Khi khách hàng vay tiền thì app sẽ quy định thời hạn vay trung bình khoảng 7-14 ngày. Quá hạn, người vay sẽ bị phạt theo cách gộp lãi vào gốc và lúc này con nợ không yên với cách đòi nợ “khủng bố” của các nhân viên.

Trả xong vẫn bị ám!

Anh VAĐ (27 tuổi, ngụ TP Hà Nội) cho biết mình bắt đầu vay tiền từ các app vào khoảng đầu năm 2019. “Tôi vay nhiều app như evay, ATM online, doctordong, vdong… nhưng tôi đã trả hết rồi. Số tiền vay 1-3,5 triệu đồng” - anh Đ. nói.

Theo anh Đ., dù đã trả hết tiền từ nhiều tháng trước nhưng trong tháng 11-2019, nhiều người gọi điện thoại thông báo là anh đăng ký vay lại, đang nợ không chịu trả. “Họ xưng là bên uvay, evay hay vdong gì gì đó, tôi khẳng định là mình không có vay lại” - Đ. nói.

Anh Đ. cho biết: Những nhân viên đòi tiền liên tục nói rằng anh đang nợ, lúc thì 2 triệu đồng, lúc thì 3,5 triệu đồng, 3,7 triệu đồng...  “Những người đòi tiền đã dùng rất nhiều số điện thoại để gọi. Khi tôi gọi lại thì lại thuê bao không liên lạc được, số ảo… Tôi nghi ngờ những người này sử dụng sim ảo, dùng phần mềm Voice Ip trên máy tính để gọi thoại” - anh tiếp.

Ngoài việc bị làm phiền thì người thân của anh Đ. cũng liên tục bị khủng bố. “Họ lấy hình ảnh tôi rồi ghép hình với nội dung mình nợ nần gửi cho tất cả bạn bè trên Facebook. Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã báo ngay cho công an khu vực là phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) nhưng vẫn tái diễn” - anh Đ. nói.

Anh Đ. sau đó phải dùng phần mềm chặn số điện thoại lạ nhưng rất bất tiện. “Nhiều lần tôi đã to tiếng, khẳng định với họ là tôi không có vay tiền, đã trả hết từ lâu và tôi cho họ biết là đã báo công an… Được vài ngày họ lại gọi tiếp, gọi mình không được thì gọi cho người thân”.

“Tôi yêu cầu những người đòi nợ đưa ra bằng chứng vay tiền, mang đến nhà tôi sẽ trả thì họ tắt máy” - anh Đ. nói.

“Họ gọi điện thoại bất kể ngày đêm, các tài khoản mạng xã hội bị spam liên tục. Họ nhắn tin vào nhiều số điện thoại của người thân để khủng bố” - anh Đ. cho hay.

{keywords}
Anh Đ. ở Hà Nội vay tiền qua app đã trả hết nhưng liên tục bị đòi nợ. Nhân viên các app nhắn qua Facebook khủng bố người vay (ảnh nhỏ). 

Không vay cũng bị khủng bố

Còn chị L. ở huyện Hóc Môn, TP.HCM thì dở khóc dở cười vì tò mò. Thấy nhiều app nên chị truy cập thử một app cho vay. Sau khi cung cấp số điện thoại, CMND, chụp ảnh mặt trước, sau của CMND, tên cơ quan, địa chỉ nhà thì chị ngưng vì thấy số tiền cho vay quá thấp nhưng lãi suất và phí quá cao.

Khoảng 30 phút sau chị nhận được tin nhắn báo “Chúc mừng bạn đã nhận được hạn mức vay. Hoàn thành bộ hồ sơ để nhận khoản vay”.

Tưởng vậy là xong, ai ngờ hằng tháng chị đều nhận được cuộc gọi nhắc nợ. “Tháng đầu thì họ còn nói nhẹ nhàng nhưng sau khi thấy tôi nói đi nói lại là tôi không phải người mà các chị đòi nợ thì nhân viên nhắc nợ quay qua chửi mắng bằng những lời thô tục, nào là kẻ ăn cướp, trốn nợ…” - chị kể.

Theo chị L., gần nửa năm bị khủng bố mà không có cách nào ngăn chặn ngoài việc chặn số. “Nhưng lạ là tôi chặn số này lại mọc lên một số khác và gọi vào bất kể giờ giấc nào trong ngày” - chị kể.

Chỉ nghĩ đến tự sát

Chị T. ở Lâm Đồng cho hay: Lúc đầu vay qua app 2 triệu đồng, sau đó chị tiếp tục vay theo kiểu lấy tiền app sau trả cho app trước. Hiện chị nợ 150 triệu đồng của 34 app nhưng thực tế chỉ nhận chưa tới 30 triệu đồng. “Họ liên tục gọi điện thoại cho tôi và một số người thân trong gia đình, có ngày gọi cả trăm lần, chửi rủa những lời lẽ rất độc ác”  - chị T. nói

Còn chị L. (28 tuổi, ngụ Lâm Đồng) cho biết mình đã phải “nuôi” các app vay tiền khoảng một năm nay và đang mắc nợ 50 triệu đồng từ số nợ ban đầu chỉ hơn 1 triệu đồng. “Một năm qua làm được bao nhiêu tiền đều “cúng” hết cho họ, không dám sắm sửa gì cho con, không lo cho gia đình được… Giờ tôi hối hận, chỉ biết trách bản thân mình” - chị L. nói.

Áp lực từ các nhân viên đòi nợ bất kể ngày đêm khiến chị bị trầm cảm, có ý định tự tử. “Tôi lúc nào cũng nghĩ đến cái chết vì không chịu nổi. Nhưng tôi lại nghĩ mình còn con, còn gia đình…” - chị L. nói.

“Họ biết tôi bán hàng online nên đe dọa gây mất uy tín. Mình thì sợ nhục, sợ bị bôi xấu nên phải cố cày cuốc để trả nợ nhưng không bao giờ dứt được. Lâu nay còn không mua được cho con một hộp sữa, áo mới, nghĩ thương đứt ruột…” - chị L. tiếp.

“Dội bom” những câu đe dọa

“Đội đòi nợ chúng tôi phát lệnh truy nã, phối hợp với VKS khởi tố tội danh chiếm dụng tài sản”.

“Chúng tao cho nhà mày tới 3 giờ, tự giác trả nợ, đừng để tai nạn xảy ra với gia đình mày”.

“VKSND Tối cao tỉnh An Giang ra lệnh tạm giữ bị can PHNN bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm dụng tài sản” hoặc “đội thu hồi nợ Hưng Thịnh thông báo, chúng tao đã tiếp nhận hồ sơ, điều động xuống nhà mày làm rõ sự việc…”.

Tin nhắn của nhân viên các app đến người vay

(Theo Pháp luật TPHCM)