu thế, nhưng cây nến rút chân trong biểu đồ tuần cũng thể hiện việc lực cầu bắt đáy tương đối tốt trong vùng hỗ trợ tạo bởi đường trung bình 20 ngày và 50 ngày đã giúp VN-Index không giảm sâu. Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng với hơn 800 tỷ đồng cũng là một điểm tích cực.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (14/1), VN-Index đứng ở mức 1.496,02 điểm, tương ứng giảm 32,46 điểm (-2,12%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 26,98 điểm (-5,46%) xuống 466,86 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 3,38 điểm (-2,92%) xuống 112,22 điểm.

{keywords}
Chỉ số VN-Index

Theo Yuanta Việt Nam, VN-Index có thể sẽ còn tiếp tục biến động trong vùng giá 1.490-1.500 điểm. Dòng tiền suy yếu cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường, điểm tích cực là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu chững lại đà giảm và có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục ở 1-2 phiên đầu tuần.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức, cho thấy có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục và các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức 30-35% danh mục tại các nhịp hồi phục và chưa nên mua mới ở giai đoạn hiện tại.

Duy Anh

Đánh đu 'theo sóng, ăn đỉnh', một cú sốc cay đắng mất nghìn tỷ

Đánh đu 'theo sóng, ăn đỉnh', một cú sốc cay đắng mất nghìn tỷ

Hàng trăm triệu cổ phiếu “họ FLC”, trị giá vài nghìn tỷ đồng dư bán sàn vào cuối giờ chiều 13/1. Đây là phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp và khiến nhiều cổ đông nếm trải một cú sốc giảm giá hiếm có trong vài năm gần đây.