Bốc hơi 7,5 triệu đồng trong 4 ngày

Thị trường vàng trong nước hôm 11/8 chứng kiến một phiên giảm hiếm có trong lịch sử. Chỉ trong một ngày, giá vàng SJC giảm hơn 3,3 triệu đồng/lượng. Còn tính từ đỉnh 62,5 triệu đồng/lượng ghi nhận hôm 7/8, giá vàng trong nước đã giảm tổng cộng 7,5 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tính tới 16h15 giao dịch ngày  11/8, giá vàng miếng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 53,08 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,00 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 7/8, giá vàng miếng SJC thiết lập mức cao lịch sử: 62,5 triệu đồng/lượng sau khi liên tục phá vỡ các ngưỡng quan trọng: 59 triệu đồng/lượng (hôm 5/8), 60 triệu đồng/lượng (hôm 6/8) và 61 và 62 triệu đồng/lượng (hôm 7/8).

Trong 2 tuần cuối tháng 7, thị trường vàng cũng đã ghi nhận một đợt tăng hiếm có, liên tục tăng lên các đỉnh cao mới trong 9 năm nhờ hàng loạt yếu tố hỗ trợ cho mặt hàng kim loại này. Trong vài ngày, từ 20-23/7, giá vàng SJC tăng thêm 4 triệu đồng, liên tiếp phá vỡ 4 ngưỡng cản quan trọng 51-52-53-54 triệu đồng/lượng.

Như vậy, tính từ đầu 2020 cho tới đỉnh cao 62,5 triệu đồng, giá vàng trong nước đã tăng tổng cộng gần 20 triệu đồng/lượng (tương đương mức tăng khoảng 46%). So với đầu năm, mức giá hiện tại (55 triệu đồng/lương) vẫn cao hơn 28%.

{keywords}
Giá vàng SJC giảm mạnh trong phiên 11/8 nhưng vẫn ở mức cao so với đầu năm.

Với mức chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra khoảng 2 triệu đồng/lượng gần đây, những người đen đủi nhất có thể thua lỗ tới gần 10 triệu đồng/lượng nếu mua vào ở mức 62,5 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 53 triệu đồng/lượng như hiện tại.

Vàng trong nước giảm mạnh hơn thế giới do trên thị trường, tình trạng đầu cơ không còn phổ biến như trước kia. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây cũng khẳng đinh có nguồn lực để bình ổn thị trường vàng nếu có diễn biến bất thường.

Dù vậy, vàng trong nước quay đầu giảm chủ yếu theo đà sụt giảm trên thế giới. Hôm 28/7, giá vàng giao ngay vượt đỉnh cao kỷ lục 1.920 USD/ounce ghi nhận năm 2011 và sau đó lập kỷ lục cao mọi thời đại 2.072 USD/ounce hôm 7/8.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 11/8 (giờ Việt Nam), giá vàng miếng giao ngay trên thị trường châu Á đã rớt trở lại xuống dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce sau 2 tuần trụ trên ngưỡng này. Tính tới cuối giờ chiều 11/8 (giờ Việt Nam), giá vàng trên thị trường châu Âu đã xuống dưới dưới ngưỡng 1.990 USD/ounce (tương đương 56,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí).

Vàng thế giới quay đầu giảm mạnh trở lại chủ yếu do áp lực chốt lời tăng cao trong vài phiên gần đây và áp lực bán ra bất ngờ tăng vọt, trong khi sức cầu tụt giảm sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nước Nga đã có vaccine Covid-19.

{keywords}
Diễn biến giá vàng thế giới trong vòng 1 năm qua.

Theo hãng tin Bloomberg, Nga đã đăng ký vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Ông Putin cho biết, Nga đã phát triển loại vaccine đầu tiên cung cấp khả năng "miễn dịch bền vững" chống Covid-19 và tiết lộ một trong những người con gái của ông đã tiêm loại vaccine này và khỏe mạnh.

