Tại cuộc tọa đàm an toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán, diễn ra tuần qua tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý trong lĩnh vực chứng khoán tiếp tục lo ngại về vấn nạn tin đồn xấu làm ảnh hưởng lớn đến thị trường, gây thiệt hại lớn đến các doanh nghiệp, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Xoay quanh vấn nạn tin đồn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, các chuyên gia phân tích về động cơ của kẻ tung tin đồn, mức độ thiệt hại mà tin đồn gây ra, kẻ tung tin đồn có thể xử lý hình sự nếu giá trị tài sản lớn.

Theo ông Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán (TTCK) phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng thông tin. Ông Thọ nêu: “Trên thế giới, tin đồn vẫn xuất hiện trên TTCK. Ở một TTCK non trẻ, chất lượng thông tin, độ minh bạch, công khai hóa ở mức thấp thì tin đồn càng có đất sống”.

{keywords}
Các chuyên gia lo lại về tin đồn xấu ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán

TTCK Việt Nam đã chứng kiến nhiều ông lớn mất hàng nghìn tỷ vì những thông tin sai sự thật. Gần đây nhất, 11/2018, thị trường ghi nhật sự sụt giảm nghiêm trọng của cổ phiếu CTCP Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài. Chỉ trong một ngày7/11/2018, cổ phiếu MWG tụt giảm 4%, tài sản quy cổ phiếu mất hơn 600 tỷ đồng sau khi có thông tin một hacker quốc tế bất ngờ công bố đã có trong tay thông tin 5 triệu khách hàng, bao gồm cả email, lịch sử giao dịch và thậm chí cả thẻ tín dụng, gây rúng động TTCK.

Cùng ngày 7/11/2018, Thế giới Di động nhanh chóng có thông tin phản bác về các cáo buộc làm lộ thông tin khách hàng và khẳng định thông tin được chia sẻ trên các diễn đàn là không chính xác. DN này khẳng định, khách hàng khi đến mua hàng và cà thẻ tại cửa hàng, bản chất là ngân hàng đang đọc thẻ của khách hàng, hệ thống Thế giới Di động và Điện máy Xanh không can thiệp vào quá trình này cũng như không lưu trữ bất cứ thông tin nào của khách hàng.

BIDV, một trong tứ trụ ngân hàng tại Việt Nam, cũng một phen chao đảo vì tin đồn hồi tháng 8/2018 khi cựu chủ tịch là ông Trần Bắc Hà bị bắt. Thông tin này đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chứng khoán nói chung và BIDV nói riêng.

Trước thời điểm chính thức bị bắt hồi 11/2018, ông Hà cũng nhiều lần bị đồn thổi rằng đã bị bắt (8/2017). Khi đó, TTCK Việt Nam ghi nhận 1 phiên giảm điểm mạnh nhất trong 2 năm của các cổ phiếu ngành ngân hàng. Cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV), nơi ông Trần Bắc Hà từng làm chủ tịch, cũng tụt giảm mạnh.

Mặc dù tin đồn nhanh chóng được dập tắt, bằng việc ông Trần Bắc Hà đã lên tiếng khẳng định ngay sau đó rằng mình vẫn bình thường, không có chuyện bị bắt. Tuy nhiên, cổ phiếu BID vẫn bị các nhà đầu tư phớt lờ. Ghi nhận tại thời điểm sau tin đồn ngày 9/8/2017, vốn hóa BIDV bốc hơi tổng cộng 1,8 tỷ USD với hầu như toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng việc doanh nghiệp nhanh chóng xử lý sau khi bị tin đồn xấu là rất quan trọng. Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải đánh giá chính xác tác hại gây ra bởi tin đồn, từ đó đưa ra những thông tin xử lý tốt, giảm tổn hại thấp nhất cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Thọ nhấn mạnh: TTCK là thị trường thông tin và niềm tin, mua cổ phiếu là kỳ vọng vào giá trị của cổ phiếu đó trong tương lai. Tin đồn có hại thì công ty sẽ phản ứng ngay. Nhưng đã có tin đồn thì công ty phải có báo cáo giải trình để tạo niềm tin đối với nhà đầu tư. Những thông tin buộc phải công bố như: Ký kết hợp đồng giá trị, sự cố làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản của công ty để tránh rủi ro...

Theo ông Thị, bản thân các cổ đông cũng chưa phát huy hết quyền của mình. Trong quy định cổ đông có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin đó, thậm chí có quyền khởi kiện Hội đồng quản trị doanh nghiệp ấy.

Ngoài ra, nhiều ý kiến góp ý, chế tài xử phạt các tin đồn làm lũng loạn thị trường vẫn chưa nghiêm khắc, hình thức xử phạt chưa đủ tính răn đe.

Tuấn Linh