Quay về lộ trình tăng trưởng cao

Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản Tháng 1/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu quay về lộ trình tăng trưởng trước COVID vào 2023, khi nhu cầu trong nước phục hồi đầy đủ và không có các cú sốc mới.

Theo WB, năm 2022 tăng trưởng GDP sẽ tăng tốc, dự báo tăng lên mức 5,5% so với 2,6% năm 2021.

Bà Dorsatin Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp WB cho rằng, viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn là tích cực, với điều kiện Việt Nam tiếp tục triển khai vaccine trên toàn quốc, các hoạt động kinh tế trong nước được phục hồi, cùng với diễn biến phục hồi kinh tế trên toàn cầu.

Báo cáo được đưa ra với giả định đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong và ngoài nước. Khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Thâm hụt ngân sách và nợ công được kỳ vọng ​​sẽ vẫn bền vững, với tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến ​​là 58,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định.

Trong 2021, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài từ tháng 4, làm chệch quá trình phục hồi trong quý III năm 2021. GDP giảm hơn 6% trong quý III. Hệ quả là GDP của Việt Nam năm 2021 ước tính chỉ tăng trưởng 2,58%, thấp hơn 4,2 điểm phần trăm so với dự báo của WB đưa ra hồi tháng 12 năm 2020.

Các đợt giãn cách xã hội vào quý III năm 2021 gây ảnh hưởng đến khoảng 28,2 triệu lao động, trong đó khoảng 2,5 triệu người bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục lên mức 3,7%. Thu nhập thực tế bình quân của người lao động bị giảm 12,6% trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm trước.

{keywords}
Kinh tế khởi sắc, Việt Nam trở lại lộ trình tăng trưởng từ 2023

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người đã trở về quê, trong đó hơn một nửa là về từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Với việc các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng và nền kinh tế mở cửa trở lại, tình hình thị trường lao động đã cải thiện trong quý IV/2021, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phải đi trước khi phục hồi hoàn toàn.

Cung tiền và tín dụng được mở rộng nhanh chóng đã đảm bảo thanh khoản dồi dào, trong khi lạm phát vẫn ở mức thấp. Tăng trưởng tín dụng liên tục cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào trong khủng hoảng. Bất chấp cung tiền tăng nhanh và giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới lên cao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2021 vẫn duy trì ở mức thấp, chỉ tăng 1,84%, thấp hơn nhiều so với mức trần 4% nhờ giá lương thực, thực phẩm ổn định và sức cầu trong nước yếu.

Thách thức còn nhiều

Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng ​có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều đối tác thương mại của Việt Nam đang phải đối mặt với dư địa tài khoá và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo WB, các chính sách ứng phó cẩn trọng của Việt Nam có thể giảm thiểu những rủi ro trên. Các biện pháp về chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tổng cầu trong nước, trong đó có tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng chi cho y tế và giáo dục.

Cũng theo WB, các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng cần có quy mô lớn hơn và tập trung hơn. Các chương trình an sinh xã hội cần xác định đúng các nhóm đối tượng cần trợ giúp và triển khai thực hiện hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả xã hội nặng nề và không đồng đều của cuộc khủng hoảng. Rủi ro đang gia tăng trong khu vực tài chính cần được giám sát chặt chẽ và chủ động giải quyết.

{keywords}
Thương mại xanh là xu hướng tương lai.

Không giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn dư địa tài khóa đáng kể, nhưng chưa sử dụng đủ để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo bà Dorsatin Madani, chính sách tài khóa mở rộng có thể được triển khai mà không gây tác động lớn đến cân đối tài khóa và nợ vẫn được duy trì bền vững trong ngắn hạn và trung hạn.

Trong dài hạn, đẩy mạnh đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là cách để hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng của đất nước trong giai đoạn chuẩn bị triển khai Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2030 và chuyển đổi sang lộ trình tăng trưởng xanh, số hóa và bền vững hơn.

M. Hà

Kinh tế toàn cầu rất khó khăn, nỗi lo cú sốc 'hạ cánh cứng'

Kinh tế toàn cầu rất khó khăn, nỗi lo cú sốc 'hạ cánh cứng'

Nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào một giai đoạn rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại và dự báo kéo dài tới năm 2023, gia tăng nguy cơ “hạ cánh cứng” ở các nền kinh tế đang phát triển - Ngân hàng Thế giới nhận định.