Theo Bộ Y tế Nga, loại vaccine này được Viện nghiên cứu Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Nó đã đươc thử nghiệm giai đoạn 3 trong tuần trước. Tổng thống đã giao nhiệm vụ cho chính phủ đảm bảo tài trợ tiêm phòng cúm và Covid-19 sau khi vaccine được đăng ký.

Cơ hội dài hạn cho vàng vẫn lớn

Trong khi đó, một số công ty nổi tiếng khác như AstraZeneca Plc và Moderna Inc. đang tiến hành các thử nghiệm vaccine ở giai đoạn cuối và được kỳ vọng cũng sẽ sớm có kết quả. Trong tuần trước, theo Reuters, Mỹ sẽ có ít nhất 1 loại vaccine hiệu quả và an toàn vào cuối năm. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Mỹ sẽ có vaccine vào dịp bầu cử tổng thống (ngày 3/11).

Cho dù giá vàng thế giới tụt giảm mạnh trong phiên 11/8, nhưng nhiều chuyên gia đưa ra dự báo triển vọng vẫn khá tươi sáng đối với mặt hàng kim loại này trong dài hạn trong bối cảnh ngân hàng trung ương và chính quyền các nước tiếp tục in và bơm nhiều nghìn tỷ USD vào các thị trường.

Lịch sử cho thấy, sau một cuộc khủng hoảng, vàng không tăng giá và đạt đỉnh ngay mà thường có độ trễ. Bài học từ cuộc khủng hoảng 2008 cho thấy, giá vàng thế giới tăng mạnh vài năm sau đó và lên đỉnh cao vào tháng 9/2011. Giá vàng chỉ ngừng tăng sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng, vốn gây ra lo ngại nguy cơ siêu lạm phát.

Nhiều dự báo cho rằng, đợt tăng của vàng trong vài tháng qua chỉ là một giai đoạn đầu của một xu hướng tăng giá dài hạn. Vàng sẽ có những bước điều chỉnh, có thể khá sâu, trước khi bước vào một đợt tăng mới.

{keywords}
Nga công bố đăng ký vaccine Covid đầu tiên trên thế giới.

Các tín hiệu phân tích kỹ thuật cho thấy, thị trường vàng trong tuần qua ở trong tình trạng quá mua (overbought) trong ngắn hạn và có thể điều chỉnh giảm nhưng vẫn trong xu hướng đi lên. Trên Kitco, theo FXStreet, về tổng thể, xu hướng chung vẫn là tăng bởi động thái mua vào khi giá rẻ sẽ tiếp tục.

Cũng trên Kitco, đại diện U.S. Global Investors cho rằng, vàng có thể tăng lên tới 4.000 USD/ounce (113 triệu đồng/lượng) trong vài năm tới do các nước trong đó có Mỹ ồ ạt in tiền. Mỹ cần hàng nghìn tỷ USD để thực hiện gói kích thích trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Trên thực tế, Fed đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, với lãi suất sát 0% và các chương trình mua tài sản trong một thời gian dài tới. Đại diện Fed thậm chí gần đây khuyến nghị Mỹ triển khai thêm một gói cứu trợ ứng phó dịch.

Đồng USD suy yếu, căng thẳng Mỹ-Trung lên cao, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi và phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đang chìm trong suy thoái… là các yếu tố hỗ trợ cho vàng.

Singapore vừa công bố kinh tế suy thoái gần 43% trong quý II so với quý trước; GDP quý II của Philippines giảm 16,5% so với cùng kỳ; GDP Đức giảm hơn 10% vì đại dịch Covid-19; Kinh tế Hàn Quốc chính thức rơi vào suy thoái sau 17 năm…

Ngân hàng Nhật Bản gần đây đưa ra cảnh báo cho rằng, hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phải vật lộn để tăng trưởng ngay cả khi khống chế được Covid-19.

Trong khi đó, đại dịch Covid được cho là cũng không dễ qua đi kể cả khi thế giới có vaccine. Các nước sẽ không có đủ vaccine cho dân số trên cả thế giới. Bên cạnh đó, sự biến đổi của virus cũng khiến nhiều người lo ngại.

V. Minh