Còn tới 300 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa giải ngân được khiến nhiều lãnh đạo đau đầu. Trong khi đó thu ngân sách 6 tháng chưa đạt kế hoạch đặt ra. Nhiều địa phương tỏ ra lạc quan, nhưng không ít cũng bi quan về số thu ngân sách.

Còn 300 nghìn tỷ chưa tiêu được

Phát biểu tại buổi sơ kết nhiệm vụ tài chính – ngân sách 6 tháng đầu năm 2017 ngày 5/7 của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại việc còn 300 nghìn tỷ vốn đầu tư công chưa tiêu được.

{keywords}
Vốn đầu tư công còn chậm được giải ngân. Ảnh minh họa: L.Bằng

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Giải ngân đầu tư công quá chậm, tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập người lao động, ngân sách, tăng trưởng kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn.

“Vốn huy động khá mà giải ngân không được. Vốn ngân sách là vốn mồi, 300 ngàn tỷ này có thể giúp huy động thêm vốn đầu tư của xã hội thêm 700 ngàn tỷ, giúp nâng vốn đầu tư lên được 1 triệu tỷ”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là điểm yếu trong 6 tháng đầu năm. Trách nhiệm chính là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng ngành tài chính cũng có một phần trách nhiệm.

Tại cuộc họp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chiều 4/7, Phó Thủ tướng cũng đã rất sốt ruột trước việc giải ngân chậm. Ông yêu cầu các Bộ Tài chính, KH-ĐT, NN&PTNT, TN&MT phải làm rõ trách nhiệm của ai. “Lần này không làm, tôi báo cáo Thủ tướng, đề nghị kỷ luật luôn”, Phó Thủ tướng cương quyết.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng KH&ĐT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/7. Cần thiết sẽ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra để làm rõ trách nhiệm của ai giao vốn chậm.

Theo Bộ Tài chính, kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Muốn giải ngân được thì phải giao được vốn.

“Giao vốn quá chậm. Năm ngoái cũng thế, năm nay cũng vậy”, ông Đinh Tiến Dũng phàn nàn, hướng về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dư địa vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA còn 300 ngàn tỷ. Nếu giải ngân được nguồn vốn này thì tạo được lan tỏa, đóng vai trò như “vốn mồi”, giúp nâng số vốn đầu tư lên 1 triệu tỷ.

“Nếu dự án nào đủ hồ sơ thì Bộ Tài chính giải ngân hết, thậm chí trong 1 ngày vì tiền đang dư”, Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh và cho rằng cần sửa những nút thắt tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng.

Hụt thu bởi ô tô, khai khoáng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho hay: Đến hết tháng 6/2017, tổng thu ngân sách ước đạt hơn 563 tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016.

Trong đó thu nội địa mới đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước, thì đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế.

Trong tổng thu ngân sách nêu trên, thu ngân sách trung ương ước đạt 41,5% dự toán; thu ngân sách địa phương 54% dự toán; trong đó, có 45 địa phương thu đạt từ 48% dự toán trở lên (không kể tiền sử dụng đất thì có 11 địa phương đạt trên 52%); 54 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; vẫn còn 18 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán (dưới 48%) và 9 địa phương thu đạt thấp so cùng kỳ.

Nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra là do một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như khai khoáng (dầu thô, khí thiên nhiên, than,...), thủy điện, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất điện thoại di động, sản xuất, chế biến thực phẩm, tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước.

{keywords}
Tiêu thụ ô tô tăng thấp khiến Quảng Nam lo hụt thu. Ảnh: L.Bằng

Tại hội nghị, đã có 9 địa phương đăng đàn phát biểu với những bức tranh thu – chi trái ngược nhau.

Ông Nguyễn Văn Thành Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tỏ ra vui vẻ khi là địa phương đứng thứ 4 từ thu nội địa, sau Hà Nội, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể thu nội địa tăng 10%, đạt 60% dự toán Bộ Tài chính giao, còn thu xuát nhập khẩu đạt 60% dự toán.

“Chúng tôi phấn đấu dứt khoát vượt số thu dự toán Bộ Tài chính giao là tăng trên 10%”, lãnh đạo Quảng Ninh lạc quan.

Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch tỉnh Vĩnh Long không khỏi lo ngại khi đối chiếu từng khoản thu 6 tháng đầu năm. Chẳng hạn, thu từ DNNN do Trung ương quản lí chỉ đạt 31% dự toán; Nguồn thu từ DNNN do địa phwong quản lí chỉ đạt 37% dự toán; thu thuế DN ngoài quốc doanh chỉ đạt hơn 37% dự toán.

“3 nguồn này chiếm 48% dự toán thu của tỉnh. Cho nên ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách”, ông Lê Quang Trung lo ngại.

Còn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thì cho rằng việc thất thu từ ô tô do tiêu thụ xe “ế ẩm”. Những tháng đầu năm tiêu thụ được 5.000 xe, đến tháng 3 còn 4.000 xe, rồi còn 3000 xe.  

“Từ nay đến cuối năm còn giảm vì khách hàng chờ đợi thuế nhập khẩu ô tô giảm về 0% vào 2018. Cho nên số thu Trung ương giao thu từ Trường Hải là 9.600 tỷ đồng, thì khả năng năm nay chỉ đạt khoảng 6.700 tỷ, đạt 70% thôi”, lãnh đạo Quảng Nam cho biết.

Theo lãnh đạo Quảng Nam, thu ngân sách từ ô tô giảm mạnh nên hụt thu 2017 dự kiến tương ứng con số này, khoảng 3.000 tỷ. Cân đối thêm các khoản khác, thì Quảng Nam ước tính vẫn hụt thu khoảng 1.600 tỷ. Cho nên Quảng Nam đề nghị Bộ Tài chính “hỗ trợ bù địa phương khoản hụt thu này”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng: Thu  ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá. Mặc dù chưa đạt 50% dự toán nhưng tăng gần 14% so cùng kỳ năm trước. Thường 6 tháng cuối năm thu ngân sách cũng tốt hơn  nên triển vọng đảm bảo cân đối thu chi là hiện thực.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần tiếp tục cao độ hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch thu ngân sách, phấn đấu vượt thu 5-8%.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tái cơ cấu thu chi ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công.

Lương Bằng