Dư địa tăng trưởng của nền kinh tế 6 tháng cuối năm bị thu hẹp đáng kể. Vì vậy, cần có những giải pháp hỗ trợ DN, kiên quyết bảo vệ hệ thống DN, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Khó khăn hơn, ‘sống’ được không dễ

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) - cho biết, tình hình các DN hiện nay hết sức khó khăn bởi cả đầu ra và đầu vào đều khốn khó. Sản phẩm DN sản xuất ra không thể xuất khẩu, tồn kho rất lớn. Các mặt hàng chủ lực như may mặc, da giày hiện rất khó tiêu thụ. Nhiều DN ở các khu công nghiệp đang phải giãn ca, cho công nhân nghỉ 3 ngày cuối tuần. Tình hình hiện nay còn cấp bách hơn thời điểm trước. 

Theo Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các DN rất muốn phục hồi sản xuất nhưng vô cùng khó. Dự báo từ nay đến cuối năm, nhiều DN không trụ vững và một trong các phương án được tính đến là cắt giảm lao động. “Chúng tôi không có cách nào cân đối giữa khối lượng công việc và số lượng lao động, khả năng có việc đến đâu thì giữ lao động đến đó”, ông Dương nói.

{keywords}
Đối với nhiều DN, để trụ được trong thời điểm hiện nay đã vô cùng khó (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, chia sẻ, khi dịch Covid-19 được khống chế, điều mong mỏi đầu tiên là phải giữ được DN “sống” được. Song, hiện nay rất nhiều DN đang chật vật đối phó với khó khăn, không biết có trụ nổi không.

Nhận định của TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho thấy, từ quý 3/2020 trở đi, tình hình càng khó hơn cho các DN bởi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên thế giới. Nhu cầu hàng hóa giảm mạnh, kinh tế thế giới dự báo còn giảm sâu.

Việt Nam là nền kinh tế mở, với kim ngạch xuất nhập khẩu trên 520 tỷ USD, gấp đôi GDP. Một khi các nước, nhất là các đối tác kinh tế lớn như Mỹ, vẫn đang vất vả đối phó với dịch bệnh, nhu cầu hàng hóa sẽ không còn như trước. Nhiều DN không có đơn hàng xuất khẩu, dự báo số người mất việc, thất nghiệp sẽ còn tăng trong những tháng tới.

Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch. Lý do Covid-19 mới diễn ra trong thời gian ngắn nên chưa thể nhìn nhận và đánh giá đầy đủ các tác động. Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020 tiếp tục chịu ảnh hưởng của một số yếu tố cộng hưởng, đặc biệt từ sự bất định và suy giảm mạnh của kinh tế thế giới, trong bối cảnh dịch Covid-19 khả năng cao bùng phát trở lại.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, theo các dự báo, sớm nhất cũng phải tới 2022 kinh tế thế giới mới trở lại bình thường như trước dịch Covid-19. Với Việt Nam, các kịch bản về tăng trưởng GDP năm 2020 được đưa ra, thấp nhất là 1,5% và cao nhất là 2,8%. Với các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng GDP dưới 4%/năm cũng có nghĩa là kinh tế suy thoái. Vì vậy, Chính phủ cần mở rộng các gói hỗ trợ DN cả về tài khóa lẫn tiền tệ, qua đó tạo cơ hội cho các DN đứng vững, ông Thành nói.

“Bơm” thêm tiền

Đánh giá về các gói hỗ trợ hiện nay, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận xét, mặc dù được ban hành sớm, nhưng gói tài khóa (giãn thuế, giảm thuế... ) và gói an sinh xã hội thực hiện chậm, mới chỉ đạt 20-25% kế hoạch. Còn gói tiền tệ - tín dụng (giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất,... ) đạt được khoảng 50%. Như vậy, còn nhiều DN chưa được hỗ trợ kịp thời.

{keywords}
Không có đơn hàng, không xuất khẩu được,... khiến các DN không có nguồn thu, công nhân phải nghỉ việc (ảnh minh họa)

Ông Steven Bùi, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam - Hàn Quốc, than thở, do dịch bệnh, nhiều DN đã giảm đáng kể doanh thu, thua lỗ, phải cắt giảm hoạt động kinh doanh, giảm số lượng lao động song đến nay vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.

Theo giới chuyên môn, xét về phương diện hỗ trợ bằng nguồn tiền ngân sách, Việt Nam so với nhiều nước còn rất thấp do nguồn lực có hạn. Dư địa dùng ngân sách để hỗ trợ không lớn. Chúng ta đang áp dụng giải pháp tình thế, trong khi tác động của Covid-19 không dừng lại ở những gì đang thấy, có thể kéo dài sang 2021. Do đó, cần có gói hỗ trợ đủ mạnh để giúp các DN chờ giải thể, dừng hoạt động có thể trở lại sản xuất kinh doanh, giảm tối đa việc sa thải lao động.

Chuyên gia Cấn Văn lực cho rằng không thể bắt các ngân hàng giảm tiêu chuẩn cho vay. Nếu ai đến cũng được vay tiền, như vậy sẽ rất rủi ro, nợ xấu tăng cao và dẫn đến hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Song, ông Lực gợi ý, cần mở rộng các gói hỗ trợ, kéo dài thời gian giãn hoãn nộp thuế,... đến cuối năm 2020, sau đó căn cứ vào tình hình thực tế tính tiếp. Với gói tín dụng cũng vậy, tiếp tục kéo dài thời gian khoanh nợ, giãn hoãn nợ, tới hết năm 2020 và giảm thêm lãi suất cho vay.

Theo các chuyên gia kinh tế, sẽ có những DN phải ngưng hoạt động và giải thể, phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền. Vì vậy, chính sách tạo dòng tiền vào cho DN lúc này rất quan trọng và cần hiệu quả hơn. Phải “bơm” tiền thật để DN tái khởi động “cỗ máy” kinh doanh. Việc này có thể thực hiện thông qua các định chế tài chính thuộc sở hữu Nhà nước, hoặc mở rộng các chương trình bảo lãnh tín dụng của Nhà nước sang các ngân hàng tư nhân.

Tại cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu nghiên cứu kế hoạch dài hơi từ nay đến năm 2021 để hỗ trợ tổng thể nền kinh tế. Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021 tăng trưởng tín dụng đạt trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4% GDP để có thêm nguồn lực hỗ trợ DN. Kiên quyết bảo vệ hệ thống DN, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Trần Thủy