Gánh nặng kê khai giảm

Hội thảo công bố "Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế - Mức độ hài lòng của DN năm 2019", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố sáng 18/11 tại Hà Nội, trên cơ sở thu thập, khảo sát và phân tích dữ liệu từ 1.727 DN toàn quốc.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu VCCI, cho biết, theo khảo sát trong suốt 5 năm (2014-2019), những nỗ lực cải cách, đơn giản hóa chính sách và thủ tục hành chính thuế,... đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tiết kiệm thời gian, công sức cho DN, được ghi nhận và đánh giá khá tốt. Kết quả chung đánh giá sự hài lòng của DN năm 2019 về cải cách thủ tục hành chính thuế là 7,8 điểm, tăng 3% so với năm 2016.

{keywords}
Sự hài lòng của DN với lĩnh vực thuế năm 2019 khá cao và tăng liên tục trong
5 năm qua. 

Các chỉ số đánh giá được tiến hành cho thấy, việc tiếp cận thông tin thuế đạt 7,96 điểm; thực hiện thủ tục hành chính thuế đạt 7,76 điểm; thanh tra, kiểm tra thuế đạt 7,20 điểm; cải thiện chất lượng phục vụ của công chức thuế đạt 7,86 điểm và kết quả giải quyết công việc đạt 8,19 điểm.

So sánh với kết quả năm 2016 có 3 chỉ số tăng điểm là sự phục vụ của công chức thuế, tiếp cận thông tin và kết quả giải quyết công việc; có 2 chỉ số giảm điểm là thực hiện thủ tục hành chính thuế và thanh tra, kiểm tra thuế. Với khảo sát được thực hiện độc lập bởi VCCI, báo cáo đã phản ánh khách quan thực trạng cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế, dưới góc nhìn của DN.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà, nhận xét, thời gian qua, ngành thuế đã có nhiều nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính và đạt được những kết quả quan trọng. Đã có 133/304 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến. Có 99% số DN tham gia khai thuế điện tử và 93% DN thực hiện hoàn thuế điện tử.

Ngành thuế đã giảm từ 401 chi cục xuống còn 190 chi cục và sẽ tiếp tục còn giảm tiếp trong thời gian tới. Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí 167/190 nền kinh tế lên vị trí 109 về chỉ số nộp thuế. Hiện nay, các DN chỉ mất 384 giờ/năm để làm các thủ tục thuế. Việc cải cách thủ tục hành chính thuế liên tục trong các năm qua đã góp phần giúp chỉ số môi trường kinh doanh của quốc gia tăng điểm.

DN vẫn ngại thanh tra

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế vẫn còn những bất cập.  

Theo ông Đậu Anh Tuấn, mặc dù đã chuyển sang làm thủ tục điện tử, nhưng hệ thống đường truyền thường bị tắc nghẽn, khiến các DN mất nhiều thời gian để khai đi khai lại và chờ đợi. Việc duy trì chữ ký điện tử khá tốn kém. Mặc dù đã sử dụng hóa đơn điện tử, nhưng 40% số DN tham gia khảo sát cho biết, họ vẫn phải trình hóa đơn giấy cho cơ quan thuế.

{keywords}
Việt Nam vẫn xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN về chỉ số nộp thuế

Bất cập lớn nhất rơi vào khâu thanh tra, kiểm tra thuế. Có 43% DN cho biết có tiếp đón đoàn thanh tra thuế trong năm. Càng những DN có quy mô lớn, kinh doanh lâu năm càng bị thanh tra, kiểm tra thuế nhiều. Trong đó, 33% số DN cho biết bị các cán bộ thuế có những suy đoán gây bất lợi cho họ. Dù vậy, DN không dám khiếu nại hay khởi kiện ra tòa do thời gian kéo dài, tốn kém chi phí và lo ngại bị thanh kiểm tra tiếp. Các DN quy mô nhỏ cũng rất e ngại khi bị thanh tra thuế. Có 9% số DN cho biết phải chi trả chi phí bên ngoài, trong đó chiếm 73% là cho thanh tra kiểm tra thuế.

Trong Báo cáo Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, các DN FDI cũng cho biết, việc giảm bớt gánh nặng ở khâu kê khai thuế đã giúp các DN tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với nhiều đợt thanh tra và kiểm tra thuế mà đôi lúc không phù hợp với luật thuế Việt Nam.

Bên cạnh đó, là quy định về hoàn thuế Giá trị Gia tăng (GTGT) vẫn còn những bất cập, đang là điểm nghẽn trong cải cách thủ tục thuế. Chẳng hạn, các DN có nguyên liệu đầu vào mua dùng cho sản xuất chịu mức thuế GTGT 10%, trong khi phần lớn các sản phẩm bán ra lại chịu mức thuế GTGT 0% hoặc 5%. Các DN này luôn gặp tình trạng phát sinh số thuế GTGT không được khấu trừ hết qua các tháng trong năm do sự chênh lệch nêu trên. Điều này dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn thấp và gây thiệt hại lớn trong sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra là những bất cập như việc áp thuế không thống nhất giữa cơ quan Hải quan và các Bộ quản lý chuyên ngành, dẫn đến khó khăn đổ vào đầu DN. Các DN cũng lo ngại về sự thay đổi đột ngột của luật thuế và áp dụng ngược trở về thời gian trước, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ gặp rủi ro.

Đại diện của VCCI cho rằng, dù đã có nhiều cải cách làm thay đổi cơ bản về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, nhưng đến nay Việt Nam vẫn xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN về chỉ số nộp thuế. Mục tiêu vươn lên top 4 còn thách thức rất lớn.

Ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho hay, tiếp thu những phản hồi từ DN, ngành thuế sẽ tiếp tục thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong khâu thanh tra, kiểm tra thuế. Tăng cường đào tạo tập huấn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, cũng như chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ.

Trần Thủy